(QT) - Nếu bạn ngạc nhiên khi gặp một đứa trẻ vòng tay kính cẩn, cúi gập lưng chào khách, hay tự thân giải quyết thuần thục những công việc cá nhân thì điều này trở nên bình thường đối với trẻ em đang học tập tại Trường mầm non giáo dục nhân cách Khai Trí Quảng Trị. Ở ngôi trường này, trẻ em được dạy dỗ từ lời ăn tiếng nói cho đến những kĩ năng lao động gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Từ đó trẻ nhận thức được giá trị của vật chất bằng công sức lao động của bản thân và tình thương đối với người lao động.
![]() |
Một buổi sinh hoạt về phương pháp giáo dục trẻ em do trường tổ chức |
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường mầm non giáo dục nhân cách Khai Trí Quảng Trị cho biết: Hiện nay có trên 50 cháu từ 2 tuổi trở lên đang học tại trường. Nội dung từ học tập, vui chơi và kể cả bữa ăn của các cháu đều được lồng ghép vào việc thực hành “hiếu đạo”.
Mọi người đều biết, muốn dẫn dắt xã hội, lòng người một cách chân chính, giải quyết vấn đề của xã hội, thì buộc phải bắt tay từ giáo dục, mà giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Phải bắt đầu từ giáo dục vun bồi sâu khi còn bé thơ, khi tâm tính của trẻ nhỏ trong sáng nhất, hãy để chúng tiếp nhận giáo dục từ bé thơ một cách toàn diện nhất. Tại Trường mầm non Khai Trí, giáo trình học tập chia thành nhiều phần đưa ra những phép tắc tiêu chuẩn phải nghiêm chỉnh tuân theo khi ở nhà, ra ngoài, đối người, tiếp vật. Đây là lời lẽ dạy dỗ điều phải, trái từ khi còn nhỏ, giáo dục con cái hiểu được việc giữ trọn luân thường, trọn hết bổn phận, giữ lòng thành, tránh xa điều ác, siêng làm việc lành, giúp tạo nên gia phong gia đình trung hậu. Đây là tài liệu đầy đủ từ gia huấn, gia quy và gia giáo theo truyền thống Á Đông. Từ “con cái” ở đây hiểu theo nghĩa rộng là đề cập đến tất cả mọi thành phần trong xã hội.
Những lời giảng được tạo thành một câu ba chữ, hai câu một vần, rất dễ học thuộc, hiểu nghĩa và thực hành; cụ thể được phân thành những lễ nghĩa và tiêu chuẩn khi ở nhà, ra ngoài, đối người tiếp vật, cầu học, có thể xem như là tài liệu tốt nhất để dạy điều phải trái từ khi còn nhỏ. Ví dụ như: sáng rửa mặt-phải đánh răng; cha mẹ gọi-trả lời ngay; cha mẹ trách-phải thừa nhận; đi phải thưa-về phải trình.
Chị N.T.H. ở thành phố Đông Hà có con trai năm nay 11 tuổi mắc chứng bệnh tăng động. Bình thường cháu thích gì làm nấy chứ không nghe theo lời người lớn. Gia đình có điều kiện kinh tế khá nên cháu được đưa đến nhiều trung tâm để chữa trị nhưng chẳng mang lại kết quả. Thế nhưng vào học tại Trường mầm non Khai Trí được hơn 1 năm, bây giờ cháu tự vệ sinh thân thể, lau chùi bàn ghế. Quan trọng hơn là cháu rất nghe theo lời mẹ dạy. Chị H. tâm sự: Lần đầu tiên tôi bật khóc khi cháu biết mình làm sai và nói lời xin lỗi mẹ. Khi tôi bị ốm, còn bưng nước ấm để lau chân cho mẹ.
Con cái ngoan cũng thu hút được sự chú ý của cha mẹ và ông bà trong gia đình. Trường có tổ chức vào tối thứ ba hằng tuần để phụ huynh cùng học tập và phối hợp trong phương pháp giáo dục con cái. Chúng tôi có tham dự một vài buổi học của trường và ngạc nhiên khi bắt gặp các cụ bà ngoài 70 tuổi vẫn đến học về cách ứng xử đối với cha mẹ ông bà và ngược lại. Bà T. trên 70 tuổi cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình giáo dục nền nếp. Từ bé, ông bà rồi cha mẹ tôi đã lấy chính bản thân mình làm thân giáo cho các con như: Đi phải thưa, về phải trình hoặc cha mẹ gọi phải trả lời ngay. Thế nhưng đến thế hệ con cháu tôi, việc thân giáo dường như mất hẳn. Khi tôi nhắc cháu nên cúi đầu chào, cháu liền cãi lại: Ở trường có ai dạy cháu như thế đâu. Thế nên tôi tham gia lớp học ban đêm này, trước là để sửa mình, răn mình, sau đó làm gương cho con, cháu noi theo”.
Tôi có trao đổi với một giáo viên về từ “thân giáo”, có phải như “tu thân” trong cụm câu: Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ hay không thì được biết, “thân giáo” là một phương pháp giáo dục ở môi trường tập thể, gia đình hay tổ chức đối với việc tự giáo dục mình thành tấm gương sáng để những người xung quanh soi mình học tập. Chúng ta phải học thì mới giáo dục được con cái, “dạy dỗ con cái phải dạy mình trước”, muốn dạy con cho tốt thì trước hết phải nâng cao bản thân, bản thân phải học cho tốt, có như vậy mới làm được thân giáo tốt.
Vừa rồi, trong 10 nhà quản trị có ảnh hưởng trên thế giới về tư duy đổi mới do Forbes bình chọn đều bày tỏ quan điểm liên quan đến thân giáo, có nghĩa là đạo đức của doanh nhân, của người đứng đầu công ty để phát triển doanh nghiệp theo hướng lành mạnh. Từ ứng xử hằng ngày sẽ tạo môi trường sống đẹp trong doanh nghiệp. Hiện nay, cũng có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện TQM (Quản lí chất lượng toàn diện - Total Quality Management), khi hiểu ra, cũng bắt đầu chú trọng TEM (Quản lí đạo đức toàn diện - Total Ethical Management). Trong đó, có những yêu cầu liên quan tới đạo đức, đã được các doanh nghiệp nổi tiếng công nhận một cách phổ biến, là mặt mạnh của quản lí doanh nghiệp, là hành vi đối nhân xử thế của lãnh đạo, người quản lí và nhân viên và cũng là tư tưởng chỉ đạo quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp.
Trở lại câu chuyện về Trường mầm non giáo dục nhân cách Khai Trí Quảng Trị tuy mới thành lập, cũng không phô trương chiêu sinh nhưng được sự quan tâm gửi gắm của rất nhiều phụ huynh. Với cách giáo dục khoa học phù hợp từng độ tuổi, cá nhân, tâm lí của trẻ, đội ngũ giáo viên trung tâm đã tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh.
Anh N.Q.T. một phụ huynh ở phường 4, thành phố Đông Hà làm nghề lái xe tải, mỗi tối thu xếp công việc chở hai đứa con gái 15 tuổi và 9 tuổi đến để nghe giảng về đạo đức hiếu nghĩa, phép ứng xử với mọi người xung quanh. Anh T. tâm sự với chúng tôi: “Tôi quăng quật với cuộc sống từ bé nên có một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp gì. Một lần tôi tình cờ đến đây nghe phần thuyết giảng của thầy cho mấy cháu nhỏ về lòng hiếu thảo đối với ông, bà, cha, mẹ. Mỗi lời thầy như một cái gì đó chạm đến thẳm sâu trái tim khiến tôi khóc lúc nào không hay. Tôi cảm thấy mình vô cùng bất hiếu với ông bà, cha mẹ. Lúc đó chỉ ước cha mẹ còn sống để được chạy đến nói một câu xin lỗi, dù muộn màng. Từ đó mỗi tối tôi lại đưa hai cháu về đây để học”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một. Cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên mạng internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, cho rằng: Có một thực tiễn rất giản dị, chí lí về môi trường sống của trẻ mà chúng ta dễ bỏ qua: Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai...
Minh Anh