Xứ Kẻ Diên
(QT) - Nằm dọc theo con đường thiên lý Bắc- Nam và cạnh các con sông Ô Lâu, Vĩnh Định, mảnh đất Hải Lăng (Quảng Trị) từ lâu được biết đến là vùng quê địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh những danh sĩ, lương thần phò vua giúp nước, những con người tài hoa, mẫn tiệp làm rạng rỡ quê hương xứ sở. Tất cả luôn ẩn hiện trong trầm tích lịch sử văn hóa sâu dày xứ Kẻ Diên. Diên tức Diên Sanh ngày xưa nay đã trao lại tên mình cho thị trấn Diên Sanh, huyện hải Lăng ngày nay vẫn được gọi tên là miền gió cát. Nhưng dù vậy, đây là vùng quê với nhiều cảnh vật hữu tình và mến khách từ lâu mời gọi bao người gần xa đến tiểu trường sa Quảng Trị. Thị trấn xinh xắn này cùng với các làng quê lân cận còn mang tên xứ Kẻ Diên, còn nhiều dấu tích xưa kia chính là căn cước văn minh hay là những vân tay văn hóa.
 |
Nhà cổ làng Hội Kỳ ở Hải Lăng |
Ở phía cực nam tỉnh Quảng Trị, Diên Sanh hay nói rộng hơn là vùng đất Kẻ Diên-Hải Lăng bây giờ có một vị thế đặc biệt trong hành trình Nam tiến của cha ông. Kẻ Diên tiếp giáp với xứ Thừa Thiên, nơi có kinh thành Huế sau này, gắn liền với sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến nhà Nguyễn từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị trấn nhậm năm 1558. Đất Diên Sanh, tên cũ gọi là Kẻ Diên kéo dài từ xã Hải Thọ lên thị trấn Diên Sanh bây giờ cũng có vai trò hạt nhân quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Đình Diên Sanh, chợ cũ Diên Sanh là các công trình văn hóa vật thể còn ghi lại dấu tích trên mảnh đất được gọi là vùng lúa của Quảng Trị vốn là xứ quanh năm lam lũ theo cái ăn cái mặc từ buổi đầu lập nghiệp. Nhưng phải nói đặc sản văn hóa số một trong văn học dân gian xứ này là bài ca “Con gà Kẻ Diên”, một tác phẩm văn chương truyền miệng có mặt trong nhiều công trình danh giá của các nhà nghiên cứu. Nhà thơ Chế Lan Viên khi sang châu Âu dự hội thảo quốc tế các nhà văn trong những năm khói lửa trước 1975 đã chiêu tuyết bài ca “Con gà Kẻ Diên”. Ông cho rằng đó chính là phẩm giá tuyệt vời của người dân Quảng Trị, Việt Nam, chứa đựng một tinh thần lạc quan ngay trong những thử thách ngặt nghèo nhất. Ông còn ví “Con gà Kẻ Diên” như con phượng hoàng lửa phổ biến trong huyền thoại của nhiều nước phương Tây, dù chết, dù bị thiêu trụi vẫn tái sinh, phục sinh, vẫn bất diệt như niềm tin đất Việt, vẫn đâm chồi nảy lộc, tạo dựng màu xanh và mùa xuân từ chính tấm lòng mình, từ khát vọng nồng cháy, từ niềm tin sắt đá về khả năng cải hóa cuộc đời này. Xứ Kẻ Diên còn được xem là vựa lúa Quảng Trị với những cánh đồng phóng khoáng, với những sản vật nông nghiệp quen thuộc của văn minh lúa nước. Đi trên vùng quê Hải Lăng hôm nay bằng cách xuyên qua những cánh đồng làng được mệnh danh là “đồng Tháp Mười” Quảng Trị, nhất là vào mùa lũ sẽ thấy làng quê đẹp như một bức tranh yên bình Cảnh vật nơi đây từ cây đa, đồng ruộng, xóm làng cứ như thể đã trở thành những neo đậu để hồn người có nơi nương tựa. Hải Lăng có sông Ô Lâu. Đây là con sông đắp bồi phù sa cho những cánh đồng nuôi sống con người, tạo lập nên những xóm làng thân thương như máu thịt trong mỗi đời người. Đoạn sông này tên gọi Ô Giang, một nhánh sông Ô Lâu đầy ắp huyền thoại nên có nhà thơ gọi đó là dòng sông tình sử. Dòng sông này đã chảy qua không biết bao nhiêu năm tháng, chứng kiến rất nhiều cuộc đời chìm nổi và cả những mối tình đã đi vào câu ca nổi tiếng gắn liền với cây đa, bến cũ hay dân gian còn gọi là cây da, bến cộ. “ Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/Cây da bến cộ, còn đò khác đưa… ” kể lại chuyện tình của chàng nho sinh xứ Nghệ vào kinh ứng thí, tình cờ gặp cô lái đò. Họ thương nhau, hò hẹn rồi câu chuyện không thành để lại câu ca da diết, mênh mang trên dòng sông tình sử. Chuyện cũ đã đi vào huyền thoại, ca dao nhưng cảnh vật, tên đất, tên làng vẫn còn như một minh chứng cho những tấm lòng sắt son thề non hẹn biển. Địa danh cây da bên dòng Ô Lâu mãi là một địa chỉ tình yêu ở xứ Kẻ Diên làm xao xuyến bao thế hệ người Quảng Trị đã nặng lòng với quê hương bản quán. Sông nước Ô Lâu không chỉ thuần túy là dòng chảy tự nhiên ở phương diện địa lý mà còn là ngọn nguồn văn hóa bồi đắp phù sa cho xứ sở Hải Lăng. Chỉ riêng với văn nghệ truyền khẩu, mảnh đất này đã kết tinh nên nhiều viên ngọc quý như chúng ta đã biết. Có thể nói văn hóa dân gian Hải Lăng có một nội lực thâm hậu, sâu dày và minh triết, chứa đựng nhiều điều mà đời sau vẫn phải cần tìm tòi thấu đáo. Nói đến văn vật Hải Lăng không thể không nhắc đến hệ thống đình chùa miếu vũ ở đây. Các công trình này vừa nhiều, vừa tập trung với mật độ khá dày đặc ở làng quê Hải Lăng như chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước ở xã Hải Thọ. Chùa Diên Thọ có một lịch sử hàng mấy trăm năm, là một trong những di tích tiêu biểu cho tín ngưỡng Phật giáo ở vùng đất Kẻ Diên. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi trước ở đây cây cối um tùm, đường sá khó đi. Qua bao phen chiến tranh ly tán, chùa Diên Thọ đã được xây dựng lại và có được diện mạo như hôm nay. Chùa Diên Thọ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Cũng ngay ở chùa này ngoài giá trị của một ngôi cổ tự với cảnh quan khá đẹp mắt là các di tích gắn liền với người dân Kẻ Diên ngay trước tiền đình, đó là chiếc giếng làng ngày xưa và miếu thờ một vị tướng đã có công với dân, với nước. Chỉ quanh quẩn mấy bước chân mà chứa đựng nhiều tầng sâu văn vật. Lại về với Câu Nhi kẻ sĩ, một ngôi làng nổi danh của đất học Hải Lăng, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh thành và đào luyện nhiều nhân tài đất Việt. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân cũng nằm cạnh con sông Ô Lâu tình tứ. Trải bao vật đổi sao dời mà vẫn còn đây một doi đất duyên dáng được nhiều người mượn ví như mũi bút chấm mực vào dòng Ô Lâu mà hun đúc nên khí chất đất này, sinh ra nhiều người con học hành thành đạt, có nghĩa với làng, có công với nước. Những hình ảnh làng quê an bình quen thuộc bên cạnh bến sông khiến ai đó dẫu chỉ một lần đến đây cũng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Bình lặng và hiền hòa nhưng mảnh đất này đã kết tinh nên nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nuôi dưỡng nhiều con người đã trở thành nhân vật lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước. Bài, ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG