Trong nhiều năm qua, có không ít quốc gia trên thế giới luôn quay cuồng tìm kiếm, khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, thậm chí còn gây xung đột vì lợi ích, bất chấp mọi giá nhằm phát triển kinh tế cho riêng mình. Cho đến một ngày nhìn lại, người ta mới giật mình đặt ra câu hỏi: Phát triển để làm gì khi mà chất lượng cuộc sống con người ngày càng xấu đi vì ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội, đạo đức con người xuống cấp… Suy cho cùng tập trung cho kinh tế phát triển đến đâu cuối cùng cũng chỉ là để phục vụ đời sống tinh thần của con người. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trở thành vấn đề sống còn, khẳng định được “biên giới” mỗi quốc gia, dân tộc trong một “thế giới phẳng”. Đối với nước ta, ngay từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong định hướng phát triển, Đảng ta đã sớm xác định văn hóa là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”; qua các thời kỳ, Đảng ta tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực cho sự phát triển.
Trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, BCH Trung ương khóa VIII trước đây, sau này là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, BCH Trung ương khóa XI, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho sự nghiệp văn hóa phát triển đúng hướng; phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động làm chuyển biến tích cực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; một số chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.
Các lễ hội như “Nhịp cầu xuyên Á”, “Thống nhất non sông”, “Hoa đăng đêm rằm” trên sông Thạch Hãn… để lại nhiều dấu ấn khó quên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trọng tâm là xây dựng gia đình, tộc họ, thôn bản, cơ quan văn hóa. Hoạt động nhân đạo, từ thiện với tinh thần tương thân tương ái vì cộng đồng qua thiên tai, dịch bệnh ngày càng thể hiện tấm lòng nghĩa tình của người Quảng Trị. Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, sáng tác văn học nghệ thuật có bước phát triển cả về hình thức và nội dung, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, đa dạng loại hình; một số vận động viên của tỉnh đạt thành tích cao tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế. Nhiều thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất và hoạt động thể thao được thực hiện từ nhiều nguồn lực xã hội.
Dĩ nhiên, do những tác động khác nhau, trong đời sống xã hội hôm nay vẫn còn những vấn đề nổi cộm, những thách thức trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới. Đó là một số người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa, thể dục thể thao. Một số di tích văn hóa, lịch sử ngoài trời xuống cấp nghiêm trọng không có nguồn vốn để trùng tu, phát huy giá trị của di tích. Các tệ nạn xã hội vẫn còn là vấn đề nhức nhối; có không ít gia đình buông lỏng sự quản lý con em, dẫn đến để con em sa vào con đường nghiện ngập ma túy, hư hỏng, làm tan nát hạnh phúc của bao gia đình. Một số thanh niên, vị thành niên không có việc làm, lêu lỏng, đạo đức kém, có hành vi lệch lạc, thậm chí vi phạm pháp luật… Do đó vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là vấn đề cần thực hiện thường xuyên và lâu dài. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết là khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người Quảng Trị, từ đó xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, phát triển hài hòa; không ngừng chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong các mục tiêu phát triển, phải đề cao quan điểm phát triển toàn diện, hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện hương ước, quy ước; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm gia đình.
Phát huy ý thức tự giác của toàn dân trong xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chệnh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội. Đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; các thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình phúc lợi công cộng; tôn tạo, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn. Quan tâm đầu tư cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, rèn luyện thân thể trong Nhân dân; quan tâm phát triển thể thao thành tích cao.
Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân và sự tuân thủ pháp luật. Tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân. Phát huy, đổi mới và nâng cao chất lượng các lễ hội đặc trưng của Quảng Trị, tập trung xây dựng đề án “Festival vì hòa bình”, xây dựng Quảng Trị trở thành mảnh đất mang chứa khát vọng hòa bình của con người Việt Nam trong một thế giới đang còn rất nhiều bất ổn, xung đột ngày nay. Tập trung góp phần hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tập trung thực hiện những giải pháp đột phá, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Kiên trì giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cảnh giác với những luận điệu, âm mưu lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch nhằm tách hoạt động văn học nghệ thuật ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Ngăn chặn có hiệu quả các luồng văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam đi đôi với hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh. Tất cả là để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, tạo luồng sinh khí thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Minh Phương