Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS trong các cơ quan công tác Đảng
(QT) - Là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, cũng như quan tâm bố trí và sử dụng người dân tộc thiểu số vào làm việc trong các cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung và các cơ quan công tác Đảng nói riêng.
Công tác dân tộc mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhìn lại việc đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống các cơ quan công tác Đảng ở Quảng Trị trong thời gian qua, qua đó tiếp tục phát huy kết quả đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc của Đảng. |
Ngay từ những năm đầu mới lập lại tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23/10/1996, đề ra một số chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Phát huy những kết quả đạt được sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 1/7/2002, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây đến năm 2010, trong đó đề ra giải pháp “tăng cường đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực cho miền núi”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, ngày 5/11/2003, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU đề ra 5 quan điểm, 2 mục tiêu, 4 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trong đó liên quan việc bố trí và sử dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, xác định “phải có kế hoạch tạo nguồn cán bộ tại chỗ thông qua tuyển chọn ở các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện để đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các lĩnh vực chuyên môn”. Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng và các cơ quan Đảng trong tỉnh đã chú trọng tạo nguồn cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số bằng việc thực hiện tốt các chính sách ưu tiên trong tiếp nhận và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số như áp dụng hình thức xét tuyển trong tuyển dụng, cộng điểm khi xét tuyển, hỗ trợ kinh phí khi tham gia các khoá học chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước thời gian từ một tháng trở lên. Nhờ vậy, số lượng người dân tộc thiểu số làm việc trong hệ thống các cơ quan công tác Đảng ngày càng tăng (năm 2012 có 20 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 1,92%, thì đến năm 2014 có 28 cán bộ, công chức chiếm 2,67%); tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng năm sau cao hơn năm trước (năm 2013, tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan Đảng, Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội đi đào tạo các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị là 29 đồng chí, chiếm tỷ lệ 45,31 %, tăng 0,2 lần so với năm 2012); nhiều cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được quy hoạch vào các chức danh cán bộ, lãnh đạo các cấp (Quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 4 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 2 đồng chí; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa có 30 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa có 8 đồng chí; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đakrông có 27 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông có 15 đồng chí); trong đó nhiều đồng chí được giới thiệu ứng cử và bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng như đại biểu Quốc hội, bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, trưởng các ban đảng cấp huyện. Tuy nhiên, việc bố trí và sử dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn do một số cơ quan, đơn vị chưa quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; chưa có chính sách tuyển dụng riêng đối với người dân tộc thiểu số nên số lượng người dân tộc thiểu số trúng tuyển không cao (từ năm 2011 đến nay, qua 2 kỳ thi tuyển, xét tuyển cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh chỉ có 13 thí sinh người dân tộc thiểu số trúng tuyển); người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông do điều kiện đi lại và kinh tế khó khăn, không được đào tạo tiếp về chuyên môn, nghề nghiệp nên không đủ điều kiện để tuyển dụng vào công chức, viên chức; chính sách hỗ trợ còn thấp nên chưa khuyến khích cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tham gia học tập nâng cao trình độ... Vì vậy, tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống các cơ quan công tác Đảng ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn ít. Công tác dân tộc mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhìn lại việc đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống các cơ quan công tác Đảng ở Quảng Trị trong thời gian qua, qua đó tiếp tục phát huy kết quả đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc của Đảng. TRẦN NHẬT QUANG