Tái cơ cấu sản xuất để ổn định kinh tế, đảm bảo đời sống người lao động
(QT) - Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cao su liên tục giảm mạnh trong những năm trở lại đây. Mặt khác, phần lớn diện tích cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đã già cỗi nên năng suất, sản lượng sụt giảm, hàng ngàn héc ta cao su đã đến thời kỳ phải thanh lý tái canh, trồng mới. Vì vậy, để thực hiện đề án tái cơ cấu công ty giai đoạn 2012-2015 mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đã xây dựng và triển khai kế hoạch thanh lý, tái canh dài hạn giai đoạn 2012-2020 với diện tích hơn 3.200 ha cao su già cỗi, bằng giống mới năng suất cao, chống chịu gió bão, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề cho công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững.
.jpg) |
Diện tích cao su tái canh, trồng mới đang phát triển tốt |
Đến nay, công ty đã thanh lý và trồng tái canh 1.200 ha cao su, trong đó trồng mới được 620 ha. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, chăm sóc và thời vụ trồng, nên chất lượng vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB) tốt. Để triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất, tái canh, trồng mới cao su trên địa bàn các xã miền tây huyện Gio Linh thuộc Nông trường cao su Cồn Tiên và Nông trường cao su 74, trước hết phải làm tốt công tác vận động công nhân và người lao động nhận khoán và chăm sóc tốt vườn cây KTCB. Đây là một việc làm khó, bởi tái canh, đồng nghĩa với chặt bỏ vườn cây, nơi đã gắn bó máu thịt với người công nhân suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là “cắt” đi nguồn thu nhập chính của người lao động. Vì vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu đúng chủ trương. Bên cạnh đó, công ty phải tìm kiếm các giải pháp để tạo thu nhập cho người lao động ngoài mức lương “tái canh” mà Tập đoàn trả cho công nhân khi nhận tham gia kiến thiết vườn cây. Một giải pháp mà công ty đang thực hiện có hiệu quả hiện nay là tổ chức trồng xen để tạo thu nhập, ổn định đời sống. Nông trường cao su Cồn Tiên có tổng diện tích cao su là 1.112 ha. Đây là đơn vị đầu tiên thực hiện quy trình tái canh trồng mới của công ty. Tính đến năm 2015 là năm thứ 4, nông trường thực hiện tái canh trồng mới cao su với diện tích dự kiến hơn 100 ha. Từ tháng 4/2014 theo chủ trương của công ty về chia tổ sản xuất theo quy mô quản lý, Nông trường cao su Cồn Tiên hiện có 3 tổ khai thác và 1 đội tái canh, trồng mới vừa làm nhiệm vụ chăm sóc cao su KTCB vừa tổ chức tái canh trồng mới cao su. Diện tích cao su KTCB trồng từ năm 2012 đến nay của nông trường là 528 ha. Diện tích tái canh chủ yếu phần lớn là diện tích cao su trồng trên đất đỏ ba dan và cao su chưa khép tán rất thuận lợi cho việc trồng xen. Trên diện tích cao su tái canh, nông trường đã đưa vào trồng xen trên hàng song là 250 ha với các loại cây môn, từ, tía, dưa hấu, lúa, lạc, khoai lang... Đặc biệt trên diện tích trồng mới 100 ha ở xã Hải Thái chuyển đổi đưa vào trồng 20 ha dưa hấu có hiệu quả. Bên cạnh sự hướng dẫn nhiệt tình về kỹ thuật trồng xen của cán bộ nông trường, người dân đã đưa toàn bộ diện tích đất hàng song vào trồng xen để tăng thêm thu nhập. Trong đó, khuyến khích trồng loại cây vừa có thu nhập cao vừa có “tàn dư” để tận dụng tủ gốc cho cao su mới trồng nhằm giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông giúp vườn cây cao su phát triển tốt. Bộ phận nữ công của nông trường đã chủ động cho chị em công nhân mượn vốn từ quỹ nữ công đóng góp để mua giống cây trồng và chi phí cho công tác trồng xen. Bên cạnh đó, người lao động cũng chủ động trong việc tìm các loại cây phù hợp với từng loại đất để đem lại hiệu quả cao. Đối với những hộ công nhân không đủ nhân lực, nông trường vận động chia đất cho công nhân khai thác có nhu cầu để họ tiến hành trồng xen nhằm kiếm thêm thu nhập trong khi tiền lương từ việc khai thác đạt thấp. Thực tế cho thấy việc trồng xen từ các loại cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ nguồn trồng xen ước tính đạt khoảng từ 25-30 triệu đồng/hộ, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống của người lao động. Cá biệt có các hộ như Võ Thị Nhung ở đội 3A, Lê Văn Đối ở đội 4B, xã Hải Thái có thu nhập từ trồng xen mỗi năm từ 60-80 triệu đồng. Vượt qua bao khó khăn thử thách, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Mặc dù giá cao su giảm, nhưng nhờ chủ động đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời nên tình hình tài chính kinh doanh của công ty luôn ổn định. Liên tục từ năm 2010 đến nay sản xuất- kinh doanh của công ty luôn có lãi và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đời sống của công nhân lao động ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt trên địa bàn các xã miền tây Gio Linh, Vĩnh Linh, sau hàng chục năm làm công nhân cao su, đến nay đã có hàng ngàn công nhân nghỉ hưu, nghỉ chế độ, được hưởng tiền lương hưu, trợ cấp BHXH ổn định hàng tháng, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng chí Văn Lưu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cho biết: “Khắc phục những khó khăn trước mắt, cán bộ, công nhân viên công ty tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng diện tích cao su, phấn đấu đến năm 2020 quy mô diện tích cao su đạt trên 5.000 ha. Thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thanh lý tái canh dài hạn giai đoạn 2012-2017 với mục tiêu hoàn thành việc thanh lý và trồng tái canh 3.200 ha. Đề ra các giải pháp đồng bộ trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh hướng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý có hiệu quả suất đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động vững mạnh về lập trường tư tưởng, trình độ chuyên môn tay nghề lao động, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH. Đặc biệt là tập trung tái cơ cấu nền sản xuất nhằm duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động”. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA