Thực trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng và giải pháp tháo gỡ. Bài 1: Bất cập trong quản lý, sử dụng đất, rừng
(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng diện tích đất, rừng lâm nghiệp hơn 300.000 ha. Hầu hết diện tích đất, rừng lâm nghiệp đã giao cho các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, các địa phương quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất. Tuy vậy, do đất rừng ngày càng có giá trị và một số đơn vị, địa phương còn buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng đang xảy ra phổ biến.

Thực trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng và giải pháp tháo gỡ. Bài 1: Bất cập trong quản lý, sử dụng đất, rừng

(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng diện tích đất, rừng lâm nghiệp hơn 300.000 ha. Hầu hết diện tích đất, rừng lâm nghiệp đã giao cho các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, các địa phương quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất. Tuy vậy, do đất rừng ngày càng có giá trị và một số đơn vị, địa phương còn buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng đang xảy ra phổ biến.

Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Tính đến năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải (Công ty Lâm nghiệp Bến Hải) quản lý 8.600 ha, Công ty Lâm nghiệp Đường 9: 7.002,5 ha, Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải: 5.194 ha; BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông hơn 26.227 ha, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải: 25.800 ha, BQL rừng lưu vực sông Thạch Hãn: 8.400 ha; số diện tích đất, rừng còn lại được giao cho các địa phương quản lý, sử dụng.

Để nâng cao hiệu quả mang lại từ công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành quy hoạch 3 loại rừng, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương và người dân phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhờ tranh thủ tối đa các chương trình, dự án như: Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, 327, 661, 773…nên đến nay trên toàn tỉnh đã có 330.000 ha rừng, phủ kín diện tích đất lâm nghiệp, nâng độ che phủ rừng đạt xấp xỉ 50%. Người dân rất phấn khởi tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán và mở rộng diện tích rừng tập trung, đặc biệt là rừng được cấp chứng chỉ FSC để mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên thực trạng xâm lấn đất rừng lâu nay đã xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt trong mấy năm trở lại đây do gỗ rừng trồng có giá trị nên người dân ở vùng gò đồi, miền núi đổ xô đi trồng rừng. Ngoài diện tích đất được nhà nước giao có không ít hộ dân đã ngang nhiên xâm lấn đất mà phổ biến nhất là tình trạng chặt phá rừng để chiếm đất trồng rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, tạo ra xung đột gay gắt với các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng. BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông hiện đang quản lý 26.227 ha rừng, đất rừng trải dài trên địa bàn 15 xã, thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông.

Diện tích rừng và đất rừng phòng hộ nằm xen kẻ với các khu dân cư và đất sản xuất, đất nương rẫy của người dân địa phương. Hiện nay, tại khu vực rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp ở các xã Hướng Phùng, Tân Thành (Hướng Hóa) đang bị một số người dân vào chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Từ đầu năm 2017 đến nay, ở tiểu khu 695P, xã Hướng Phùng và tiểu khu 693, xã Tân Thành do BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông quản lý đã có 7,59 ha đất lâm nghiệp, rừng bị chặt phá. Ngoài 2 tiểu khu trên, ở khu vực giáp ranh do địa phương quản lý còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép cây rừng.

Những cây lớn được đốn ngã, rọc phách vận chuyển đến nơi tiêu thụ, những cây nhỏ được cưa ngắn, chất thành đống, đốt thành tro. Cây rừng bị thủ tiêu, người dân lập tức trồng chuối, lúa trên đó và nghiễm nhiên “biến” thành đất hộ gia đình, sau đó đề xuất với cơ quan chức năng chuyển đất này sang đất sản xuất. Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông cho biết: “Lâu nay tình trạng xâm lấn đất rừng đã xảy ra nhưng đặc biệt trong những tháng đầu năm 2017, đơn vị đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc xâm lấn đất rừng với quy mô lớn.

Trước thực trạng đó, BQL đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, BQL còn đẩy nhanh việc giao đất, thu hồi đất và cắm mốc ranh giới rừng, đất rừng của cơ quan có thẩm quyền cho BQL rừng phòng hộ. Theo đó, tổng diện tích đất rừng dự kiến bàn giao lại cho hai huyện Hướng Hóa, Đakrông là: 3.790,38 ha, trong đó huyện Hướng Hóa 2.008,08 ha, huyện Đakrông 1.782,3 ha. Ngoài ra BQL đề nghị chuyển đổi 70 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt tại tiểu khu 690B xã Tân Hợp, Hướng Hóa bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất”. Tình trạng xâm lấn đất rừng hiện đang diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp địa phương và đối tượng bị xâm hại chính là các BQL rừng và công ty lâm nghiệp.

Ông Lê Hoài Nhân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải cho biết: “Đơn vị hiện đang quản lý hơn 5.194 ha rừng và đất rừng, đã cắm mốc ranh giới và toàn bộ diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nạn xâm lấn đất của người dân các xã lân cận hàng năm vẫn diễn ra, nhất là khu vực địa bàn xã Triệu Ái gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tình trạng xâm lấn tập thể, có tổ chức xảy ra từ năm 2013 đến nay vẫn chưa xử lý được. Để giải quyết tình trạng này, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Triệu Phong tổ chức đối thoại với người dân tìm cách tháo gỡ. Về phía công ty đã chấp thuận rà soát và bàn giao cho địa phương khoảng 250 ha đất để sản xuất, tuy nhiên chưa biết sau này người dân còn tiếp tục xâm lấn nữa hay không”.

Không chỉ ở Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải, tình trạng nói trên cũng diễn ra ở Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, đặc biệt là ở Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Hiện nay trong tổng diện tích hơn 7.000 ha đất rừng của công ty được nhà nước giao quản lý sử dụng có hơn 840 ha đất đang bị người dân ở các địa phương xâm lấn, trồng cây lâm nghiệp. Đây là diện tích rừng trồng theo dự án 661, 327 từ những năm trước nằm chủ yếu trên địa bàn các xã Cam Tuyền, Cam Chính (Cam Lộ). Diện tích đất phân tán nằm ở khe suối, đồi trọc công ty chưa đưa vào sử dụng hoặc có trồng rừng nhưng kém hiệu quả nên người dân đã tự ý xâm canh.

Từ nhiều năm qua, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân sau khi khai thác hết phần cây, tự nguyện trả lại đất cho công ty nhưng vẫn chưa được người dân chấp thuận. Riêng đối với các địa phương, mặc dù đã có sự tăng cường quản lý về đất đai nhưng trong thực tế vẫn còn một số bất cập. Chẳng hạn như ở huyện Triệu Phong qua rà soát cho thấy có 13 tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai ở 15 khu đất, trong đó 8 tổ chức không sử dụng 9 khu đất, 3 tổ chức sử dụng 3 khu đất không đúng mục đích, 3 tổ chức lấn chiếm đất đai 3 khu đất.

Không chỉ riêng Cam Lộ, Gio Linh mà các huyện khác như Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông hiện nay vẫn đang xảy ra hàng trăm vụ người dân phá, lấn chiếm rừng và đất rừng. Riêng tại huyện Đakrông, từ đầu năm đến nay có trên 100 vụ phá, lấn chiếm rừng và đất rừng với diện tích 63,16 ha. Phần lớn diện tích rừng bị phá, lấn chiếm là rừng tự nhiên của các chủ rừng lớn như BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và rừng tự nhiên do các xã quản lý. Thực trạng này là minh chứng rõ nét về sự xung đột về đất, rừng giữa các chủ rừng với người dân địa phương, đặt ra bài toán vô cùng nan giải đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

(còn nữa)

Hồ Nguyên Kha