Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(QT) – Hôm nay 27.11.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(QT) – Hôm nay 27.11.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Nghị quyết 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X là nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, toàn quốc đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: Nông nghiệp phát triển toàn diện, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,95%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, đạt 6,48%/năm. Độ che phủ rừng đạt 41,5%. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh. Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, điều kiện sống ở nông thôn được cải thiện. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường…

Tại Quảng Trị, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2008 – 2017 bình quân đạt 3,3%/năm. Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến theo hướng chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hóa nghề rừng. Độ che phủ rừng đạt 50,1%. Công tác đào tạo nghề cho nông dân ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ được chú trọng. Hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng đầu tư, năng lực tưới chủ động toàn tỉnh tăng từ 70% diện tích lên 80% diện tích đất canh tác 2 vụ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả nổi bật. Tính đến nay, toàn tỉnh có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Bên cạnh thành tựu, quá trình thực hiện Nghị quyết 26 trong cả nước vẫn còn những hạn chế như: Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định, nông thôn phát triển không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng...

Hội nghị cũng bàn về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 sẽ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường và vươn lên của nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần nhận diện cơ hội và thách thức trong bối cảnh tình hình mới, đồng thời khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay để rà soát cơ chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong đầu tư vào nông nghiệp.

Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian tới cần chú trọng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là thị trường xuất khẩu. Hệ thống ngân hàng cần cung ứng nguồn tín dụng và có cơ chế tín dụng ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh khoa học công nghệ và khởi nghiệp trong nông thôn. Bên cạnh đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới cần đi vào chiều sâu, bền vững gắn với quá trình đô thị hóa, bảo vệ môi trường, phát triển điều kiện vật chất, tinh thần nông dân, nông thôn; duy trì bản sắc văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp với vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…

Lâm Thanh