Chậm lại để yêu thương
QTO - Tôi gặp Vân trong những ngày nghỉ ngắn ngủi tại sơn trang của một người anh trong giới văn nghệ sĩ ở Bảo Lộc - Lâm Đồng.

Chậm lại để yêu thương

Tôi gặp Vân trong những ngày nghỉ ngắn ngủi tại sơn trang của một người anh trong giới văn nghệ sĩ ở Bảo Lộc - Lâm Đồng.

Chậm lại để yêu thương

Minh Họa: N.Duy

17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một người con gái, ít ai biết Vân đã phải chịu nhiều tổn thương. Cô bé đến với sơn trang nhỏ nơi triền đồi này như một cách trốn chạy, với mong muốn chữa lành tâm hồn.

Anh tôi kể, ở đây ngoài là nơi giao lưu, gặp gỡ các văn nghệ sĩ thì thi thoảng vẫn tiếp đón những vị khách như bé Vân. Họ là những người cần quãng lặng cho tâm hồn, vì đã ít nhiều chịu những tổn thương về tâm lý, rối loạn hay lo âu.

Vân ở đây, tuy ít ỏi vài ngày nhưng cũng tạm đủ để xa rời cuộc sống thị thành ồn ào tấp nập, nhiều thứ “độc hại”. Hằng ngày, cô bé đều thức dậy từ 5 giờ, dọn dẹp lều trại rồi cùng mọi người lên đồi. Vân nói lâu lắm rồi mới có nhiều người quan tâm như thế, mọi người rủ cô chạy bộ, ca hát, chơi thể thao...

Cô bé được tiếp xúc gần gũi hơn với thiên nhiên, được gặp gỡ và tương tác với những người thiện lương, mang nhiều năng lượng tích cực. Hơn thế, với những người bạn mới quen và dường như đồng điệu, Vân được tự do mở lòng chia sẻ, được lắng nghe và thấu hiểu cho những tâm tư sâu kín bị dồn nén bấy lâu. Nụ cười trong trẻo dần trở lại trên đôi môi xinh xắn, trong nụ cười ấy đã có thêm một nguồn năng lượng an lành.

Nhìn cô bé bây giờ, không ai tưởng tượng được cô từng cạo trọc đầu, nổi loạn và uống thuốc ngủ để tự tử. Vân có gần 2 năm khủng hoảng vì trầm cảm, luôn cảm thấy áp lực, buồn chán và muốn xa rời thế giới xung quanh.

Cô bé có một tâm hồn rất nhạy cảm. Cha mẹ cô, ở ngoài đường thì bận rộn mưu sinh, mệt nhoài với những thành bại, được mất. Về đến nhà thì tra hỏi cô điểm số, rồi lại mải miết hơn thua trong các cuộc cãi vã không hồi kết.

Bạn bè cô, dù là trong buổi cà phê thân mật, ai nấy cũng đều cho phép tâm hồn, trí óc mình trượt dài theo những ngón tay lướt trên bàn phím... Vân 17 tuổi - cái tuổi rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, lại bị chơi vơi trong chính cuộc đời mình.

Vân tìm đến mạng xã hội, mong chút an ủi, nhưng rồi lại bị nhấn chìm trong vô vàn cảm xúc, âm thanh, hình ảnh hỗn tạp. Cô không biết đâu là thực, đâu là ảo. Cùng quẫn và bế tắc. Thế rồi cái gì đến phải đến khi Vân nổi loạn với biết các hành động tiêu cực...

Vân tìm đến cái chết chỉ bởi cô cảm thấy bị lạc lõng, mong muốn được quan tâm, được thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn. Và có lẽ cô bé cũng đã vội quá mà chưa biết điều gì nên giữ lại, điều gì cần buông bỏ. Vân chỉ là một trường hợp trong vô vàn người trẻ mắc bệnh trầm cảm.

Ngày rời đi, tôi ngang qua chiếc lều nơi Vân ở, mỉm cười chào tạm biệt em. Vân đang ngồi bên chiếc bàn cà phê nhỏ, với một bức tranh còn chưa hoàn thành. Bức tranh vẽ chỉ toàn là mây. Những đám mây thong dong bay cao tít tắp trên nền trời biếc xanh.

“Nhà báo thích tranh không, đợi một tí thôi, em tặng!”, cô bé cười nụ cười trong veo. À, thì ra đằng sau vẻ bất cần, nổi loạn kia là một trái tim vô cùng lãng mạn. Tôi nhận ra rằng, bên trong mỗi con người luôn có rất nhiều giá trị tốt đẹp, mà chỉ khi ta biết sống chậm lại, nhìn sâu hơn thì mới nhìn thấy. Chúng ta đến với cuộc đời này chỉ một lần, hãy sống sao để luôn thấy bình an và hạnh phúc.

Và cho dù công việc của mỗi người có vất vả đến đâu, hãy luôn nhớ rằng còn có một việc quan trọng hơn đó là yêu thương. Đừng để những người thân yêu và bản thân mình bị tổn thương. Bởi “chữa lành” những vết thương trong tâm hồn là điều rất khó khăn và không phải ai cũng làm được, như Vân...

Hoài Nhung

Tin liên quan:
  • Chậm lại để yêu thương
    Ơi cô gái Thì Thương...!

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều ca khúc hay viết về đề tài đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần tạo cho ca khúc cách mạng dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng. Nhiều trong các tác phẩm âm nhạc đó viết về hình ảnh cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, trong đó có ca khúc “Đường Trường Sơn xe anh qua” do nhạc sĩ Văn Dung sáng tác khi hành quân trên đường Trường Sơn. Nhà văn Châu La Việt đã kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này qua bài viết Ơi cô gái Thì Thương!

  • Chậm lại để yêu thương
    Mang nụ cười trở lại

    Gắn bó với vùng khó, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học&THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa không chỉ miệt mài làm nhiệm vụ trồng người mà còn trăn trở tìm cách giúp học sinh luôn vui tươi, hạnh phúc. Họ cũng chính là những người đưa nụ cười trở lại trên môi nhiều em thơ, trong đó có Hồ Thủy Linh, cô học trò từng trải qua 17 ca phẫu thuật.

Hoài Nhung