Hai cái tết ở một miền rừng
(QT)-Những ngày giáp tết, nhà ông Hồ Văn Trung, thôn Tà Rẹc, xã Pa Nang, huyện Đakrông nhộn nhịp nấu bánh tét. Bên bếp lửa cháy bập bùng, mẹ của ông - Pỉ Trung cười lộ hàm răng đen nhánh. Pỉ Trung bảo rằng, con cháu đông phải gói bánh hai ba ngày mới đủ. Bánh gói để cúng Giàng và cho con cháu ăn, tết này no cái bụng rồi.

Hai cái tết ở một miền rừng

(QT)-Những ngày giáp tết, nhà ông Hồ Văn Trung, thôn Tà Rẹc, xã Pa Nang, huyện Đakrông nhộn nhịp nấu bánh tét. Bên bếp lửa cháy bập bùng, mẹ của ông - Pỉ Trung cười lộ hàm răng đen nhánh. Pỉ Trung bảo rằng, con cháu đông phải gói bánh hai ba ngày mới đủ. Bánh gói để cúng Giàng và cho con cháu ăn, tết này no cái bụng rồi.

Lễ cúng năm mới của người Vân Kiều

Đối với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mỗi năm của họ có đến hai cái tết. Cái tết nào cũng nhộn nhịp, rạo rực và vui tươi. Cứ đến tháng chạp là núi rừng Trường Sơn thơm mùi cơm lúa mới. Lúc này Tết Mừng lúa mới (lễ hội A Za) của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được tổ chức từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Dịp này con cháu dù ở xa mấy cũng về. Chúng tôi được dịp đón Tết Mừng lúa mới trên hai bản Cù Tài 1 và Cù Tài 2 thuộc xã A Bung (huyện Đakrông). 120 hộ dân của hai bản đều tổ chức Tết Mừng lúa mới vào cùng một thời điểm. Cứ mỗi năm một lần, A Za được tổ chức vào cuối tháng 12, đây là lễ hội cúng Thần lúa với lời cầu mong cho mùa màng năm sau được tốt tươi. Già làng Vỗ Nghìn - Trưởng dòng họ Par Tar vừa xin quẻ, vừa nói lời cầu nguyện cho con cháu trong dòng họ được mạnh khỏe cái chân để lên nương lên rẫy, già cảm ơn Thần lúa đã mang tới cho con cháu trong dòng họ bát cơm đầy, có cái ăn no bụng. Cảm ơn trời, đất, ơn nước, ơn hồn người đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi.

Sau A Za, đồng bào tiếp tục lên rừng tìm chỗ đất tốt để gieo hạt. Điểm đặc biệt của Tết Mừng lúa mới là sự quy tụ của cộng đồng, tình đoàn kết dân tộc, sự biết ơn trời đất. Trong dịp này cây lá, hoa quả được trồng trên rẫy đều được hái mang về tượng trưng để làm lễ vật cúng tế. “Con cháu trong dòng họ đều về dự lễ, xa mấy cũng về. Ai có gà thì làm gà, có dê thì làm dê... để cúng cảm ơn Thần lúa và cầu cho mùa sau được tốt...”, già làng Vỗ Nghìn tâm sự. Quay trở lại với các bản làng thuộc xã Pa Nang, mùa xuân đã đầy ắp trên khắp các bản làng. Trên con đường liên thôn từ Trầm, Cóc, Đá Bàn đến Tà Rẹc, A La... những cô gái váy hoa xúng xính cùng đôi má hồng, những chàng trai mang áo quần đẹp nhất để đi tìm bạn, những bản nhạc xuân du dương khắp núi rừng.

Anh Hồ Văn Thông, cán bộ Bưu điện huyện Đakrông cũng là người con của núi rừng Trường Sơn, do công việc quá bận rộn nên ngày giáp tết anh tranh thủ gói những đòn bánh tét cuối cùng. Xong đâu đó anh tiếp tục làm chủ lễ cho mâm rượu men lá với món nhấm là gỏi cá. Trai bản tập trung đông đủ trên ngôi nhà sàn, họ cười nói xôn xao, hồ hởi chúc tụng nhau sang năm mới sức khỏe, an lành, mùa màng tốt tươi. Tết Bính Thân 2016, tôi đón giao thừa ngay trên vùng bản. Đêm ba mươi ngồi nâng chén rượu cùng đồng bào bên bếp lửa chợt nhớ quê mình cách đây hai mươi năm.

Cái ấm áp không phải từ rượu, từ đồ ăn hay từ lửa mà đó là sự chờ đợi năm mới với những may mắn đang chờ. Uống cạn chén rượu, anh Thông cười khề khà: “Trước đồng bào không đón Tết Nguyên đán rộn ràng như thế này, ngày trước chỉ tập trung vào Tết Mừng lúa mới. Giờ đón thêm Tết Nguyên đán, cũng vui và rộn ràng không kém. Mỗi năm có tới hai cái tết, vui hơn. Sáng mùng một tết, người bản cúng gà cầu bình yên năm mới, cầu sức khỏe, ấm no cho người thân và mọi người” Nhìn bản làng vào xuân với chồi non lộc biếc, với ánh đèn lấp lánh len lõi giữa rừng lúc về đêm lòng chợt dấy lên niềm hạnh phúc kỳ lạ.

Và nỗi nhớ đến nao lòng mùi men nồng mới vừa phảng phất qua đây. Gần đấy mà xa đấy, nó theo gió bay đi rồi. Nếu Tết Mừng lúa mới là ngày hội chung cho già trẻ, gái trai trong bản làng thì Tết Nguyên đán có “một chút gì đó rất riêng tư” cho từng đôi nam nữ. Đêm, con nước dưới chân cầu Đá Đỏ vẫn ôm chân núi uốn lượn quanh co. Tiếng suối chảy róc rách bên cạnh những bản tình ca được cất lên. Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, vào đúng đêm giao thừa gái trai trong bản đến tuổi cặp đôi hẹn nhau ra chiếc cầu này để tỏ bày tâm sự. Từng đôi, từng đôi hò hẹn cùng nhau trên chiếc cầu. Những cô gái váy hoa sặc sỡ như những bông hoa giữa núi rừng, còn những chàng trai khỏe như vâm hứa hẹn mang lại cho gia đình nhỏ một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.

Đêm mùa xuân, những câu hát trong điệu Tà oải của lứa đôi lấp lánh hạnh phúc và ấp ủ chút nồng say “Giả ơi...phía dưới cầu có con nước chứng giám, phía trước mặt có ngọn núi cao. Giả ơi... sau lưng có cánh rừng già với bao cây cổ thụ, người yêu ơi ta hãy về sống cùng nhau...”. Tôi cứ ngỡ đấy, những chuyện hò hẹn và cả những câu hát này nó chỉ còn trong tiềm thức. Nhưng với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa núi rừng Trường Sơn điều giản dị ấy vẫn cứ diễn ra rất trong sáng. Ông Hồ Văn Trung, Trưởng thôn Tà Rẹc, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tâm sự với chúng tôi về điều này: “Cứ mỗi năm tới lúc giao thừa trai gái hẹn nhau ở cầu để tìm hiểu nhau, nếu ưng nhau thì báo cho hai gia đình biết để tổ chức các nghi lễ theo phong tục và làm đám cưới. Đây cũng được xem là mùa “đi sim” của trai gái trong bản. Tình yêu đơn sơ như mái nhà trên núi”. Tết, núi rừng và tình yêu. Tôi đã có một mùa xuân với nhiều kỷ niệm ở núi rừng. Giữa bản làng hoa pơ lang đã bắt đầu quẫy lên màu đỏ, chỉ chờ có chút nắng nữa thôi là cánh hoa bung ra và sắc đỏ ấy tươi thắm trên những miền rừng.

Tôi đi thật chậm, nhắm hờ đôi mắt và giang rộng cánh tay chợt nghe mùa xuân đang ùa về với gió xuân thổi mơn man

TIẾN MINH