Người “công bộc” tận tụy của làng
(QT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo lại đông anh em, trước lúc cận kề bước vào lớp 1, anh Trương Văn Hoàng (thôn Duy Phiên, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) trong một lần theo cha ra đồng do bất cẩn bị máy cày nghiền nát một phần cánh tay phải. Không thể cầm bút để đến trường như chúng bạn, nhưng với nghị lực và quyết tâm cao, anh đã học tập từ bạn bè cùng lứa những nét chữ đầu đời trong những buổi ra đồng chăn trâu, bắt ốc. “Hồi đó hễ đi chăn trâu, tôi thường cầm cành cây tập viết lên bãi cát trắng hay các mô đất những chữ cái mà bạn bè dạy cho, chỉ mong sao quen dần với con chữ. Mãi đến 2 tháng sau tôi mới có thể cầm phấn và viết được. Tuy chữ chưa tròn trịa nhưng cũng dễ đọc hơn nhiều. Từ đó ý định đến trường lại nhen nhóm lên trong tôi”, anh Hoàng nhớ lại.
 |
Anh Hoàng miệt mài với công việc làng giao phó |
Từ ngày vào học, năm nào anh cũng đạt kết quả học tập giỏi nhất nhì lớp, thế nhưng khi học xong lớp 10/12, anh không thể theo học cao hơn vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và phải chăm lo cho mẹ già mang trọng bệnh. Mẹ mất, anh phải thay mặt mẹ chăm sóc các em. Để có điều kiện lo cho các em, anh vay mượn tiền của bà con mở trang trại chăn nuôi vịt giữa đồng hoang. Chưa đầy 3 tháng sau mô hình chăn nuôi vịt thả đồng của anh đã thành công hơn mong đợi, tạo cho anh một động lực và niềm tin vào con đường lập nghiệp của mình, tiếp tục vay mượn bà con, anh em trong gia đình để tăng số lượng đàn vịt. “Ngày đó, việc chăn nuôi vịt khó khăn hơn giờ nhiều lại hay xảy ra trộm cắp nên tôi phải lập trại giữa đồng hoang để tiện cho chăn nuôi. Việc sống chung cùng đàn vịt giữa đồng hoang tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì mình đã lo được cho bản thân và các em”, anh Hoàng tâm sự. Sau nhiều mùa xuất chuồng, anh tích cóp được cho mình một số tiền khá lớn nên ý định đi học lại được nhen nhóm. Năm 19 tuổi anh quyết định đi học bổ túc văn hóa (điểm trường ở xã Triệu Đại, khóa học 1985- 1988) và sau 2 năm kiên trì, miệt mài anh đã tốt nghiệp. Ngày ấy có được tấm bằng như anh đã có thể được xét duyệt vào làm ở một cơ quan nhà nước nhưng rồi thương các em nhỏ không ai chăm sóc anh lại trở về lập nghiệp giữa cánh đồng hoang để nuôi các em nên người. Nghị lực và tình thương của anh đã làm trái tim chị Lê Thị Gái, người con gái quê ở Long Quang, xã Triệu Trạch rung động. Hạnh phúc ấy càng tăng thêm bội phần khi 3 đứa con thơ lần lượt chào đời. “Hạnh phúc nhất với mình là có được một mái ấm gia đình và tiếng cười của trẻ thơ, đó là điều mình từng mơ ước”, anh cho biết. Khi đã có trong tay một cơ ngơi khá khang trang và trang trại chăn nuôi bề thế nhất cù lao Bắc Phước, anh Hoàng tiếp tục mở rộng sang cung cấp con giống cho bà con trong vùng. Để thực hiện điều đó anh mạnh dạn bỏ tiền ra mua máy ấp trứng lên tới hàng chục triệu đồng để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con. Không chỉ tạo điều kiện hạ thấp giá thành con giống, anh còn sẵn sàng bán nợ cho những gia đình có nhu cầu chăn nuôi. Những nhà có ý định lập trang trại còn được anh truyền đạt lại cách thức làm hồ nuôi, chuồng trại cũng như các kỹ thuật chăn nuôi cơ bản khác. Nhờ vậy không ít gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi vịt đàn. “Ngày trước khi mới lập lại tỉnh, nơi đây vẫn còn có nhiều cánh đồng hoang sơ và bãi cát trắng chạy dài miên man, từ khi thấy anh Hoàng lập nghiệp thành công, nhiều người đã làm theo và gia đình tôi đã được anh Hoàng giúp đỡ tận tình. Vì thế mà từ hộ nghèo nhất xóm nhưng chỉ trong 3 năm (1997-2000), gia đình tôi đã trở thành hộ có kinh tế khá”, anh Trương Văn Phương cho biết. Dù là người chú tâm vào chăn nuôi nhưng anh vẫn rất quan tâm đến chuyện thôn xóm, nhất là các gia đình bất hòa hay các cặp vợ chồng trẻ gặp mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Từ đó anh được mọi người biết đến như là người hòa giải của xóm. Anh còn tham gia góp ý kiến và thành lập quỹ tiếp sức đến trường, quỹ chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng, quỹ hỗ trợ phát triển chăn nuôi... Mới đây, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban kiểm soát HTX Duy Phiên. Công việc của anh ở ban quản lý HTX Duy Phiên là kiểm soát xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, giám sát các hạng mục thi công của HTX và chăm lo đời sống sản xuất nông nghiệp cho bà con. Với vai trò là Trưởng ban kiểm soát giám sát quá trình thu chi từ nguồn vốn của HTX nên anh luôn nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin của bà con. “Tiền bạc của dân phải được công bố minh bạch. Việc gì cũng phải lấy ý kiến của dân thì mới làm dân tin được”, anh Hoàng tâm sự. Chia tay chúng tôi, anh Hoàng nhanh chóng đến nhà một người dân cuối làng. “Mấy ngày nay cụ bà neo đơn ở cuối xóm lại bệnh nặng, không có ai đỡ đần nên tôi thường tới lui xem sức khỏe bà ra sao". Với anh Hoàng sự yên ấm của dân làng là món quà lớn nhất mà anh nhận được... Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN