Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2010: Đỗ cao, nhưng không bất thường?
(TTO) - Dư luận đặt nghi vấn về việc có sự nới lỏng trong các khâu của kỳ thi và Bộ GD-ĐT đã chủ động “thiết kế” kết quả thi này từ trước khi diễn ra kỳ thi. Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng:

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2010: Đỗ cao, nhưng không bất thường?

(TTO) - Dư luận đặt nghi vấn về việc có sự nới lỏng trong các khâu của kỳ thi và Bộ GD-ĐT đã chủ động “thiết kế” kết quả thi này từ trước khi diễn ra kỳ thi. Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng:

Thí sinh TP.HCM trao đổi thêm về những điểm còn băn khoăn sau thi hoàn thành bài thi môn lịch sử. Năm nay rất hiếm thí sinh đạt điểm 10 ở môn thi này - Ảnh: MINH ĐỨC

- Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có đầy đủ số liệu của cả nước để có thể nhìn nhận toàn diện. Nhưng với những dữ liệu Bộ GD-ĐT đang có thì không có gì là bất thường. Tỉ lệ tốt nghiệp tuy cao nhưng tỉ lệ đỗ loại khá giỏi chỉ trên 10%, trong khi năm 2009 tỉ lệ học sinh đỗ khá giỏi là 11%. Phần lớn học sinh đỗ tốt nghiệp ở mức trung bình.

Xem xét ở từng môn thi, tỉ lệ đạt điểm trung bình trở lên ở mức 50% đến trên 80% cũng là bình thường. Điều này phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là kiểm tra việc hoàn thành chương trình THPT của học sinh. Việc đỗ cao nhưng chủ yếu xếp loại trung bình cũng phản ánh đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trước kỳ thi là nỗ lực nâng “đầu yếu kém” của giáo dục phổ thông.

* Ông có thể nói rõ hơn chủ trương nâng “đầu yếu kém” là thế nào? Việc này có liên quan đến chuyện giảm độ khó của đề thi ở tất cả sáu môn thi để vớt những học sinh có lực học quá đuối không?

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Vĩnh Hà
- Chủ trương này triển khai từ đầu năm học, trong suốt quá trình dạy học chứ không phải chỉ trong kỳ thi. Trong cuộc vận động xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ráo riết tìm giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, học sinh yếu kém. Còn ở giai đoạn ôn thi, hướng dẫn ôn tập của Bộ GD-ĐT phát huy rất hiệu quả (thể hiện ở kết quả thi).

Theo hướng dẫn, bộ đã yêu cầu các địa phương phải phân loại học sinh theo trình độ để áp dụng các hình thức ôn tập phù hợp. Trong đó đặc biệt chú trọng phụ đạo đối tượng học sinh yếu kém. Chính vì thế nên tỉ lệ tốt nghiệp tăng, trong đó có nhiều học sinh từng yếu kém đã được bồi dưỡng, kèm cặp tốt trong thời gian ôn thi.

* Nhưng hàng loạt địa phương chỉ sau một năm tăng vài chục phần trăm tốt nghiệp, có những trung tâm giáo dục thường xuyên điều kiện dạy học thấp, trình độ học sinh không cao nhưng vẫn đỗ đến 90%, 100%. Trong kỳ thi, ở nhiều nơi vẫn còn nhìn thấy tiêu cực hiển hiện nhưng không được xử lý. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Các cơ sở có chất lượng giáo dục thấp nhưng đã áp dụng đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT từ đầu năm học thì cũng có thể đạt được kết quả tốt. Bộ GD-ĐT chỉ cố gắng để phản ánh sát thực hơn chất lượng giáo dục thông qua kỳ thi chứ chưa thể giải quyết dứt điểm được tiêu cực. Bộ chỉ đạo nhưng khó có thể nắm tình hình cụ thể của tất cả địa phương. Tuy nhiên, nếu ở đâu có phản ảnh có căn cứ thuyết phục về tình trạng tiêu cực, chắc chắn bộ sẽ xử lý nghiêm túc.

* Có ý kiến cho rằng một kỳ thi mà cả nước đỗ trên 90% thì không cần tổ chức thi cho đỡ tốn kém. Ông thấy thế nào?

- Tỉ lệ tốt nghiệp không phải là yếu tố duy nhất phản chiếu chất lượng giáo dục mà còn phải đánh giá ở nhiều phương diện khác nhau. Đối với học sinh phổ thông, việc đánh giá trong quá trình học rất cần thiết, để điều chỉnh việc dạy, việc học. Nhưng bên cạnh đó vẫn cần đánh giá ở một kỳ thi cuối cấp. Nói không cần thi nữa khi tỉ lệ đỗ cao là không đúng. Vì nếu không thi sẽ không có nỗ lực dạy và học để được kết quả giáo dục tốt. Điều này đã từng xảy ra khi bỏ thi tốt nghiệp THCS. Cá nhân tôi cho rằng nếu được thì cần khôi phục cả kỳ thi tốt nghiệp THCS để duy trì và nâng chất lượng giáo dục ở bậc THCS.

* Trở lại kết quả thi tốt nghiệp năm nay, mặc dù đã khẳng định không nới lỏng và tiêu cực nhưng với những nghi ngại hiện nay, Bộ GD-ĐT có tổ chức thẩm định lại đề thi?

- Sau khi có số liệu về kết quả thi của cả nước, bộ sẽ tổ chức họp để kiểm điểm lại mọi khâu của kỳ thi, trong đó có việc xem xét, đánh giá lại về đề thi. Tuy nhiên, tôi có thể nói là đề thi năm nay đã ra theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và nằm trong chương trình, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi này.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Long An: phụ huynh vây hội đồng thi chờ kết quả

Sáng 18-6, hàng trăm phụ huynh đã tập trung trước Hội đồng thi Long An (đặt tại Trường THPT Tân An, TP Tân An) chờ Sở GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp do có thông tin về việc nhầm lẫn trong điểm thi và nôn nóng muốn biết kết quả. Nhiều phụ huynh cho rằng Hội đồng thi Long An ráp phách sai nên đã chậm công bố điểm thi.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Thu Hà - phó giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết đã có sự nhầm lẫn trong quá trình nhập điểm thi. Điểm thi của thí sinh vắng và không vắng bị lẫn lộn kéo theo sai sót điểm thi của một số thí sinh phía sau trong danh sách. Theo bà Hà, Long An nhận kết quả chấm thi từ Đồng Nai vào chiều 17-6, khi phát hiện sai sót sở đã phải đình chỉ việc công bố.

Về nguyên nhân sự cố này, đại diện Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Đồng Nai (đơn vị chấm thi cho Long An) cho biết sau khi chuyển kết quả cho Long An, sở đã phát hiện bốn trường hợp sai sót kết quả nhập liệu ở khối THPT và khối giáo dục thường xuyên. Theo Sở GD-ĐT Đồng Nai, trước khi công bố kết quả chỉ nhập mã bài và điểm vào phần mềm nhưng khi ráp danh sách thí sinh, người làm nhiệm vụ đọc dò không phát hiện nên mới xảy ra sự cố. Sở GD-ĐT Đồng Nai đã gửi công văn cho Long An để điều chỉnh kết quả chấm thi.

T.VÂN - H.MI - V.TRƯỜNG