Giữ hương cho đất
(QT) - Gắn bó với cây cà phê từ những ngày mới lên Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) lập nghiệp, trải qua biết bao mùa thu hoạch với niềm vui xen lẫn nỗi âu lo nhưng dường như sâu thẳm trong lòng những người nông dân tôi gặp chưa bao giờ vơi đi niềm tin về một ngày cà phê Hướng Hóa sẽ vươn ra thế giới. Dẫu đến bây giờ, những ngày gian khó chưa qua nhưng với niềm tin ấy, với những nỗ lực bền bỉ của người trồng cà phê cùng sự giúp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, hy vọng rằng hương cà ...

Giữ hương cho đất

(QT) - Gắn bó với cây cà phê từ những ngày mới lên Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) lập nghiệp, trải qua biết bao mùa thu hoạch với niềm vui xen lẫn nỗi âu lo nhưng dường như sâu thẳm trong lòng những người nông dân tôi gặp chưa bao giờ vơi đi niềm tin về một ngày cà phê Hướng Hóa sẽ vươn ra thế giới. Dẫu đến bây giờ, những ngày gian khó chưa qua nhưng với niềm tin ấy, với những nỗ lực bền bỉ của người trồng cà phê cùng sự giúp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, hy vọng rằng hương cà phê Hướng Hóa sẽ mãi giữ lại với đất này. Vui buồn cùng cây cà phê Lên vùng kinh tế mới ở Hướng Độ, Hướng Phùng từ năm 1995, đến nay gia đình ông Trần Văn Cảnh (48 tuổi) đã gắn bó với mảnh đất này gần 20 năm. Từ diện tích 0,5 ha cà phê ban đầu, qua nhiều tháng ngày miệt mài lao động, đến nay vườn cà phê của ông tăng lên 3 ha. Diện tích đó đối với nhiều người có lẽ còn ít ỏi, nhưng với ông là cả một chặng đường nỗ lực đầy gian nan, trong đó có những thời điểm ông muốn bỏ cuộc vì quá khó khăn. Ông Cảnh nhớ lại: “Hồi chúng tôi mới lên, đất đai thì nhiều nhưng sức người có hạn. Vợ chồng tôi phát rẫy làm vườn, cứ miệt mài ngày đêm, không kể nắng mưa để cuốc từng thớ đất. Đất đai khai hoang xong là đến công đoạn trồng và chăm sóc cây. Để mang được cây giống và phân bón đến nơi trồng, chúng tôi phải gánh từng gánh một. Đôi bàn chân của một thanh niên 30 tuổi vốn quen với con đường bằng phẳng dưới xuôi nay phải dò dẫm từng bước đường rừng, nhiều lúc tưởng chừng ngã gục giữa đường. Nhưng vợ chồng luôn động viên nhau phải cố gắng hết sức vì đã tâm niệm rằng đi thì quyết không để tay trắng quay về” .

Mùa cà phê ra hoa

Giai đoạn khó khăn nhất đối với gia đình ông là vào năm 2001, thời điểm cà phê rớt giá mạnh, nhiều người đi cùng đợt với ông đều bỏ về đồng bằng gần hết. Năm đó, vào mùa thu hoạch cà phê, ông chỉ hái được hai lứa, còn lứa thứ 3 phải cho người khác hái vì không đủ tiền thuê nhân công. Đã hơn 6 năm bám trụ với đất Hướng Phùng và chọn cà phê làm cây trồng chủ lực để nuôi sống gia đình, vậy nhưng cây vẫn chưa tạo được chỗ đứng vững chắc khiến lòng người không khỏi lung lay. Ông Cảnh cho biết: “Trong khi nhiều người phá bỏ cà phê để chuyển sang trồng cây khác thì tôi vẫn kiên trì bám vườn cà phê, trong nhiều lý do có một phần tiếc công sức vợ chồng bỏ ra. Nhiều khi cái khổ cũng khiến người ta phải nhớ mãi về nó. Mà nói đến cái khổ ở vùng đất này vào thời gian trước đây thì kể hoài không hết, không riêng gì cây cà phê”. Bây giờ con cái lớn khôn, đường sá thuận lợi hơn trước, những vất vả cực nhọc cũng đã vơi đi rất nhiều, vợ chồng ông quyết tâm đầu tư vào cà phê với niềm tin vào một ngày nào đó, cà phê Hướng Hóa sẽ có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Trần Đức Châu bên vườn cà phê của gia đình

Vườn cà phê của ông Trần Văn Châu (56 tuổi) có diện tích 2,5 ha. Cũng như ông Cảnh, ông Châu phải trải qua một giai đoạn vất vả mới có thể bám trụ lâu dài với đất Hướng Phùng. Mùa thu hoạch cà phê đầu tiên bội thu mang đến cho ông nguồn động viên lớn lao. Ông Châu kể: “Mấy vụ đầu, thời tiết thuận lợi, cây phát triển nhanh lại không sâu bệnh nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng thu hoạch cà phê thắng lợi. Thời điểm đó, mỗi vụ thu hoạch được 3-4 tạ cũng đủ để gia đình tôi có gạo ăn trong vòng 6 tháng, nên ai cũng phấn khởi”. Vậy nhưng sự thuận lợi đó không kéo dài đối với những mùa sau bởi điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt, sâu bệnh nhiều hơn và giá cả cà phê lên xuống thất thường hơn. Điều mà ông Châu luôn trăn trở đó là thị trường cà phê Hướng Hóa chưa có một chỗ đứng vững chắc, trước đây luôn bị các đại lý thu mua ép giá. Câu chuyện bị ép giá đã trở thành nỗi ám ảnh của những người trồng cà phê ở Hướng Phùng một thời gian rất dài. Từ trước năm 2014, hầu như giá cả cà phê của người dân phụ thuộc vào đại lý thu mua, đại lý chốt giá bao nhiêu thì nông dân phải bán bấy nhiêu. Đôi khi, đại lý thu mua nương theo thời tiết bất lợi để ép giá, trời đang nắng mà chuyển mưa là các đại lý đều đồng loạt giảm giá. Biết thế nhưng nông dân vẫn cứ phải bán cà phê cho đại lý nếu không muốn đem đổ đi. Ông Châu cho biết: “Hơn 15 năm người trồng cà phê chúng tôi như bơi giữa dòng, thị trường cà phê trôi nổi khiến chúng tôi luôn trong tình trạng bấp bênh. Đôi khi ngẫm lại, thấy cái khó của những ngày khởi nghiệp chưa là gì so với những khó khăn sau này. Thấy nhiều người xung quanh chặt bỏ cà phê để thay thế bằng cây trồng khác, tôi không ít lần chần chừ, hoang mang”. Vững một niềm tin

