Tản mạn về cây mít
(QT) - Ở quê tôi có câu hò: “Khi mô mà đến tháng ba; mít non chở xuống, cá chuồn chở lên”. Thuở xa xưa, giao thông vận tải chưa phát triển. Xe đò từ Cam Lộ về Đông Hà phải đến phiên chợ Cam Lộ mới có. Lúc đó người buôn chủ yếu đi bằng thuyền theo sông Hiếu, từ bến cầu Đuồi xuôi về Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) rồi đến Huế, mang theo lâm, thổ sản đổi lấy mắm, muối, cá và các vật dụng gia đình ... Mít vườn Cam Lộ - Ảnh: PV

Tản mạn về cây mít

(QT) - Ở quê tôi có câu hò: “ Khi mô mà đến tháng ba; mít non chở xuống, cá chuồn chở lên ”. Thuở xa xưa, giao thông vận tải chưa phát triển. Xe đò từ Cam Lộ về Đông Hà phải đến phiên chợ Cam Lộ mới có. Lúc đó người buôn chủ yếu đi bằng thuyền theo sông Hiếu, từ bến cầu Đuồi xuôi về Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) rồi đến Huế, mang theo lâm, thổ sản đổi lấy mắm, muối, cá và các vật dụng gia đình ...

Mít vườn Cam Lộ - Ảnh: PV

Chuyện kể rằng: Năm 2008, một vị tướng Quân đội đã nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh có nguyện vọng thăm lại chiến trường xưa, nơi ông một thời hoạt động cách mạng. Ở đó có các bà mẹ vùng Cùa Cam Lộ đã đùm bọc, nuôi nấng ông và đồng đội vượt qua những ngày gian khổ. Khoảng năm 1960-1963, chính quyền Sài Gòn ráo riết dồn dân lập “Ấp chiến lược”, hòng “tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi phong trào cách mạng, làm cho tình thế hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những bà mẹ Cùa kiên trung, một lòng một dạ đi theo Đảng và Bác Hồ, vẫn tìm mọi cách nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hồi đó lương thực quá thiếu thốn, mít xứ Cùa lại bạt ngàn, vườn nhà nào cũng có. Mẹ nghèo không có gạo, chỉ còn cách nấu hạt mít để tiếp tế cho các con hoạt động cách mạng. Khoảng những năm 1961-1962, không biết do đâu, vùng Cùa mất mùa mít. Bà mẹ vùng Cùa phải nấu cả xơ mít để tiếp tế cho ông và đồng đội lót dạ. Để bảo đảm bí mật, sáng sớm các mẹ phải đem mít luộc bỏ vào trong chiếc mõ đeo ở cổ bò, đến khi bò ra ngoài rừng, cứ nghe tiếng mõ bò thì các anh đến đó mà lấy. Ông nhớ như in hôm đó là ngày mồng năm tháng năm âm lịch (tết Đoan Ngọ), chờ mãi mà không nghe tiếng mõ bò, đang tuổi thanh niên, cơn đói ập đến không tài nào chịu nổi, ông đành bấm bụng ra khỏi hầm bí mật, thấy con bò ô quen thuộc có đeo mõ lắc lư trên cổ cặm cụi gặm cỏ mà sao không nghe tiếng mõ kêu? Ông đánh liều, nhanh chân chạy đến thò tay vào trong mõ, và rất bất ngờ, bàn tay ông chạm vào một mõ đầy xôi và có cả thịt vịt nêm chặt. Thì ra, mẹ thương các anh, bí mật cho các anh ăn tết Đoan Ngọ. Vì bỏ xôi thịt đầy cả mõ nên mõ không gõ lóc cóc theo nhịp lắc lư của bò được. Hình ảnh ấy theo mãi suốt trong cuộc đời binh nghiệp của ông, cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại ông đều trào nước mắt, nhớ và tri ân các mẹ vùng Cùa. Trước đây, mít được trồng ở Cam Lộ rất nhiều, bây giờ thấy thưa vắng dần. Mít không đưa xuống nên cá chuồn cũng ít thấy