Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội
QTO - Nhìn lại năm 2020, khó khăn liên tiếp đặt ra cho mỗi địa phương cũng như cả nước. Đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp; tiếp đến là hạn hán, bão lũ lịch sử đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến theo hướng tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Phát huy những kết ...

Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội

Nhìn lại năm 2020, khó khăn liên tiếp đặt ra cho mỗi địa phương cũng như cả nước. Đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp; tiếp đến là hạn hán, bão lũ lịch sử đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến theo hướng tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cùng với nhiệm vụ “kép”, vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bình yên cuộc sống cho Nhân dân.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, phòng chống dịch bệnh, xử lý kịp thời, ổn định các vụ việc phức tạp phát sinh. Bên cạnh đó đã thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, các loại tội phạm nguy hiểm, băng nhóm tội phạm, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Trong năm 2020 đã điều tra, khám phá 298 vụ về trật tự an toàn xã hội, đạt tỉ lệ 87,9%; bắt, xử lý 438 đối tượng án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đạt 96,6%. Công an tỉnh tiếp tục điều tra 2 vụ án về tham nhũng: Vụ án “Lạm quyền trong thi hành công vụ” xảy ra trên địa bàn xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong từ năm 2013-2017; vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Thương mại Quảng Trị (thuộc thị xã Quảng Trị). Cũng trong năm 2020, qua công tác thanh tra, các đơn vị thanh tra trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 342 cá nhân và 24 tổ chức có sai phạm, ban hành 321 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đã thu hồi 1.592.770.000 đồng; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thu hồi số tiền tham nhũng 398.535.394 đồng.

Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua được giữ vững. Nhờ nắm chắc tình hình nên an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn cơ bản ổn định. Các cơ quan tố tụng đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng cơ chế để tăng quyền tiếp nhận thông tin của người dân, doanh nghiệp trên thực tế về các hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước; tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài đối với một số vụ việc liên quan đến đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, hiện đang tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an ninh xã hội; tăng khả năng phát hiện hành vi tham nhũng trong các đơn vị vì các hành vi tham nhũng vẫn tiềm ẩn phức tạp…

Để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, làm tốt công tác nắm tình hình, giải quyết tốt mọi tình hình nổi lên ở các địa bàn, không để xảy ra bị động, bất ngờ, giữ vững ổn định an ninh chính trị trong mọi tình huống; bảo đảm an ninh, an toàn đối với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, trọng tâm là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đảm bảo an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh nông thôn, an ninh xã hội. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang triển khai thực hiện tốt Nghị định 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, triệt xóa các điểm sử dụng ma túy phức tạp; trấn áp các loại tội phạm hình sự, tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Mặt khác, phải dự báo sát, đúng tình hình an ninh tuyến biên giới, nội địa, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Giữ vững quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã, thị trấn ven biển; đảm bảo an toàn giao thông. Chủ động đối thoại, giải quyết những vấn đề nổi cộm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Tăng cường kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; rà soát các lĩnh vực, các khâu dễ phát sinh tham nhũng; phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt” trong các đơn vị và hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; quản lý, sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa; quản lý các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài sản công, ngân hàng, tín dụng và công tác cán bộ…

Phương Minh