Xem tranh ở Nghĩa trang Trường Sơn
(QT) - Chưa bao giờ tôi lại thấy xúc động và ám ảnh đến thế khi xem những bức tranh được treo và dựng ngay bên những hàng mộ chí trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Chiều hôm trước tôi lên nghĩa trang, nắng hong hả chiếu một màu u hoài trên những triền thông trầm mặc. Những cành hoa đại cánh trắng nhị vàng rải dọc lối đi, vương một mùi hương thương thương. Hồi chuông ai đó thỉnh lên từ lâu, chỉ còn hồi âm những dư ba mơ hồ. Vậy mà sáng nay, tôi vội vàng lên nghĩa trang, đi nhanh cho kịp xem tranh, thì đã tận thấy những bức tranh như hiện ra, tươi rói từ trong sương sớm. Những hàng cây dường như chỉ có chức năng an trú và nâng đỡ, còn việc lắp ráp các lát cắt cảm xúc thành một tổng thể tranh có sức lay động lớn, những họa sĩ đã thành tâm gửi gắm và dâng lên các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây chiêm ngắm. Cuộc triển lãm tranh quy mô toàn quốc tại nghĩa trang lần này là một món quà nghệ thuật quý giá của những người đang sống hôm nay dành tặng các liệt sĩ.
 |
Tranh treo dưới tán cây bồ đề thiêng ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn |
Tôi đi và dừng lại rất lâu trước các bức tranh, treo thong thả trên các nhành cây, các lối đi, giữa những hàng mộ bia được ủ ấm trong hương trầm thơm ngát, cố đọc được và tìm thấy nỗi tỏ bày của tâm thuật qua từng tác phẩm hội họa. Tranh được vẽ trên giấy, bồi trên bìa carton, viền border đen hoặc trắng, rất gần gũi với không gian linh thiêng và khoáng đạt nơi nghĩa trang, nhưng cũng xiết bao nhạy cảm, lay thức. Đó là cánh chim bồ câu trên nền các gam màu ấm nóng và lạnh giá trong tác phẩm “ Hòa bình ” của Phạm Trần Quân; “ Tĩnh vật ” gợi hương hoa trái quê nhà của Hoàng Trung Dũng, Đặng Phương Việt; “ Sen Niết bàn ” thâm nghiêm của Trần Nhật Thăng; một chút tinh nghịch trong “ Múa dân quân ” của Phạm Nguyệt Nga; lắng sâu trong “ Kỷ niệm Hà Nội ” của Đỗ Minh Tâm; chân dung “ Lính ” trẻ trung và hồn hậu của Nguyễn Phan Bách; tác phẩm “ Chiến tranh ” với lời cầu chúc linh hồn đồng đội siêu thoát của Lê Trí Dũng; những địa danh nơi miền quê đất Bắc thân thuộc được tái hiện qua “ Trùng Khánh- Cao Bằng ” của Hoàng Phượng Vĩ, “ Phố ” của Vi Kiến Thành, “ Bến Đục- Hương Tích ” của Nguyễn Thái Cơ; “ Chân dung ” người mẹ kiên nghị và bao dung của Nguyễn Thế Dung và nõn nà hình bóng thiếu nữ Hà thành qua nét vẽ đầy nữ tính của Lê Thị Minh Tâm... Quê nhà với mỗi đời người là chốn đi về thân thương nhất. Bây giờ đây, bước chân vạn dặm của các anh hùng liệt sĩ đã dừng lại nơi này, trong sâu thẳm, quê nhà gần gũi đấy mà dường như đang phủ đầy khói sương, cách trở. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong nhiều bức tranh, quê nhà yêu dấu lại được các họa sĩ khắc họa đậm nét đến nhường ấy. Đó cũng là một cách đưa quê hương vào với liệt sĩ. Trong tranh, gần gũi một lối nhỏ xôn xao tiếng trẻ con cười, một cánh đồng làng đang vào mùa gặt, lúa nhuộm vàng thắm cả chân trời, những mái phố thâm nghiêm ghi dấu biết bao kỷ niệm đời người, giếng nước, gốc đa như còn vương vấn lời chào hỏi, dáng hình khắc khoải của người thân đang chờ đợi các anh về... Anh Nguyễn Hào, thành viên ban tổ chức cho biết, người tổ chức họat động triển lãm và đưa ra ý tưởng sẽ tiến hành nghi thức “hóa tranh” tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là họa sĩ Trần Nhật Thăng (Hà Nội). Trả lời phỏng vấn báo chí, họa sĩ Trần Nhật Thăng cho biết: "Tôi có ý tưởng này đã trên 20 năm rồi, nay coi như có cơ duyên để thực hiện. Hồi đó, những năm 1990 còn là sinh viên, đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, tôi đã xúc động nghĩ rằng mình phải làm việc gì đó ý nghĩa đối với các vong linh liệt sĩ. Đây là triển lãm chủ yếu dành cho những anh hùng liệt sĩ thưởng thức, những người đã ngã xuống cho độc lập của đất nước này khi tuổi đời còn quá trẻ...” Trên 100 bức tranh, ảnh và tác phẩm sắp đặt của các họa sĩ khắp nơi trong cả nước đã hội tụ về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đúng hẹn. Sau khi triển lãm kết thúc, một phần trong số đó được đốt ngay tại nghĩa trang, phần còn lại sẽ trao tặng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị để tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay... Tôi đã cố ý chờ cho đến khi bức tranh đầu tiên “hóa vàng”, gửi một tâm niệm vĩnh hằng đến với các anh hùng liệt sĩ, cầu mong các anh bình yên nơi chốn vô cùng. Bức tranh mỏng mảnh gặp ngọn lửa như được tiếp thêm năng lượng, bật mình cuộn dậy tạo kích ứng mãnh liệt trong sự thấu hiểu và cảm thông. Tôi đã đến nghĩa trang thật nhanh để chứng kiến thời khắc này, thật nhanh nhưng không vội vã. Hơn mười tiếng đồng hồ hiện diện trên những cành cây, con đường nơi nghĩa trang, những bức tranh bất chợt trở về với đất, hòa tro than vào đất, đến với các anh như tìm được nơi trú ngụ yên lành... Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH