TRƯƠNG CHÍ TRUNG, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Lý luận và thực tiễn đều đã chứng minh rằng, bất cứ một quốc gia nào muốn tạo ra sự phát triển để đi đến thịnh vượng đều phải có chiến lược huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chính vì vậy, để đưa tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, việc tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực là một yếu tố có tính quyết định.
![]() |
Đường Hoàng Diệu, TP. Đông Hà được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn đầu tư của Dự án Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - Ảnh: H.N.K |
Trong những năm qua, việc huy động và quản lý sử dụng nguồn lực trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động đạt 73.423 tỉ đồng, bằng 1,78 lần so với mức vốn huy động giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước huy động đạt 21.649 tỉ đồng, bằng 1,68 lần giai đoạn 2010 - 2015; vốn đầu tư ngoài nhà nước huy động đạt 50.547 tỉ đồng, bằng 1,81 lần so với giai đoạn 2010 - 2015; vốn đầu tư nước ngoài huy động đạt 1.227 tỉ đồng, bằng 2,03 lần so với giai đoạn 2010-2015. Riêng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 28.676 tỉ đồng, tăng 50,67% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 4.800 tỉ đồng; vốn ngoài nhà nước đạt 23.716 tỉ đồng, tăng 71,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 159,3 tỉ đồng, tăng 69,2% so với cùng kỳ.
Trong 6 năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã thu hút hơn 349 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 194.000 tỉ đồng; thành lập mới 2.910 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 40.200 tỉ đồng. Việc phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, có tác động dẫn dắt sự phát triển. Các nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn; nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Qua đó, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, công tác huy động và sử dụng nguồn lực của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra còn chậm; nguồn vốn đầu tư thu hút được chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí địa - kinh tế của tỉnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa phần có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp.
Một số dự án trọng điểm chậm tiến độ; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn; có trường hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành và quy hoạch sử dụng đất chưa khớp nhau đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh dù có cải thiện qua các năm nhưng chưa đạt như mong muốn; kết cấu hạ tầng đang tồn tại một số “điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Do đó, để khai thác, huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao vào năm 2025 và nhóm khá của cả nước vào năm 2030, chúng tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại một cách thực chất nền kinh tế, xác định rõ hướng đi và lựa chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển để vừa khai thác, tận dụng các nguồn lực một cách khoa học, hợp lý, vừa đi tắt, đón đầu các cơ hội phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả Chương trình hành động số 57-CTHĐ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, vốn và lao động giá rẻ sang mô hình tăng trưởng phát huy nhiều hơn vai trò khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, cần quán triệt và thực hiện nhất quán cơ cấu lại nền kinh tế với một số định hướng chủ yếu: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. (2) Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có lợi thế so sánh như: Công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông -l âm - thủy sản; công nghiệp silicat và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, trong đó năng lượng là lĩnh vực đột phá. (3) Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà địa phương có lợi thế, trong đó ưu tiên khai thác lợi thế vị trí để phát triển dịch vụ logistics; phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho Quảng Trị cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng, đi tắt để bắt kịp các địa phương có trình độ phát triển cao hơn. Thành tựu khoa học công nghệ mới cho phép chúng ta biến nhiều nguồn tài nguyên từ dạng tiềm năng trở thành động lực cho phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước, năng lượng sinh khối... đồng thời, vị trí địa lý của tỉnh cận kề với các mỏ khí thiên nhiên có trữ lượng lớn cũng là yếu tố rất thuận lợi. Do đó, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tranh thủ các cơ chế chính sách phát triển năng lượng, hướng đến mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, tạo nên những mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới, với các ngành, sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế. Để bắt kịp và khai thác xu thế này, tỉnh Quảng Trị cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Thời gian tới, nên tập trung xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng số và xây dựng môi trường thể chế phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, một yếu tố đặc biệt quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng vai trò quyết định đến khả năng huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại nguồn lực khác.
Vì vậy, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, cần phải tạo được bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực có tính toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Vừa quan tâm nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, vừa chú trọng cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực thật khoa học, hợp lý, bình đẳng; đồng thời cần chú trọng khơi dậy khát vọng cống hiến và bảo đảm nhân lực chất lượng cao được trọng dụng và tôn vinh.
Thứ hai, là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Cần tập trung hoàn thành tốt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, tích hợp đầy đủ các quy hoạch phát triển ngành, phương án phát triển kinh tế- xã hội các vùng liên quan. Quy hoạch tỉnh cần bám sát các đặc điểm tự nhiên-xã hội của địa phương, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu, khai thác tốt các tiềm năng địa phương và các mối quan hệ liên kết vùng.
Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch khu chức năng và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật trong thời kỳ mới đảm bảo chất lượng cao. Tất cả các quy hoạch này phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và vùng quốc gia.
Công tác quản lý quy hoạch cũng cần được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, khoa học và đồng bộ. Các quy hoạch này sẽ bảo đảm sự thống nhất về định hướng phát triển và sử dụng nguồn lực đầu tư có hiệu quả, đồng thời có ý nghĩa quan trọng nhất là mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ ba, là tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, phát huy tối đa tiềm năng các nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Chú trọng khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận về tài nguyên đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Xử lý dứt điểm những bất cập trong quản lý, sử dụng đất. Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện tốt công tác đấu thầu mỏ khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản, lưu ý làm tốt công tác tham vấn cộng đồng trong hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản. Ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn với đổi mới nội dung, phương pháp tiếp cận để huy động ngày càng nhiều hơn nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đối với sử dụng nguồn đầu tư công, cần tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, kết nối nhằm tạo động lực cho phát triển lan tỏa. Phát huy vai trò dẫn dắt, “vốn mồi” của đầu tư công để thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước.
Đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những lĩnh vực mà tư nhân không làm hoặc chưa làm.
Để thực hiện hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm và các ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chúng ta cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương châm “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Cùng với việc tích cực, chủ động khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực; cần tập trung huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của trung ương; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để huy động sự tham gia, đóng góp của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, muốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội phải quán triệt sâu sắc quan điểm thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng, hoàn toàn tự mình quyết định hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo tín hiệu của thị trường; được tự do đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Quá trình thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư theo đúng tiến độ cam kết, nhất là các chương trình, dự án động lực của tỉnh. Cần rà soát, chấm dứt đối với các dự án không triển khai thực hiện hoặc quá chậm triển khai dự án theo quy định, gây lãng phí các nguồn lực xã hội.
Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình hoạt động của nền kinh tế cần có kế hoạch, hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ hình thành nhóm doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn “dẫn dắt” khu vực kinh tế tư nhân để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP)…để tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước.
Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Tận dụng cơ hội được mở ra khi thực hiện các hiệp định tự do thế hệ mới để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, tiếp thu công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tích cực và chủ động chuẩn bị đồng bộ cả hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm” và môi trường đầu tư thông thoáng để xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư bên ngoài, bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn hỗ trợ phi chính phủ (NGO)...
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí hàng đầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công.
Công khai, minh bạch việc cung cấp thông tin, tài liệu pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc cam kết giữa người đứng đầu các sở, ngành, địa phương với lãnh đạo tỉnh về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tóm lại, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là một nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tin tưởng rằng với sự quan tâm giúp đỡ của trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu đã đề ra, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.