Giao thoa kiến trúc nhà sàn
(QT) - Những năm gần đây, tại các xã dọc tuyến biên giới Việt - Lào của huyện Hướng Hóa, nhiều ngôi nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô được xây dựng có pha trộn thêm những nét kiến trúc đặc trưng của nhà sàn Lào. Điều này không chỉ giúp ngôi nhà sàn trở nên sống động mà còn thể hiện sự giao thao văn hóa, sự gắn kết của hai bên biên giới.

Giao thoa kiến trúc nhà sàn

(QT) - Những năm gần đây, tại các xã dọc tuyến biên giới Việt - Lào của huyện Hướng Hóa, nhiều ngôi nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô được xây dựng có pha trộn thêm những nét kiến trúc đặc trưng của nhà sàn Lào. Điều này không chỉ giúp ngôi nhà sàn trở nên sống động mà còn thể hiện sự giao thao văn hóa, sự gắn kết của hai bên biên giới.

Những mái nhà sàn có sự giao thoa với kiến trúc của nhà sàn Lào ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa

Ngồi trong căn nhà sàn mới được xây dựng vẫn còn thơm mùi gỗ, anh Hồ Văn Lang, thôn A Ho, xã Thanh cảm thấy rất mãn nguyện. Bởi sau nhiều năm tích góp, gia đình anh đã dựng được ngôi nhà sàn mong ước của mình. Anh Lang cho hay, căn nhà sàn của anh có khác với căn nhà sàn truyền thống từ bao đời: “Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô chỉ có một mái, không gian khá chật hẹp. Ngày nay nhu cầu sinh hoạt tăng cao, đòi hỏi không gian lớn và nhiều công năng sử dụng hơn. Bởi vậy, vừa qua mình đã nhờ thợ làm nhà sàn này, vừa giữ nét truyền thống của dân tộc mình, vừa pha trộn với kiến trúc của nhà sàn người Lào”.

Theo đó, căn nhà sàn mới của anh Lang mang dáng vẻ uy nghi, bề thế hơn với nhiều lớp mái ngắn dài, kiểu cách xếp chồng lên nhau. Cầu thang, hiên nhà được trang trí cầu kỳ, sinh động. Đặc biệt, màu sắc được tô vẽ tinh tế, những gam màu tươi sáng được dùng tạo sức sống cho ngôi nhà sàn. Theo anh Lang cho biết, những điểm khác biệt trên là đặc trưng kiến trúc nhà ở của người Lào bên kia biên giới. Những lần sang thăm chơi họ hàng bên nước bạn Lào, anh Lang cảm thấy rất thích mẫu nhà sàn ở đây. Nhà sàn người Lào vừa có nét tương đồng với nhà sàn người Vân Kiều, Pa Kô bên biên giới của huyện Hướng Hóa, vừa có kiến trúc vững chắc, rộng rãi. Tổng thể ngôi nhà sàn được nâng cao hơn, kiến trúc bên trong với nhiều kèo kép vững chãi, phân chia khu vực chức năng khá riêng biệt. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa với dáng nhà sàn truyền thống tạo nên một tổng thể độc đáo, không gian thông thoáng.

Để xây dựng một ngôi nhà sàn với lối kiến trúc đặc sắc như nhà anh Lang đều nhờ vào bàn tay tài tình của những người thợ lành nghề, nhiều năm kinh nghiệm dựng nhà trên đất Việt cũng như đất Lào. Với họ công đoạn chọn gỗ, làm cột, kèo là quan trọng nhất và đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, cẩn thận mới tạo nên được ngôi nhà sàn đẹp, vững chãi và lâu bền với thời gian. Mỗi dịp xẻ gỗ, dựng nhà người dân sinh sống dọc biên giới Việt- Lào nói chung và bà con xã Thanh nói riêng đều mời bà con bên kia biên giới qua lại thăm thân, trước là để ngắm ngôi nhà được xây đúng mẫu hay chưa, sau là gắn chặt tình cảm hai bên biên giới. Toàn xã Thanh hiện có gần 70% nhà ở được xây dựng theo kiến trúc kết hợp như vậy.

Ông Pả Dừa, trưởng bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cũng có ngôi nhà sàn kết hợp lối kiến trúc truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô với nhà sàn Lào thuộc loại bề thế ở bản. Ông cho biết, nhà sàn dù kiểu cách thế nào thì nhất quyết phải giữ được nét đặc trưng truyền thống của cha ông. Những chi tiết nhỏ của ngôi nhà phải phù hợp với sinh hoạt và tín ngưỡng của đồng bào. Đó là cửa sổ phải cao rộng, thoáng mát, lan can cửa sổ phải vừa với cùi tay gác ngang để dân ngồi tựa cửa nhìn ra đường. Không riêng anh Lang, ông Pả Dừa mà những năm trở lại đây nhiều gia đình người Vân Kiều, Pa Kô sống hai bên biên giới Việt - Lào ở huyện Hướng Hóa cũng đã cất những ngôi nhà sàn có sự giao thoa văn hóa, kiến trúc như thế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh lý giải: “Lịch sử hai bên biên giới Việt- Lào là có nhiều dân bản có họ hàng với nhau nên họ thường xuyên qua lại thăm nhau. Thêm nữa, ngày nay giao thông phát triển, việc buôn bán làm ăn hai bên biên giới thuận lợi nên bà con thường qua Lào rồi có học hỏi, tiếp thu một số nét kiến trúc mới về để áp dụng làm nhà sàn cho mình. Vì vậy hiện nay nhiều nhà sàn của bà con dọc biên giới có nét kiến trúc vừa truyền thống, vừa hiện đại. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền cho bà con làm kiểu nhà nào thì cũng phải giữ gìn, kế thừa nét văn hóa nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô”.

Bây giờ, có dịp đi qua những bản làng hai bên biên giới Việt- Lào ở Hướng Hóa, rất dễ bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà sàn giản dị truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô nằm xen lẫn với những mái nhà sàn sặc sỡ sắc màu, pha trộn những nét kiến trúc đặc sắc của người dân nước bạn Lào. Sự giao thoa văn hóa, kiến trúc nhà sàn này làm cho không gian bản làng giữa núi rừng Hướng Hóa trở nên sống động, tươi mới hơn.

Hiếu Giang