Cử tuyển cũng…thất nghiệp
(QT) - Được xét duyệt, cấp kinh phí cử đi học ở các trường đại học, cao đẳng, thế nhưng sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên cử tuyển chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải chờ đợi thời gian dài để được bố trí việc làm. Chỉ tính riêng huyện Đakrông (Quảng Trị), hiện tại có 16 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chưa có việc làm hoặc “chờ” được bố trí việc làm…
Trong khi các cơ quan chức năng của huyện Đakrông đang tìm hướng để bố trí việc làm cho các sinh viên cử tuyển trên địa bàn thì những sinh viên cử tuyển phải tạm gác lại ước mơ của mình để hàng ngày lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Và những sinh viên cử tuyển ấy vẫn luôn nuôi hy vọng, đợi chờ đến ngày được huyện bố trí công việc đúng chuyên môn, lĩnh vực mà mình được đào tạo. |
Theo tinh thần Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 về “Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” của Chính phủ thì những sinh viên được hưởng chế độ cử tuyển chủ yếu là đào tạo căn cứ theo nhu cầu của địa phương. Quy trình xét cử tuyển rất cụ thể, có chỉ tiêu, tiêu chí xét tuyển rõ ràng…Điều kiện cử tuyển đối với học sinh dân tộc Kinh thì tốt nghiệp THPT với học lực phải từ loại khá trở lên, nhưng chỉ tiêu không quá 15% tổng số chỉ tiêu cử tuyển; đối với học sinh dân tộc thiểu số thì tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) với học lực trung bình và hạnh kiểm khá là đủ điều kiện. Người được cử tuyển do ngân sách địa phương đảm bảo 100% kinh phí đào tạo, được bố trí công việc sau khi ra trường. Do căn cứ vào nhu cầu của địa phương, có chỉ tiêu và tiêu chí xét tuyển rõ ràng, lại phải chịu trách nhiệm bố trí công việc cho người được cử tuyển sau khi ra trường nên số lượng cử tuyển rất ít, chế tài quy định rất chặt chẽ. Tinh thần Nghị định số 134/2006/NĐ-CP là như vậy, nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Nội vụ huyện Đakrông thì từ năm 2006 – 2013, huyện Đakrông đã bố trí việc làm cho khoảng 87 sinh viên cử tuyển, trong đó từ năm 2006 – 2010 bố trí việc làm cho 43 giáo viên và 5 cán bộ xã (là sinh viên cử tuyển); từ năm 2011 – 2013 bố trí việc làm cho 39 giáo viên. Hiện tại, trên địa bàn huyện Đakrông còn 16 sinh viên cử tuyển đi học các nhóm ngành như ngành y, nông nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật, sư phạm chính trị...chưa có việc làm hoặc đang chờ huyện bố trí việc làm... Có trường hợp sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp (Đại học Kinh tế Huế) với tấm bằng loại trung bình khá nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm nên hàng ngày phải lên nương rẫy làm lụng phụ giúp gia đình. Đi tìm nguyên nhân việc sinh viên cử tuyển học xong ra trường trong thời gian dài vẫn chưa được bố trí việc làm, chúng tôi được biết, nhiều xã trên địa bàn huyện Đakrông khi lập danh sách học sinh được cử đi học theo diện cử tuyển chỉ căn cứ vào việc các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp trường THPT, PTDTNT là ghi vào danh sách gửi lên Phòng Nội vụ huyện để đề nghị cử đi học mà không chịu rà soát lại xem xã mình lĩnh vực nào, ngành nào cán bộ còn thiếu, còn yếu để cử đi đào tạo lĩnh vực đó, ngành đó. Chính từ nguyên nhân ấy khiến cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số khi được cử đi học cao đẳng, đại học đã chọn sai ngành học nên khi tốt nghiệp ra trường huyện khó bố trí việc làm bởi ngay chính xã đề nghị gửi đi đào tạo lại đủ cán bộ đang làm việc ở ngành, lĩnh vực mà sinh viên đó được đào tạo. Nếu cố gắng bố trí việc làm đi nữa thì những sinh viên cử tuyển đó cũng không làm đúng chuyên môn được đào tạo dẫn đến việc không phát huy được sở trường của các em. Để khắc phục tình trạng trên, huyện Đakrông cần thực hiện việc rà soát lại những sinh viên cử tuyển (trong đó có 16 sinh viên cử tuyển nêu trên) chưa được bố trí việc làm để sắp xếp, bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn mà các sinh viên cử tuyển đã được học ở trường. Riêng việc cử tuyển, sắp tới huyện Đakrông yêu cầu các xã, thị trấn khi gửi danh sách học sinh dân tộc thiểu số đi học theo diện cử tuyển thì phải căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để khi các sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường sẽ được bố trí ngay công việc đúng với chuyên môn, chuyên ngành đã học. Trong khi các cơ quan chức năng của huyện Đakrông đang tìm hướng để bố trí việc làm cho các sinh viên cử tuyển trên địa bàn thì những sinh viên cử tuyển phải tạm gác lại ước mơ của mình để hàng ngày lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Và những sinh viên cử tuyển ấy vẫn luôn nuôi hy vọng, đợi chờ đến ngày được huyện bố trí công việc đúng chuyên môn, lĩnh vực mà mình được đào tạo. SỸ HOÀNG