Tập huấn về tiết kiệm tín dụng cho người trồng cà phê ở thôn Hướng Độ

Trong câu chuyện, những nông dân trồng cà phê ở Hướng Độ đều có chung suy nghĩ: “Nhờ có dự án, chúng tôi như có thêm niềm tin để gắn bó hơn với cây, nhiều người cũng đã từ bỏ ý định phá bỏ vườn cà phê”. Đó là người dân đang nói đến Dự án nâng cao năng lực hướng đến tăng trưởng toàn diện và bình đẳng khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, được triển khai thí điểm từ tháng 3/2013-2/2017. Đối tượng hưởng lợi là 500 hộ gia đình sản xuất cà phê ở Hướng Phùng, một trong 10 xã trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Vườn cà phê của anh Hồ Mạnh Long (42 tuổi) có diện tích 3 ha. Vào thời điểm cà phê rớt giá mạnh, nhiều người phá vườn, trồng những cây trồng ngắn ngày khác, anh vẫn mạnh dạn tiếp tục vay vốn để đầu tư vào cà phê. Trong thâm tâm, anh tin một ngày nào đó cây cà phê sẽ phát huy được thế mạnh của nó, xứng đáng với thương hiệu đã từng được nhiều người biết đến. Khi được tiếp cận với dự án, anh Long càng tin chắc niềm tin của mình có cơ sở. Là người gắn bó với cây cà phê từ những ngày đầu mới bén rễ, anh hiểu rằng một trong những nguyên nhân khiến cà phê Hướng Hóa chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường do chưa được sản xuất theo quy trình sạch, vì thế dễ bị ép giá hoặc bán với giá thấp. Anh Long cho biết: “Sản xuất cà phê sạch phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Nhưng tôi thấy không có khó khăn gì lớn vì chúng tôi đã có niềm tin và có sự hỗ trợ của dự án. Hiện ở thôn chúng tôi đã thành lập quỹ tiết kiệm để hỗ trợ những hộ sản xuất cà phê gặp khó khăn về vốn, tránh tình trạng đi vay nặng lãi”. Xã Hướng Phùng năm 2014 có 15 nhóm sản xuất cà phê sạch với 368 hộ tham gia; năm 2015 có 17 nhóm với 461 hộ tham gia; năm 2016 dự kiến có 25 nhóm với gần 700 hộ tham gia. Riêng thôn Hướng Độ có 61 hộ, nay đã có 46 hộ sản xuất cà phê sạch từ hai năm nay. Trong một thời gian dài, người trồng cà phê ở Hướng Hóa phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là không có sự liên kết giữa người nông dân với nông dân. Sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn hạn chế. Sự hợp tác của các doanh nghiệp với nhau vừa hạn chế, vừa có sự cạnh tranh không lành mạnh. Thêm vào đó, công suất chế biến cà phê quá lớn so với sản lượng cà phê toàn huyện nên nảy sinh tình trạng phá giá, chưa kể giá cà phê biến động mạnh, thường xuyên và có tính mùa vụ. Chất lượng thấp, giá bán thấp, người nông dân bỏ vườn trở thành một vòng luẩn quẩn, không có lối thoát cho nhiều người trồng cà phê. Bởi vậy, theo giải thích của anh Long về lý do vì sao người nông dân rất phấn khởi khi nhắc đến dự án trên đó là: “Với mô hình liên kết 4 nhà (nhóm nông dân, công ty chế biến cà phê, ngân hàng và công ty cà phê), người trồng cà phê sẽ có cơ hội bán sản phẩm với giá cao, chất lượng sản phẩm thống nhất giữa các doanh nghiệp liên kết, sản xuất mang tính định hướng thị trường, tạo nền tảng cho sản xuất bền vững”. Ông Trần Cảnh, một trong những hộ sản xuất cà phê sạch ở Hướng Độ cho biết: “Tham gia vào dự án, nông dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều. Trước hết là được tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất cà phê sạch để nâng mức giá khi bán. Sau đó, sản phẩm của chúng tôi được mang thẳng xuống nhập ở nhà máy, giá cả được báo trước nên rất chủ động”. Thời gian tới, nhóm nông dân thôn Hướng Độ có kế hoạch thành lập tổ sản xuất chế biến cà phê nhằm giúp các thành viên trong nhóm có thu nhập cao và ổn định hơn, khẳng định vai trò và vị thế của nhóm trong tầm nhìn hướng đến sản xuất cà phê bền vững. Chúng tôi đến Hướng Phùng vào những ngày nắng chói chang trên những triền đồi. Cà phê chưa vào mùa thu hoạch, đang lúc lỉu những chùm quả đợi mùa bội thu. Chợt nhớ tâm sự của một người nông dân ở Hướng Độ: “Đến Hướng Phùng vào mùa cà phê ra hoa mới cảm nhận hết vẻ đẹp của đất này. Vào mùa đó, những rẫy cà phê như một cánh đồng hoa. Hương thơm thoảng cả một vùng trời, vùng đất, rất đắm say. Lúc đó, lòng người thư thái hẳn”. Thì ra những người nông dân không chỉ quan tâm đến vụ mùa bội thu mà tâm hồn họ còn xao động bởi những mùa hoa cà phê. Đã qua thời kỳ cà phê ra hoa, nhưng nghe như thoảng trong gió hương cà phê nồng say. Có lẽ, vì hương đã ẩn mình trong đất, để người lần đầu khi đặt chân đến đây vẫn cảm nhận được hương cà phê quyện hòa với nắng và gió, với những giọt mồ hôi, nước mắt, với niềm vui, nỗi buồn và cả những trăn trở của người nông dân qua bao mùa nắng mưa. Vẫn biết, để giữ được thương hiệu của cây cà phê Hướng Hóa đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Nhưng câu chuyện của ông Cảnh, ông Châu, anh Long và nhiều người trồng cà phê ở Hướng Phùng cũng như niềm tin của họ sẽ giữ được hương cho đất này. PHAN HOÀI HƯƠNG ......... Ảnh do dự án cung cấp