Tăng cường phòng chống cúm A/H5N1, tay- chân- miệng và sốt xuất huyết
(QT) - Trước diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh truyền nhiễm trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng, Sở Y tế tỉnh đã có Công văn số 635/ SYT- NVY ngày 18/9/2012 gửi các đơn vị y tế trực thuộc về việc tăng cường phòng, chống cúm A/H5N1, tay - chân - miệng (TCM) và sốt xuất huyết. Thời gian qua, cùng với các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trên địa bàn, dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1), bệnh TCM và bệnh sốt xuất huyết có nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia ...

Tăng cường phòng chống cúm A/H5N1, tay- chân- miệng và sốt xuất huyết

(QT) - Trước diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh truyền nhiễm trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng, Sở Y tế tỉnh đã có Công văn số 635/ SYT- NVY ngày 18/9/2012 gửi các đơn vị y tế trực thuộc về việc tăng cường phòng, chống cúm A/H5N1, tay - chân - miệng (TCM) và sốt xuất huyết. Thời gian qua, cùng với các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trên địa bàn, dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1), bệnh TCM và bệnh sốt xuất huyết có nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, đối với bệnh TCM, đến hết tuần 38, toàn tỉnh ghi nhận 975 trường hợp mắc, và chỉ còn 83 trường hợp chưa qua 14 ngày, tập trung chủ yếu tại Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Diễn biến của bệnh TCM trên địa bàn đang gia tăng trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì những tháng cuối năm rơi vào cao điểm của mùa dịch, năm học mới đã bắt đầu kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các trường học, nhà trẻ...

Hướng dẫn cách lau rửa đồ chơi cho trẻ

Trong khi đó, rất nhiều người dân lại mất cảnh giác, chủ quan trong việc phòng chống khi dịch bệnh này đã tạm lắng xuống một thời gian. Biện pháp phòng chống bệnh TCM được ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân là tăng cường giữ gìn vệ sinh cho trẻ bằng cách cho trẻ rửa tay bằng xà phòng và nâng cao thể trạng cho các cháu. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm (cúm A/ H5N1) vừa qua đã được ghi nhận tại 19 xã, phường của 7 địa phương gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Tuy đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc cúm A/ H5N1 do lây từ gia cầm sang người trên địa bàn tỉnh, song mọi người dân, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm cần tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Cụ thể, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Riêng bệnh sốt xuất huyết từ ca ghi nhận đầu tiên vào ngày 27/8/2012 đến hết tuần 38 đã có 30 trường hợp mắc tại 5 địa phương gồm Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Cam Lộ, Đông Hà và Hướng Hóa. Tuy nhiên, do các địa phương có ghi nhận ca bệnh đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống nên đến thời điểm này chưa có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết gây ra. Và để phòng bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, ngoài các biện pháp chuyên môn mà ngành Y tế triển khai, người dân cần tích cực thực hiện phòng bệnh bằng cách ngủ màn cả ngày lẫn đêm, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi để phòng muỗi đốt; đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, thay nước bình hoa mỗi ngày để muỗi không có nơi đẻ trứng, thả cá bảy màu, lia thia để diệt loăng quăng; dọn dẹp nhà cửa thoáng mát, ngăn nắp để muỗi không có nơi trú đậu truyền bệnh sốt xuất huyết cho người… Theo nhận định của ngành Y tế, mặc dù các loại dịch bệnh trên đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng song đến nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành Y tế và đang được khống chế không để bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, để tiếp tục chủ động phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh này theo nội dung Công điện số 5628/CĐ- BYT ngày 27/8/2012 của Bộ Y tế và Công văn số 2861/UBND- VX ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống cúm A/H5N1, TCM và sốt xuất huyết, Sở Y tế Quảng Trị đã có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2012 với mục tiêu giảm mắc, giảm tử vong; chủ động, sẵn sàng vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; hướng dẫn các cơ sở y tế liên quan tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dịch bệnh theo các quyết định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phòng chống dịch để báo cáo Sở Y tế xem xét và kịp thời giải quyết. Trung tâm Truyền thông- giáo dục sức khỏe có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các nơi có ổ dịch cũ; tổ chức chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, loại bỏ loăng quăng, bọ gậy tại khu vực dân cư sinh sống và làm việc trong tháng 9/2012, đồng thời phát động phong trào vệ sinh yêu nước tới tận các huyện, thị xã, xã, phường, thôn, xóm; đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh... Các trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cần tăng cường công tác phối kết hợp trong hoạt động phòng chống dịch, trong đó chú trọng việc kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn với phòng y tế, bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố để công tác phòng chống dịch có hiệu quả; chú trọng hoạt động tìm kiếm tích cực tại các bệnh viện, cần có công văn chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát ca bệnh tại cộng đồng; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch, hạn chế tối đa số mắc, không để dịch lan rộng và kéo dài; phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với các phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng chống và cách nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh TCM, sốt xuất huyết để chủ động phòng tránh. Các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cần chuẩn bị thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực đầy đủ sẵn sàng thu dung và điều trị cho bệnh nhân khi có dịch xảy ra; tăng cường chẩn đoán sớm, điều trị bệnh nhân tích cực theo các hướng dẫn, quy định ban hành của Bộ Y tế và kịp thời thông báo các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch với Trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố để phối hợp lấy mẫu chẩn đoán bệnh và triển khai các biện pháp xử lý phù hợp như khử khuẩn, cách ly bệnh nhân, trang bị bảo hộ... Phòng y tế các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức họp ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân thường xuyên nhằm thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo từng địa bàn dân cư; tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể vào công tác phòng, chống dịch bệnh và chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách. Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO