Mùa gặt chạy lũ
(QT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Mindulle), những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng (lượng mưa đo được phổ biến từ 160- 220 mm) và xuất hiện dông, tố lốc. Tại huyện Hải Lăng, mưa lớn liên tục trong những ngày qua cũng đã nhấn chìm hơn 1.700 ha trên tổng diện tích 6.400 ha lúa gieo cấy vụ hè thu đang chuẩn bị thu hoạch. Nhiều diện tích lúa ở vị trí cao cũng bị gió mạnh, lốc xoáy quật ngã rạp. Đến thời điểm hiện tại, người dân huyện Hải Lăng mới chỉ thu ...

Mùa gặt chạy lũ

(QT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Mindulle), những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng (lượng mưa đo được phổ biến từ 160- 220 mm) và xuất hiện dông, tố lốc. Tại huyện Hải Lăng, mưa lớn liên tục trong những ngày qua cũng đã nhấn chìm hơn 1.700 ha trên tổng diện tích 6.400 ha lúa gieo cấy vụ hè thu đang chuẩn bị thu hoạch. Nhiều diện tích lúa ở vị trí cao cũng bị gió mạnh, lốc xoáy quật ngã rạp. Đến thời điểm hiện tại, người dân huyện Hải Lăng mới chỉ thu hoạch được khoảng 15% diện tích lúa hè- thu. Những ngày này, người nông dân Hải Lăng đang vật lộn với nước lũ để tiếp tục thu hoạch lúa, hoa màu chạy lũ. Hải Lăng được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị, sản lượng lúa hàng năm chiếm hơn 1/3 sản lượng lúa toàn tỉnh. Đây cũng là vùng thấp trũng, thường gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Những ngày qua, Hải Lăng phải hứng chịu những đợt mưa lớn, gây ngập úng nặng tại các xã ở vùng thấp trũng như Hải Hòa, Hải Thành, Hải Dương, Hải Thiện... Về những cánh đồng của huyện Hải Lăng những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp người nông dân hối hả ra đồng gặt lúa, thu hái hoa màu chạy lũ dù thời điểm thu hoạch vẫn chưa đến.

Thu hoạch lúa bị ngập sâu trong nước.

