Chỉ 0,057% dân số đọc, mượn sách ở thư viện
(SGGP) - Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên. “Như vậy, nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”.

Chỉ 0,057% dân số đọc, mượn sách ở thư viện

(SGGP) - Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên. “Như vậy, nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”.

Đây là con số gây sốc được bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) đưa ra trong hội thảo xây dựng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” được tổ chức ngày 28-7, tại Hà Nội.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, sở dĩ có con số đáng buồn và đáng báo động này là do hệ thống thư viện ở cấp huyện, cấp xã hiện nay đang hoạt động rất yếu kém, không được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, việc đọc ít được quan tâm. Qua những dịp đi khảo sát ở sân bay, nhà ga hoặc bất kỳ nơi công cộng nào khác, trẻ em, người lớn tay cầm iPad, máy tính xách tay thay vì cuốn tiểu thuyết, tờ báo như trước đây. Tại các thư viện, dù có được xây dựng khang trang cũng trống vắng độc giả. Dù đang dịp nghỉ hè, nhưng mỗi phòng đọc của Thư viện Hà Nội lác đác chưa đủ 10 người đọc. Cùng với số lượng người đọc thưa vắng, vị trí của các thư viện cũng ngày càng mờ nhạt. Hiện nay, trên tổng số 600 thư viện huyện trên toàn quốc, chỉ có 30 thư viện có trụ sở độc lập, còn lại 570 thư viện huyện đang nằm trong các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa... Theo dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”, đến năm 2020 phấn đấu 40% các phương tiện truyền thông đại chúng có chuyên mục giới thiệu sách; 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại; 30% xã có thư viện cấp xã; 6 bản sách/người dân…

VĨNH XUÂN