Đẩy mạnh tuyên truyền về DS- KHHGĐ ở Triệu An
(QT) - Những năm qua, chính quyền xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) đã chỉ đạo sâu sát và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, đội ngũ cộng tác viên dân số từ xã đến thôn chú trọng đẩym ạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đến từng người dân. Với những nỗ lực trong công tác DS- KHHGĐ, xã Triệu An đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận: tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 43% (2006) xuống còn 31% (2009), tỷ suất sinh là 10,3%o, tỷ lệ phát triển ...

Đẩy mạnh tuyên truyền về DS- KHHGĐ ở Triệu An

(QT) - Những năm qua, chính quyền xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) đã chỉ đạo sâu sát và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, đội ngũ cộng tác viên dân số từ xã đến thôn chú trọng đẩym ạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đến từng người dân. Với những nỗ lực trong công tác DS- KHHGĐ, xã Triệu An đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận: tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 43% (2006) xuống còn 31% (2009), tỷ suất sinh là 10,3%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,91%, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 85%... Triệu An là một xã ven biển có hơn 1.460 hộ dân, với trên 6.791 khẩu (năm 2009), chủ yếu làm nghề nông và đi biển, nên cần rất nhiều lao động. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân số ở địa phương này tăng nhanh. Mặc khác, do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế dẫn đến khả năng tiếp cận thông tin về CSSKSS, công tác DS- KHHGĐ và vấn đề bình đẳng giới thấp. Tư tưởng “trọng nam kinh nữ”, “đông con hơn nhiều của”… vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người, từ đó tạo áp lực rất lớn lên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đứng trước những vấn đề đó, chính quyền xã Triệu An cùng các tổ chức đoàn thể, Câu lạc bộ “Làng không có người sinh con thứ 3” quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí về dân số như tham gia chương trình KHHGĐ, thực hiện mô hình gia đình ít con, xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế…Thường xuyên kết hợp với Trạm y tế xã tổ chức nhiều đợt chiến dịch truyền thông thông qua lồng ghép công tác cung cấp dịch vụ CSSKSS- KHHGĐ đạt hiệu quả cao.

Tuyên truyền công tác DS- KHHGĐ đến tận người dân.

Chị Lê Thị Ngọc Khuyên, chuyên trách dân số xã cho biết: “Những năm gần đây, công tác DS-KHHGĐ của xã có nhiều bước chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất đó là người dân hiểu được nguyên nhân của đói, nghèo, sức khỏe người phụ nữ giảm sút, con cái không được chăm sóc chu đáo là vì sinh nhiều con. Từ đó, người dân đã có nhiều thay đổi tích cực trong hành vi, nhận thức về quy mô gia đình nhỏ, dừng lại ở việc sinh đẻ có kế hoạch, tập trung phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Ở xã Triệu An, để công tác dân số thực sự đi vào lòng dân, đội ngũ cán bộ dân số từ xã đến thôn không ngại khó khăn, nỗ lực hết mình “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai, nhất là khuyến khích chị em trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ... Chị Khuyên cho biết thêm, chị đã vận động nhiều cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Diệu (27 tuổi) thôn Phú Hội. Vợ chồng chị đều làm nghề đi biển, có ba đứa con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có ý định sinh thêm con. Đứng trước tình huống đó, chị Khuyên hạ quyết tâm phải thuyết phục cho bằng được đôi vợ chồng trẻ này thay đổi ý định. Sau nhiều lần đến vận động, tuyên tuyền về công tác DS- KHHGĐ, phân tích nỗi khổ do đông con, vợ chồng chị Diệu đã thống nhất đi đình sản. Cuộc sống gia đình chị Diệu ngày một tốt hơn, con cái được chăm sóc chu đáo, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chị Diệu còn tuyên tuyền giúp nhiều người xung quanh dừng lại việc sinh đẻ có kế hoạch, tập trung phát triển kinh tế để có điều kiện chăm sóc các con. Không chỉ giúp cho gia đình chị Diệu, chị Khuyên cùng đội ngũ cộng tác viên dân số đã vận động được hơn 75 người tham gia đình sản tự nguyện. Thuận lợi nhất đối với những người làm công tác dân số ở Triệu An đó là đội ngũ cộng tác viên dân số ở đây đều “kiêm” nhiều công việc như Chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dinh dưỡng… nên có thể kết hợp thực hiện các đợt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác DS- KHHGĐ, CSSKSS ở mọi lúc, mọi nơi. Bản thân những cộng tác viên dân số chính là những người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ để mọi người noi theo. Điển hình như chị Lê Thị Thi, cộng tác viên dân số thôn Hà Tây, luôn đi đầu trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình để tập trung phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện hai đứa con chị đang học đại học và cấp ba, kinh tế gia đình ổn định. Hay gia đình anh Trương Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB “Làng không sinh con thứ 3” ở thôn Phú Hội dù chỉ sinh hai con gái (đứa con đầu học lớp 11, đứa thứ hai học lớp 1), nhưng vẫn không sinh thêm con. Anh cho biết: “Để xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc, vợ chồng tôi xác định phải thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ với phương châm “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Vì thế, cuộc sống gia đình tôi ngày càng được cải thiện, các con đều ngoan hiền, học hỏi và đặc biệt là sức khỏe của vợ tôi ngày một tốt hơn”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ, cuộc sống người dân ở Triệu An ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 10,7 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,5%. Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm đúng mức. Ông Hoàng Cộng Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu An cho biết: “Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể để chỉ đạo sâu sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số đến từng người dân, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, CSSKSS/KHHGĐ cho nhiều nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện tốt công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân”. Bài, ảnh: MINH ĐỨC