Ông Nguyễn Nhân Trí, thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng lo lắng nói: “Cả gia đình tui dậy từ tờ mờ sáng, cơm nước xong là ra đồng ngay. Tranh thủ chạy đua với thời gian chứ sợ lũ bất ngờ đổ về như những năm trước sẽ nhấn chìm tất cả!”. Gia đình ông Trí làm 1,8 mẫu ruộng, những ngày này, ông cùng vợ và năm người con tranh thủ ra đồng gặt lúa nhanh chóng đưa về nhà. “Tuy lúa còn xanh nhưng cũng phải gặt thôi. Thà gặt về nhà rồi tìm cách phơi sấy còn hơn nằm ngoài đồng chờ lũ cuốn trôi”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều nông dân có mặt tại cánh đồng thôn Diên Khánh những ngày này. Gia đình ông Phạm Ngọc Trì, cũng đang trong tình trạng tương tự. “Gia đình tui làm 3 mẫu ruộng, 4 sào hoa màu mà chỉ mới thu chưa được phân nửa. Những ngày tới nếu trời vẫn mưa nữa chắc gia đình tui phải thuê thêm người thu hoạch mới kịp”, ông Trì than thở. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Liên tranh thủ mang luôn cơm nước ra đồng để ăn vừa gặt lúa. Chị Liên cho biết: “Nhà ít người, trời mưa thế này, tranh thủ được thời gian chừng nào hay chừng đó chứ biết làm sao, thà “xanh nhà hơn già đồng”. Ngay cạnh cánh đồng xã Hải Dương là con sông Cựu Vĩnh Định. Nhiều lão nông ở đây cho biết, kinh nghiệm hàng năm cho thấy vào khoảng nửa sau tháng bảy đến đầu tháng chín thường là thời điểm bắt đầu mùa lũ. Nếu không gặt hái kịp thời, nước tràn vào đồng coi như một vụ mùa mất trắng. Những gia đình ít người phải thuê thêm nhân công. Vào mùa vụ, một ngày công gặt dao động từ 100- 150 nghìn đồng, nếu gặt máy thì khoảng 120 nghìn/sào. Dù xã Hải Dương có 3 máy gặt đập liên hợp nhưng do trời mưa, lúa ướt nên không thể dùng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Điều này làm cho việc gặt hái của bà con nông dân mất rất nhiều thời gian đồng thời nguy cơ rủi ro cũng cao hơn. Tại các xã khác, nhiều người dân đã đầu tư máy gặt đập liên hợp nhưng do lúa đã bị ngập nặng nên cũng đành bỏ nằm “đắp chiếu”. Nhiều gia đình phải huy động hết người nhà ra đồng gặt, vớt lúa ở diện tích ngập sâu rồi dùng ghe vận chuyển về nhà.
Lúa được người dân vận chuyển bằng ghe.
Tại xã Hải Thành, trong tổng số 325 ha lúa gieo cấy vụ hè- thu thì hiện đã có hơn 200 ha đang bị ngập nặng, khoảng 25 ha hoa màu cũng bị ngâm trong nước và bắt đầu hư hỏng do không kịp thu hoạch. Ông Vương Khánh Kim, Chủ tịch UBND xã Hải Thành lo lắng: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đôn đốc, động viên bà con tranh thủ thời gian để thu hoạch lúa hè- thu. Diện tích nào bị ngập sâu thì thu hoạch trước còn ở vùng cao hơn thì thu hoạch sau”. Một khó khăn nữa mà bà con nông dân nơi đây gặp phải do mưa lũ, đó là lúa gặt về nhà rồi nhưng do trời vẫn tiếp tục mưa nên không thể phơi được. Điều này sẽ làm lúa giảm chất lượng, mất giá. Gia đình chị Hoàng Thị Loan, xã Hải Quế có 1 mẫu ruộng, đến thời điểm hiện tại mới chỉ gặt được chưa tới 1/3. Hơn 2 tấn lúa được dồn đống lại trong ngôi nhà chưa đến 50 m2, phần còn lại chị phải chất đống rồi phủ bạt ở ngoài sân. “Trời mưa, không có chỗ phơi, lúa ướt nên mới gặt về 2 ngày mà lúa đã bắt đầu nảy mầm”, chị Yến nói. Nhiều hộ dân đã tìm “giải pháp” khắc phục tạm thời như mua thêm quạt điện, than củi, móc bóng đèn có công suất cao để hong khô lúa. Đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, vì chỉ làm được với số lượng lúa rất ít và cũng chỉ để lúa khô ráo tạm thời còn nếu như trời tiếp tục mưa thì lúa bị hỏng là điều khó tránh khỏi. Dù tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng với chức năng chế ngự và hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng do mưa lớn kéo dài liên tục nên tại nhiều điểm đê, nước vẫn tràn qua gây ngập úng trên diện rộng tại các xã vùng thấp trũng. Tại một số điểm trên tuyến đê bao chống lũ huyện Hải Lăng đã xảy ra sạt lở do nước chảy mạnh như đoạn đê tách nước- cát ở xã Hải Dương; đoạn đập Nhà Ngói ở xã Hải Chánh. Để tránh gây hư hỏng nặng nghiêm trọng, hiện chính quyền địa phương đang cố gắng huy động lực lượng gia cố tại các điểm sạt lở này. Hiện tại, các điểm sạt lở này cơ bản được hàn khẩu. Ngay sau khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn, UBND huyện Hải Lăng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện nhanh chóng về các địa phương kiểm tra tình hình đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp chống lũ, động viên bà con nông dân thu hoạch lúa, hoa màu.
Tranh thủ thổi lúa ngay trên đê chống lũ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giáp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, trước tình hình mưa lũ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, huyện đã lên các phương án sẵn sàng đối phó. Trước mắt, tranh thủ trời hửng nắng, động viên bà con nông dân tích cực thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu đang bị ngập nặng, diện tích ở vị trí cao hơn sẽ thu hoạch sau. Để đối phó với những ngày tới có thể xảy ra mưa lớn, huyện Hải Lăng huy động mọi lực lượng tại chỗ đắp đập, be bờ để ngăn nước tràn vào đồng ruộng. Đồng thời triển khai lắp đặt, huy động tất cả các trạm bơm, máy bơm (cả máy bơm dầu và bơm điện) túc trực 24/24 giờ để tiêu úng giúp người dân thu hoạch lúa, hoa màu thuận lợi và nhanh chóng. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT