Phụ nữ Hải Lăng giúp nhau phát triển kinh tế
QTO - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Hải Lăng đẩy mạnh phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Nhờ vậy, chị em có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phụ nữ Hải Lăng giúp nhau phát triển kinh tế

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Hải Lăng đẩy mạnh phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Nhờ vậy, chị em có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều phụ nữ ở Hải Lăng được hỗ trợ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng - Ảnh: K.S

Hải Lăng là huyện thuần nông, phụ nữ chiếm 51,61% lực lượng lao động trong toàn huyện. Xác định việc hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm theo gương Bác”… Chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương, tạo động lực giúp hội viên tự tin, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng Nguyễn Thị Phương Liễu cho biết: “Trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tham gia các hoạt động kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Nhờ vậy, đông đảo chị em được tiếp cận, tham gia phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, có việc làm và thu nhập ổn định”.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp. Tập trung khai thác các nguồn lực để phát huy tính chủ động của chị em trong phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm; phối hợp tổ chức hội thảo kết nối cung cầu, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại hội chợ thương mại huyện...

Qua đó, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hội đã hỗ trợ 92 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp với nhiều hình thức; xây dựng 132 mô hình làm kinh tế giỏi, trong đó có 78 mô hình thu nhập cao (trên 100 triệu đồng/năm); thành lập 46 tổ hợp tác với 746 thành viên tham gia; xây dựng 73 mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, 94 mô hình giảm nghèo bền vững. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt mô hình “Ngân hàng con giống” đã lan tỏa khắp các cơ sở, tạo nguồn lực đáng kể hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế như trao 48 con bò giống trị giá trên 450 triệu đồng, 255 con lợn giống, 34.370 con gà, vịt giống với tổng trị giá trên 929 triệu đồng cho 794 hộ phụ nữ nghèo, khó khăn.

Hoạt động đào tạo nghề, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được các cấp hội phụ nữ chú trọng thực hiện. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã tổ chức 74 lớp dạy nghề cho 2.251 học viên (trong đó có 1.553 học viên nữ), 87 lớp tập huấn cho 2.621 hội viên, phụ nữ. Sau đào tạo, 1.351 lao động nữ có việc làm mới và làm nghề cũ có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, vận động 302 chị em xuất khẩu lao động để tăng thu nhập.

Trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhiều phụ nữ năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn mở rộng các ngành nghề, các dịch vụ, khôi phục các nghề truyền thống... Nhiều cơ sở sản xuất do chị em làm chủ đã xây dựng được nhãn mác, thương hiệu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, chị em tiểu thương đã có những đóng góp đáng kể trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cam K4, nước mắm Mỹ Thủy, gạo Hải Lăng, bánh ướt Phương Lang, nón lá Trà Lộc, ném Hải Dương, chổi đót, bánh lọc, mứt gừng Mỹ Chánh, gà Tứ Hải, bánh tét mặt trăng Đại An Khê… góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hội tín chấp từ nguồn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn gần 233 tỉ đồng cho 5.420 hộ vay.

Công tác quản lý vốn vay được đảm bảo chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích. Có 100% phụ nữ nghèo được hội giúp đỡ, trong đó có 454 hộ phụ nữ nghèo làm chủ kinh tế được đỡ đầu thoát nghèo, góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 8,61% năm 2016 xuống còn 4,04% năm 2020. 100% chi hội có mô hình tiết kiệm, trong đó 85% hội viên tham gia thực hành tiết kiệm.

“Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao trình độ năng lực, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Xây dựng các mô hình sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo. Vận động, khuyến khích phụ nữ phát triển mạnh các cây trồng, vật nuôi chủ lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Vận động phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, tổ liên kết và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên phụ nữ. Tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của hội viên, phụ nữ”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng Nguyễn Thị Phương Liễu cho biết thêm.

Kô Kăn Sương