lên? Tháng ba bắt đầu có mít non, đến tháng năm thì mít vàng, tháng sáu mít chín, có năm được mùa, mít rụng đầy vườn. Mít non nấu canh với tôm sông và nắm lá lốt góc vườn, làm mát lòng, mát dạ người dân quê những trưa hè. Mít làm nộm trộn với đậu lạc, lá lốt, tiêu tươi vùng Cùa, ăn bùi bùi, cay cay, hương vị quê hương ít nơi nào có. Hạt mít phơi khô đem cất để dự trữ cho mùa đông tháng giá, có cái để hấp, nấu, nướng trên bếp than hồng. Gỗ mít màu vàng rất đẹp, chịu được va đập, không cong vênh, không mối mọt. Gỗ mít làm nhà và đồ gia dụng thì ít loại gỗ nào sánh được. Bây giờ ở vùng nông thôn Quảng Trị vẫn còn nhiều nhà toàn làm bằng gỗ mít. Theo dòng thời gian, mít trái bán không được mấy tiền lại nặng. Hạt mít bây giờ ít ai làm lương thực để thay cơm vào mùa đông. Gỗ mít lâu năm mới khai thác được. Việc chế biến mít chín không mấy ai quan tâm. Mít lại chiếm không gian rộng trong vườn nhà, trong lúc đó cây tiêu lên ngôi, nhu cầu tiêu thụ gỗ mít lớn, lại được giá… Thế là dọc hai bên đường 9, đoạn Tân Lâm, Cam Lộ, gỗ mít bị khai thác nằm la liệt để chờ chở ra miền Bắc, nơi có những làng nghề mỹ nghệ truyền thống, nơi những ngôi chùa, ngôi đình cần sửa chữa. Những người buôn bán gỗ mít còn lặn lội sang nước bạn Lào khai thác, mua bán, mang về. Một dịp tết đến, đi mua sắm bánh kẹo, ta thấy mít Thái Lan được chế biến đóng vào bao bì nhãn mác rất bắt mắt, giá cả cũng chấp nhận được. Mít chín tươi của Thái Lan còn đem bán tận Hà Nội. Thái Lan có nền công nghiệp phát triển, chế biến được nhiều thứ trong đó có mít. Ngày 27/5/2010 báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin: “ Ông Trần Minh Mẫn ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ, trồng 100 gốc mít hạt lép. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay có 70 gốc cho trái, múi mít dày, vị rất ngọt, đặc biệt hạt lép. Mỗi cây ông Mẫn để từ 4 đến 8 trái. Trung bình mỗi trái khoảng 10 kg, bán được 150 ngàn đồng, giá cao gấp đôi so với mít thường. Đây là mô hình đột phá của nông dân phường Ba Láng, được Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư thành phố Cần Thơ chọn tham dự hội thi trái ngon - an toàn Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/2010”. Cứ cho mỗi cây mít 4 quả, mỗi quả ông bán 150.000 đồng, tính ra mỗi cây cho thu nhập 600 ngàn đồng. Ông cha ta có câu “Chạy lóc xóc, không bằng góc vườn” là vậy. Cây mít là cây đa tác dụng, gần gũi với người nông dân, làcây bản địa phùhợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết Quảng Trị. Theo tôi, trong từng vườn nhà cần khôi phục lại cây mít. Vấn đề là phải chọn giống mới, trái vụ, làm sao có thể chế biến với quy mô phù hợp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, chắc chắn mít sẽ trở thành hàng hóa, lại giữ mãi được một góc hình ảnh quê hương, như những câu thơ của cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ: Anh đưa em lên ngược xứ Cùa Những đồi sim cỗi cằn nắng cháy Trái mít non ai vừa mới hái Đủ xé lòng với hạt tiêu cay… LÊ QUÝ