Mùa thu mới ở Thủy Ba
(QT) - Một ngày thu tháng 8, chúng tôi trở lại chiến khu Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Chiến khu cách mạng ngày xưa giờ đã được phủ lên màu xanh bạt ngàn của cây cao su, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu. Đồng chí Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: “Chính truyền thống anh hùng của quê hương là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ để chiến khu Thủy Ba nói riêng và xã Vĩnh Thủy nói chung có bước phát triển bền vững như ngày hôm nay”. Thủy Ba là chiến khu của Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm 1930, miền đất Thủy Ba vẫn ngút ngàn rừng già và thú dữ, nhất là hổ. Hổ về rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Để đối phó với thú dữ, nghề bắt hổ đã hình thành ở làng Thủy Ba. Sau lễ cúng tế trời đất, người dân dùng lưới sót, giáo mác, trống chiêng để bắt hổ. Bằng sức mạnh và sự mưu trí, nhiều hổ dữ đã bị người dân làng Thủy Ba vây bắt thành công, đem lại sự bình yên cho làng quê. Truyền thống Thủy Ba bắt hổ được hình thành từ đó. Năm 1947, Đảng bộ huyện Vĩnh Linh quyết định xây dựng chiến khu cách mạng ở Thủy Ba và triển khai các chủ trương “Hạ sơn”, “Rào làng chiến đấu”...
 |
Một mô hình kinh tế hiệu quả tại chiến khu Thủy Ba, nay thuộc thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) |
Ông Lê Quang Vinh, một lão thành cách mạng thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy nhớ lại: “Với truyền thống bắt sống hổ dữ, trong kháng chiến chống Pháp, chiến khu Thủy Ba trở thành nơi che giấu, nuôi dưỡng bộ đội, cán bộ cách mạng; nơi sản xuất lương thực, thực phẩm để cung cấp cho các xã đồng bằng, vùng địch hậu... Đồng thời, nơi đây cũng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch như trận đánh Choi Trạng Hóp, trận Cầu Trai, trận Choi Ốm... tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, bảo vệ vững chắc vùng chiến khu cách mạng”. Ngày 25/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Hiền Lương vào Nam theo Hiệp định Giơ- ne-vơ, nhưng Mỹ đã phá bỏ Hiệp định Giơ- ne- vơ, tiến hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vĩnh Linh trở thành nơi “đầu sóng ngọn gió”, tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là đặc khu trực thuộc Trung ương. Một thời kỳ chiến đấu oanh liệt, hào hùng diễn ra trên vùng quê lũy thép Vĩnh Linh. Bằng sự can trường và lòng dũng cảm, ngày 11/11/1966, quân và dân ở chiến khu Thủy Ba đã phối hợp cùng với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, buộc Tổng thống Mỹ phải thừa nhận là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Với những chiến công đạt được, năm 1969, xã Vĩnh Thủy được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đất nước thống nhất, người dân của vùng chiến khu xưa lại nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, bắt tay vào xây dựng quê hương. Chiến khu Thủy Ba nay thuộc thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, vùng đất thâm sơn cùng cốc, heo hút của ngày xưa đã biến thành những trang trại cao su, những mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập hàng tỷ đồng/ năm. Trong số gần 100 hộ dân đang sinh sống tại Tân Thủy, số hộ khá, giàu chiếm trên 50%, đây cũng là thôn duy nhất của xã Vĩnh Thủy không có hộ nghèo. Đến thăm chiến khu Thủy Ba xưa, chúng tôi ghé trang trại ông Nguyễn Khắc Cận. Sau hơn 20 xây dựng cơ nghiệp, đến nay ông Cận đã sở hữu trang trại tổng hợp với quy mô trên 35 ha, trong đó có 10 ha cao su, 15 ha tràm, 5 ha ao cá và chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng. Đây là một trong số rất nhiều trang trại được người dân xây dựng thành công tại đây, góp phần làm đổi thay bộ mặt của vùng chiến khu cách mạng. Đồng chí Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết thêm, xác định phát triển kinh tế gò đồi là một trong ba thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân, đến nay những quả đồi hoang hóa đã biến thành những rừng cao su, rừng cây lâm nghiệp, cây ăn quả trù phú. Toàn xã hiện có với 1.100 ha cao su (trong đó gần 600 ha đã cho khai thác); 1.470 ha cây lâm nghiệp, 50 ha cây ăn quả, đem lại nguồn thu nhập khoảng 20 tỷ đồng / năm cho người dân. Nâng thu nhập bình quân đầu người của xã Vĩnh Thủy đạt 32 triệu đồng/người/năm (cuối năm 2015). Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi truyền thống, đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng các trang trại, gia trại để chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, kết hợp ứng dụng các tiến bộ KH-KT để tăng sản lượng chăn nuôi hàng năm, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 120 trang trại tổng hợp có hiệu quả, trong đó chủ yếu là trang trại cao su, thủy sản, chăn nuôi lợn..., thu nhập bình quân đạt từ 50-200 triệu đồng/trang trại . Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng những giá trị lịch sử của chiến khu Thủy Ba năm xưa vẫn còn vẹn nguyên dấu ấn, trở thành điểm tựa, nền tảng để giáo dục thế hệ hôm nay vững vàng tiếp nối truyền thống cha ông trong công cuộc xây dựng quê hương. Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống người dân Vĩnh Thủy đã có nhiều khởi sắc, phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới đã tạo nên một bức tranh mới trong đời sống tinh thần của người dân. Nhiều phong trào mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã được khơi dậy, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa tại địa phương được quan tâm xây dựng, các di tích văn hóa được tôn tạo và nâng cấp. Sự nghiệp giáo dục luôn được địa phương quan tâm, công tác khuyến học, khuyến tài được thực hiện chu đáo. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ, địa phương được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2006. Các chính sách về an sinh xã hội được địa phương thực hiện có hiệu quả. An ninh, quốc phòng được giữ vững. Đến cuối năm 2014, Vĩnh Thủy trở thành một trong ba xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chiến khu xưa từng ghi dấu một thời hào hùng, oanh liệt nay đã vươn mình, tạo được những bước phát triển bền vững trên đường phát triển. Với truyền thống của quê hương cách mạng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, xã Vĩnh Thủy nói chung và chiến khu Thủy Ba nói riêng đang viết thêm những trang sử mới trong quá trình đổi mới, từng bước xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Bài, ảnh: LỆ NHƯ