Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố
(QT) - Sau 25 năm trở thành trung tâm tỉnh lỵ kể từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, thành phố Đông Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, một vấn đề mà ngay từ những năm 1990 đến nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố luôn xác định vỉa hè, điện chiến sáng và cây xanh đường phố có vai trò quan trọng trong phát triển đô thị, tạo bộ mặt khang trang, sạch ...

Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố

(QT) - Sau 25 năm trở thành trung tâm tỉnh lỵ kể từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, thành phố Đông Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, một vấn đề mà ngay từ những năm 1990 đến nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố luôn xác định vỉa hè, điện chiến sáng và cây xanh đường phố có vai trò quan trọng trong phát triển đô thị, tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp, văn minh vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, điều kiện địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đô thị nói chung, trong đó hệ thống vỉa hè, điện chiếu sáng và cây xanh đường phố nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị tỉnh lỵ. Thành phố hiện có 435 km đường giao thông với gần 200 km đường có mặt cắt quy hoạch từ 13 m trở lên nhưng chỉ có 5 tuyến đường được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, vỉa hè được lát gạch; một số tuyến đường mặc dù đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm nhưng phần vỉa hè đầu tư chưa đồng bộ; một số tuyến người dân tự thi công vỉa hè, vật liệu không thống nhất, cao độ nền vỉa hè không đồng đều, một số đoạn để đất trống cỏ dại mọc.

Đường Lê Lợi, một trong những tuyến phố ở Đông Hà có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

Về điện chiếu sáng đường phố và khu dân cư, có gần 84,5 km/435 km tuyến đường được đầu tư chiếu sáng, trong đó 57,5 km được đầu tư 100% ngân sách, xã hội hóa xây dựng nhà nước 50%, nhân dân 50% được 19,5 km, nhân dân tự đóng góp xây dựng được 7,5 km. Đối với cây xanh, đến nay toàn thành phố trồng được 150 tuyến đường phố với tổng diện tích 29 ha, đạt 3 m2/người. Tuy nhiên, do không được thiết kế đồng bộ, thống nhất, nhân dân trồng theo kiểu tự phát nên thành phố có đến 45 loại cây trồng từ cây trứng cá, lộc vừng đến cọ dầu, sấu... dọc các tuyến đường khá, lộn xộn, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Vì thế hạ tầng kỹ thuật đường phố rất khó đáp ứng các chỉ tiêu về một đô thị loại II. Mới đây, UBND thành phố xây dựng đề án xã hội hóa xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố giai đoạn 2014- 2020, được HĐND thành phố Đông Hà thông qua, ban hành nghị quyết thực hiện. Đây là một đề án được nhân dân mong đợi với hy vọng sẽ được tổ chức thực hiện một cách bài bản, có kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền và người dân để Đông Hà thực sự là một thành phố sáng-xanh- sạnh- đẹp. Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2020 sẽ được xã hội hóa đầu tư xây dựng thêm 77.000 m2 vỉa hè bằng kết cấu gạch terrazzo hoặc gạch block; xây thêm 36 km điện chiếu sáng hướng tới đạt chỉ tiêu 95% đường phố được chiếu sáng và 55% ngõ hẻm khu vực nội thị được chiếu sáng; trồng thêm 11.000 cây xanh đường phố góp phần đạt chỉ tiêu 5 m2 cây xanh/người. Đối tượng vận động xã hội hóa là hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dọc hai bên tuyến đường, (trừ các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách nhà nước) và các tổ chức hảo tâm khác. Khuyến khích hộ gia đình tự đầu tư xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư, trồng cây xanh đường phố theo quy hoạch khi nhà nước chưa có điều kiện bố trí vốn thực hiện xã hội hóa. Đối tượng được miễn giảm là hộ người già neo đơn, hộ nghèo theo quy định tại thời điểm xây dựng, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo; hộ cận nghèo được giảm 50% kinh phí đóng góp, 50% còn lại do ngân sách nhà nước đảm bảo. Giao UBND phường làm chủ đầu tư các công trình xã hội hóa. Trường hợp hộ gia đình hoặc các tổ chức tự bỏ 100% kinh phí đầu tư, giao UBND phường chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà hướng dẫn, giám sát thực hiện từ việc chọn vật liệu, tổ chức thi công và tiếp nhận bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng. Các tuyến đường, ngõ hẻm có mặt cắt từ 4 m trở lên được xã hội hóa xây dựng điện chiếu sáng. Trồng cây xanh với 3 loại cây: lộc vừng, sấu và bằng lăng. Tổng kinh phí thực hiện đề án 49.665 triệu đồng, trong đó xây dựng vỉa hè 27.627 triệu đồng, điện chiếu sáng 7.069 triệu đồng, cây xanh đường phố 14.969 triệu đồng. Cơ cấu huy động nguồn vốn, đóng góp của nhân dân 13.002 triệu đồng, còn lại ngân sách nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết: Đề án này không chỉ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, mà còn góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát, bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng vỉa hè, điện chiếu sáng và cây xanh đường phố ở địa bàn, góp phần xây dựng thành phố khang trang, sạch đẹp và sớm đạt mục tiêu đưa Đông Hà trở thành đô thị loại II trước năm 2020. Vì thế, sau khi có nghị quyết về phát triển hạ tầng kỹ thuật này, thành phố cần phổ biến rộng rãi đến người dân để tổ chức thực hiên. Đặc biệt, mùa mưa đang đến gần rất thuận lợi cho việc trồng cây xanh đường phố. Cái khó nhất hiện nay, ngoài nguồn vốn đầu tư, thì công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẽ gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: UBND phường có trách nhiệm tổ chức vận động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn mình quản lý. Ngân sách nhà nước chỉ thực hiện việc đền bù nhà ở, lều quán, tường rào, vật kiến trúc và diện tích đất đã được giao sử dụng theo quy định hiện hành của nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng. Các lều quán, tường rào, vật kiến trúc và diện tích đất nằm trong giới hạn của vỉa hè không được nhà nước giao sử dụng thì người dân phải tự tháo dở trả lại mặt bằng để xây dựng các hạ tầng nói trên. Hy vọng với quyết tâm chính trị cao nhất của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong thành phố; sự đồng thuận của nhân dân, nhất định đề án xã hội hóa xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố thành phố Đông Hà giai đoạn 2014- 2020 sớm trở thành hiện thực. Bài, ảnh: NGUYỄN VINH