Xóa đói giảm nghèo, nhìn từ Hướng Hóa
(QT) - Mặc dù là địa phương có tiềm năng về đất đai và tài nguyên rừng nhưng đời sống của một bộ phận dân cư ở Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, kinh nghiệm làm ăn và tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân còn lạc hậu. Tính đến năm 2006, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn ở mức cao, chiếm tỷ lệ 41,7%.

Xóa đói giảm nghèo, nhìn từ Hướng Hóa

(QT) - Mặc dù là địa phương có tiềm năng về đất đai và tài nguyên rừng nhưng đời sống của một bộ phận dân cư ở Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, kinh nghiệm làm ăn và tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân còn lạc hậu. Tính đến năm 2006, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn ở mức cao, chiếm tỷ lệ 41,7%.

Cây chuối mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân Hướng Hóa
Trong những năm qua, huyện Hướng Hóa tập trung thực hiện các chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo (XĐGN), góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn 18,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18,7 triệu đồng/năm. Sở dĩ Hướng Hóa giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trước hết là nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã đến được với người nghèo và phát huy hiệu quả. Trong 3 năm 2011-2013, chương trình 135 đã phân bổ 63.256 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, nâng cao năng lực cán bộ… Các dự án định canh, định cư góp phần ổn định cuộc sống cho 263 hộ dân vùng khó. Từ năm 2011-2013, 16 xã, thị trấn tuyến biên giới Việt Nam-Lào được phân bổ bình quân 500 triệu đồng/xã/năm để xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cho vay vốn sản xuất; cấp, không thu tiền một số loại báo, tạp chí; trợ cấp xã hội…đã giúp cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân đi vào ổn định. Hiện nay, 100% người nghèo ở các địa phương được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, 11.893 lượt học sinh con hộ nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Có hơn 21.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, huyện Hướng Hóa đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn cho gần 15.000 lượt người thuộc đối tượng hộ nghèo về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 21.262 lượt người hộ nghèo, với trên 55 tấn giống lương thực các loại, trên 800.000 cây giống lâm nghiệp, 1.000 con giống gia súc, 1.100 máy bảo quản chế biến và nông cụ sản xuất... Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, góp phần xóa bỏ phương thức sản xuất tự túc, tự cấp, hướng đến sản xuất hàng hóa… Thực tế cho thấy các xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp tập trung chủ yếu dọc theo trục Quốc lộ 9. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện tập trung chủ yếu thuộc các xã vùng Lìa, vùng biên giới Tây Bắc, nơi phần lớn có đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Vì vậy, trong vòng 5-10 năm tới, huyện Hướng Hóa đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 5% cần có sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền và người dân trên toàn huyện. Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo không dễ khắc phục trong một thời gian ngắn như điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không thuận lợi, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp, thiếu vốn và tư liệu sản xuất, khả năng tự tạo việc làm, nghề nghiệp trên địa bàn khó khăn… Đặc biệt là ở một số xã có tỷ lệ hộ cận nghèo ở ngưỡng khá cao như các xã Hướng Lập 33,09%, A Túc 25,81%, Hướng Sơn 25,38%, A Dơi 22,95%, Húc 17,72%... Do đó, nếu không có các giải pháp đồng bộ trong điều hành, chỉ đạo, đầu tư phát triển sản xuất phù hợp thì nguy cơ tái nghèo rất dễ phát sinh. Từ thực tế trên, các cấp chính quyền huyện Hướng Hóa đã đề ra những chính sách đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hài hòa giữa các vùng trên địa bàn nhằm giảm thiểu sự cách biệt về hộ nghèo giữa các xã. Huy động tối đa mọi nguồn lực giúp các thôn, bản, khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao thực hiện các biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, chống tái nghèo; gắn công tác giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân… Đồng chí Đặng Minh Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, tự lực vươn lên, xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại và thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo. Đảm bảo đủ nguồn vốn để hộ nghèo có nhu cầu vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt…; lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chú trọng việc chuyển giao kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, lựa chọn và đưa vào trồng, sản xuất các loại cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, địa phương. Duy trì và mở rộng diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chuối và sắn. Hàng năm phấn đấu giải quyết việc làm mới từ 800 đến 1.000 lao động, gắn công tác XĐGN với việc đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương; đồng thời tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, góp đẩy nhanh công cuộc XĐGN”. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN