Những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ dầu cho ngư dân ở Quảng Trị
Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống, duy trì và phát triển hoạt động đánh bắt, góp phần phát triển ngành thủy sản và bảo đảm an ninh trên vùng lãnh hải quốc gia. Quảng Trị là địa phương xếp thứ hai trong cả nước về tiến độ hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần phải được tháo gỡ. * Từ những lá đơn của bạn đọc  Thời gian gần đây, Ban  Bạn đọc - Nội chính  Báo Quảng Trị nhận ...

Những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ dầu cho ngư dân ở Quảng Trị

Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống, duy trì và phát triển hoạt động đánh bắt, góp phần phát triển ngành thủy sản và bảo đảm an ninh trên vùng lãnh hải quốc gia. Quảng Trị là địa phương xếp thứ hai trong cả nước về tiến độ hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần phải được tháo gỡ. * Từ những lá đơn của bạn đọc Thời gian gần đây, Ban Bạn đọc - Nội chính Báo Quảng Trị nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của người dân xung quanh việc hỗ trợ dầu cho ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg. Nội dung tập trung vào hai vấn đề chính, đó là: Số lượng tàu thuyền ở một số xã vùng biển tăng đột biến sau khi có Quyết định 289/QĐ-TTg và chính quyền địa phương đã xét sai đối tượng hỗ trợ, hợp lý hoá hồ sơ để lợi dụng rút tiền Nhà nước.

Chuẩn bị ngư lưới cụ để đánh bắt hải sản tại vùng biển Mỹ Thủy, Hải Lăng -Ảnh: Thành Dũng
Theo người dân phản ánh, việc hỗ trợ dầu theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều ngư dân trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, nhất là đối với ngư dân vùng cửa lạch. Tuy nhiên, đối với vùng bãi ngang thì chính sách hỗ trợ trên còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tế, bởi đa số thuyền của ngư dân ở vùng bãi ngang chỉ có công suất từ 6-8 mã lực (cao nhất cũng chỉ 12 mã lực), mỗi thuyền chỉ có một đến hai người chuyên đánh bắt hải sản ven bờ. Thường thì vài ba tháng các chủ thuyền mới đi đánh bắt một lần, mỗi lần cũng chỉ mất vài lít dầu. Với công suất và cường độ hoạt động như vậy nhưng nhiều hộ ngư dân vẫn được hỗ trợ 20 triệu đồng/thuyền/năm. Trong khi đó, tàu xa bờ mỗi năm chi phí từ 800-900 triệu đồng tiền dầu nhưng chỉ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Chính vì mức áp giá hỗ trợ như vậy nên đã xảy ra tình trạng ngư dân khai thêm số thuyền để nhận tiền. Cụ thể ở xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), theo khảo sát ban đầu toàn xã chỉ có 175 chiếc thuyền nhưng khi có chủ trương hỗ trợ thì số thuyền tăng lên 283 chiếc (trong đó thôn Thái Lai tăng 31 thuyền, Tân Mạch tăng 24 chiếc). Để có số thuyền đó, người dân đã tìm cách mua những chiếc thuyền đã hư hoặc mua máy cũ để tu sửa lại và đem đi đăng kiểm. Tương tự ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) ban đầu chỉ có khoảng 65-75 thuyền, sau tăng lên 162 thuyền. Cũng theo người dân thì cán bộ làm công tác đăng kiểm tàu thuyền ở một số địa phương thiếu trách nhiệm, trong quá trình đăng kiểm không tiến hành kiểm tra xác minh chặt chẽ dẫn đến tình trạng gian lận như đã nêu trên. Người dân cho rằng thuyền đã đăng kiểm nhưng không gắn số hiệu tạo điều kiện để một số người lợi dụng mượn thuyền của nhau mang đi đăng kiểm lại. Đơn cử một vài trường hợp cụ thể được phản ánh trong đơn thư khiếu nại: Thuyền ông Võ Thụ và bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Cửa Việt) là hai thuyền chuyên khai thác phế liệu nhưng khi nghe có chủ trương hỗ trợ đã hợp lý hoá hồ sơ thành tàu đánh cá trung bờ. Thuyền ông Lại Văn Tĩnh chuyên đi kéo bè hút cát để bán nay cũng đã làm hồ sơ thành tàu đánh bắt cá. Bên cạnh đó, có một số trường hợp hộ khẩu thường trú ở xã vùng biển nhưng không phải là ngư dân mà là nông dân, cán bộ hưu trí, công nhân viên chức nhưng vẫn kê khai đi biển để được hỗ trợ tiền dầu theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, nhiều ngư dân vì không có điều kiện mua sắm thuyền nên đánh bắt chung với các chủ thuyền khác nhưng khi có chính sách hỗ trợ thì chủ thuyền lại không cho đăng ký thuyền viên, dẫn đến không được nhận tiền hỗ trợ. * Các cơ quan chức năng nói gì? Theo nội dung đơn thư bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng và UBND các xã có liên quan để tìm hiểu nội dụng vụ việc nêu trên. Theo ông Hoàng Đình Liên, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Trị thì trong 4 đối tượng được hỗ trợ theo nội dung của Quyết định 289, tỉnh chỉ áp dụng hỗ trợ cho 2 đối tượng là bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ dầu (chia làm 3 mức hỗ trợ: loại từ 40 CV trở xuống được hỗ trợ 20 triệu đồng, loại 40-90 CV được hỗ trợ 26 triệu đồng và loại từ 90 CV trở lên được hỗ trợ 30 triệu đồng). Ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai nội dung QĐ 289 với sự tham gia đầy đủ của các địa phương, đơn vị như Công ty bảo hiểm, đồn Biên phòng, đại diện lãnh đạo 10 xã có biển trên địa bàn tỉnh. Quy trình xét đối tượng hỗ trợ cũng được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai nên rất ít khả năng xảy ra tình trạng gian lận. Nhìn chung, tiến độ hỗ trợ cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được triển khai một cách nhanh chóng, đồng bộ, chỉ xếp sau thành phố Đà Nẵng về tiến độ giải ngân. Đợt 1, tỉnh đã hỗ trợ được 18,8 tỷ đồng và đợt 2 sẽ được giải ngân 5,6 tỷ đồng. Đề cập đến việc tàu thuyền ở một số xã vùng biển trong tỉnh tăng đột biến sau khi có Quyết định 289, ông Liên cho biết: "Thực trạng này không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mà các tỉnh khác đều có. Lý do tàu thuyền tăng là do trước đây, tàu cá loại 20 CV không được ngư dân đăng ký (do quy trình đăng ký quá rườm rà như người dân phải có đầy đủ giấy tờ về xuất xứ vỏ tàu, máy tàu, hoàn thành thuế trước bạ...). Sau này, Chỉ thị số 54/08 của Bộ NN&PTNT và Công điện số 30 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho phép người dân được cấp giấy chứng nhận để đăng ký và khai thác nhằm giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà. Vì thế, khi có chủ trương hỗ trợ, các ngư dân đã đổ xô đi đăng ký cho tàu thuyền của mình...". “Vậy có hay không việc đăng kiểm còn lỏng lẻo để người dân lợi dụng?”. Ông Liên nói: " Trách nhiệm của Chi cục là tổ chức đăng ký và xác lập quyền sở hữu phương tiện của chủ tàu. Vấn đề thẩm định và xác nhận thực tế hoạt động trên biển của ngư dân đúng hay sai, nhiều hay ít thuộc trách nhiệm của UBND xã và Đồn biên phòng. Khi đăng kiểm, Chi cục chỉ căn cứ vào danh sách UBND xã cung cấp và tình trạng hoạt động của thuyền". Vĩnh Thái là một xã vùng bãi ngang của huyện Vĩnh Linh. Vừa qua, xã đã phát hiện có 23 trường hợp có hành vi gian lận thông qua phản ánh của người dân, trong đó thôn Thái Lai có 20 trường hợp nên đã rút khỏi danh sách hỗ trợ. Mặc dù quy trình xét đối tượng được tiến hành một cách công khai nhưng xã Vĩnh Thái vẫn để xảy ra những sai sót nói trên. Theo ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã: "Qua sự việc này, chúng tôi thừa nhận cách chỉ đạo, quản lý của xã chưa được chặt chẽ, sâu sát. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn".

"Ngày 18-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân khắc phục khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Theo Quyết định 289, chính sách hỗ trợ đối với ngư dân bao gồm: hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 90 CV trở lên hoặc tàu cung ứng dịch vụ khai thác hải sản; hỗ trợ ngư dân thay máy tàu mới loại ít tiêu hao nhiên liệu; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu đánh bắt hải sản, làm dịch vụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản, tàu cung ứng dịch vụ..".

Tại xã Gio Việt (huyện Gio Linh), khi hỏi về một số vấn đề người dân khiếu kiện, ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Ở xã chúng tôi, việc xem xét các đối tượng được hỗ trợ tiến hành một cách công khai, chặt chẽ và niêm yết danh sách tại trụ sở các thôn nên những trường hợp gian lận rất dễ bị phát hiện. Đến thời điểm hiện nay, xã chúng tôi vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị xét hỗ trợ sai...". Ông Giang cũng cho biết thời gian qua, xã Gio Việt đã nhận được một số đơn thư khiếu kiện gửi đến UBND xã về 4 trường hợp nằm trong danh sách hỗ trợ đợt 1 có hành vi gian lận. Đó là trường hợp ông Trần Nhật Trường (thôn Tân Xuân), Lê Cường, Dương Thế Điệt (thôn Xuân Ngọc) và Nguyễn Văn Lợi (thôn Xuân Tiến). Ngay sau khi nhận đơn, UBND xã đã tiến hành họp công khai từng thôn, đưa các đối tượng nói trên ra bàn trước dân và đi đến kết luận việc khiếu kiện trên không có cơ sở. Những đối tượng đó đều nằm trong diện hỗ trợ. Xã cũng đã phát hiện có trường hợp cho người thân ở thị trấn Cửa Việt mượn thuyền đăng kiểm và kịp thời xử lý. Theo ông Giang, việc xảy ra tình trạng đơn thư của người dân khiếu kiện nảy sinh từ chính những bất cập trong Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ, theo Quyết định 289 tàu thuyền đi biển phải có dấu nhập lạch của Đồn biên phòng (đây cũng là một trong những cơ sở để xem xét hỗ trợ) nhưng ở vùng bãi ngang thì không có ai đứng ra chứng nhận về hành trình trên biển của ngư dân. Hoặc tàu đánh bắt xa bờ hoạt động dài ngày trên biển, tiêu tốn lượng nhiên liệu lớn nhưng chỉ được hỗ trợ 30 triệu đồng trong khi đó thuyền có công suất dưới 40 CV thì được nhận 20 triệu đồng. Chính vì những bất cập đó khiến một số người dân do không hiểu rõ về những quy định của Nhà nước đã có sự so sánh, dẫn đến kiện tụng lẫn nhau. Trong đợt hỗ trợ lần hai này, xã Gio Việt lại nảy sinh thêm một vấn đề mới đó là một số ngư dân yêu cầu xã can thiệp với Đồn biên phòng cấp giấy chứng nhận xuất nhập lạch để bà con được hưởng tiền hỗ trợ. Trong khi đó, trên thực tế vào mùa này (cụ thể từ tháng 8 đến nay) rất ít tàu thuyền có thể đánh bắt ngoài khơi do thời tiết xấu. Ông Lê Khắc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết: "Tất nhiên UBND xã sẽ không chấp nhận yêu cầu đó của ngư dân. Việc làm này của một số ngư dân thực sự gây áp lực đối với chính quyền địa phương và rất có thể trong thời gian tới xã sẽ nhận được nhiều đơn thư khiếu kiện về vấn đề này". Qua các nội dung trao đổi trên, chúng tôi nhận thấy rằng, những vấn đề được người dân phản ánh trong đơn thư khiếu nại có phần đúng nhưng cũng có những vấn đề phản ánh sai sự thật. Những sai sót đã được chính quyền địa phương kịp thời khắc phục, đồng thời những khiếu kiện sai sự thật cũng được làm rõ. Tuy nhiên, đây cũng là bài học mà các cơ quan chức năng và chính quyền 10 xã vùng biển trên địa bàn tỉnh cần rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện việc hỗ trợ đợt 2 cho ngư dân vừa đảm bảo nhanh gọn, sát với thực tế, đúng mục tiêu và đối tượng. Hoài Hương - Minh Tuấn