Phát huy giá trị Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay
QĐND - LTS: Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp... tham gia. Các tham luận gửi về hội thảo, các ý kiến phát biểu trực tiếp trong hội thảo đã nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đặc biệt, các ý kiến phát biểu trong hội thảo cũng đã làm rõ những bài học kinh nghiệm từ chiến dịch và hướng vận dụng các giá trị của chiến ...

Phát huy giá trị Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay

QĐND - LTS: Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp... tham gia. Các tham luận gửi về hội thảo, các ý kiến phát biểu trực tiếp trong hội thảo đã nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đặc biệt, các ý kiến phát biểu trong hội thảo cũng đã làm rõ những bài học kinh nghiệm từ chiến dịch và hướng vận dụng các giá trị của chiến thắng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Báo Quân đội nhân dân trích giới thiệu một số ý kiến tới bạn đọc.

Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4: Biểu hiện sinh động về sức mạnh chính trị, tinh thần

Khi ta mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968, các LLVT quân khu ở phía sau đã khẩn trương chuẩn bị tăng cường cho các hướng, vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh và Vĩnh Linh trở thành hậu phương trực tiếp, trong đó Quảng Bình và Vĩnh Linh trở thành hậu phương chiến dịch. Tất cả mọi hoạt động của quân khu đều nhằm thực hiện giải quyết hai vấn đề, đó là phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Đường 9 chống chiến tranh phá hoại, vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến dịch. Trong chiến dịch lịch sử này, các đơn vị Sư đoàn 324, Trung đoàn 270 bộ đội địa phương Vĩnh Linh, các Trung đoàn Pháo 164, 84 và một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương Quảng Trị với 2.600 dân công hỏa tuyến của tỉnh Hà Tĩnh được vinh dự tham gia. Quân khu 4 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, kết hợp với các đơn vị dân công của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An (tổng lực lượng làm công tác bảo đảm hậu cần lúc cao điểm lên tới hơn 7.600 cán bộ, chiến sĩ và dân công) đã tổ chức vận chuyển dự trữ được 22.253 tấn hàng, chiếm khoảng 71% tổng dự trữ, bảo đảm nhu cầu vật chất, vũ khí trang bị cho chiến dịch.

Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Khu ủy và Quân khu Trị Thiên, toàn dân, toàn quân trong quân khu với nỗ lực và cố gắng cao nhất, tiến công địch cả về quân sự, chính trị, binh vận... Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là sự khích lệ, động viên tư tưởng, hướng dẫn hành động đối với cán bộ, chiến sĩ các LLVT và nhân dân Trị-Thiên. Quân và dân Trị Thiên-Huế đã phát huy sức mạnh tổng hợp tiến công, nổi dậy rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ vào các mục tiêu trên địa bàn, trọng tâm là đánh vào các thành phố, thị xã, gây bất ngờ lớn cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn giành thắng lợi vang dội. Ngay trong ngày đầu tiên, quân và dân Trị Thiên-Huế đã đánh hơn 40 mục tiêu của địch trong và ngoài thành phố Huế, 34 huyện, thị trấn, chi khu, phá vỡ phần lớn bộ máy chính quyền Sài Gòn, giải phóng 227.000 dân, 40 xã và 296 thôn, làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm.

Các địa phương trên địa bàn Quân khu Trị Thiên và Khu 4 tổ chức các phong trào thi đua với những khẩu hiệu hành động tràn đầy tinh thần cách mạng tiến công, thực hiện hậu phương thi đua với tiền phương, tiền phương thi đua với hậu phương. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân Quân khu 4 đã được phát huy cao độ. Những hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân Trị-Thiên và quân dân Quân khu 4 là biểu hiện sinh động về sức mạnh chính trị-tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đồng chí Cao Văn Định, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình: Kịp thời chi viện nhân lực, vật lực cho chiến dịch

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch dồn sức phản kích quyết liệt. Trên chiến trường Trị-Thiên, bộ đội ta vừa thiếu ăn vừa thiếu vũ khí. Bộ tư lệnh Mặt trận B5 yêu cầu Quảng Bình chi viện vũ khí cho chiến trường. Nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường được tỉnh giao cho Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đảm nhiệm. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị-Thiên ruột thịt”, Hợp tác xã Ngư nghiệp được tin tưởng tổ chức lực lượng để thi hành nhiệm vụ. Đội vận chuyển đặc biệt được thành lập, quân số 72 người. Sau khi được phổ biến nhiệm vụ, làm công tác tổ chức và huấn luyện quân sự, đoàn vận tải được tổ chức 12 thuyền, mỗi thuyền 6 người, thuyền có trọng tải 2-3 tấn.

Đồng chí Cao Văn Định, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình

Song song việc tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến dịch, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, do yêu cầu của thực tiễn, Quảng Bình đã thành lập Ban B để thực hiện nhiệm vụ đón tiếp và giải quyết các chế độ cho cán bộ và đồng bào Trị Thiên-Huế. Ty y tế cùng với Ban B tổ chức triển khai bệnh viện hơn 100 giường điều dưỡng, điều trị tại Mai Thủy (Lệ Thủy), cơ sở chủ yếu dựa vào dân, cùng với 69 cán bộ phục vụ. Sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân dân Quảng Bình đã làm vơi đi băn khoăn, lo lắng của cán bộ và đồng bào Trị Thiên-Huế. Số cán bộ và đồng bào ra Quảng Bình ngày một đông. Bệnh viện điều dưỡng được chuyển ra xã Vạn Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình). Sau đó, bệnh viện điều dưỡng được nâng số giường lên (200-300 giường) và lấy tên là Bệnh viện B. Trong suốt những năm chiến tranh, Bệnh viện B hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện, tận tình giúp đỡ chăm sóc đồng bào, cán bộ Trị Thiên-Huế ra điều dưỡng.

Quảng Bình không chỉ thực hiện trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương vững chắc mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các chiến dịch. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã huy động mọi khả năng có thể để vận chuyển, tiếp tế lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng vào chiến trường. Cũng trong thời gian chiến dịch diễn ra, hàng vạn thanh niên, nam nữ nô nức tòng quân, xung phong vào chiến trường. Dù tham gia chiến đấu, đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, dù ở đâu, bất cứ ở vị trí nào, con em quê hương “Hai giỏi” đều vững vàng, dũng cảm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp công sức, xương máu xứng đáng vào chiến công của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968.

Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị: Phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với bộ đội chủ lực

Năm 1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng ủy, Bộ CHQS Vĩnh Linh đã chủ động lập kế hoạch phương án tác chiến, quyết tâm đưa lực lượng chiến đấu vào bờ Nam sông Bến Hải diệt địch. Tiểu đoàn 47 (Bộ CHQS Vĩnh Linh) là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ vào hoạt động liên tục trên các mặt trận Gio-Cam, Triệu-Hải trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, cùng với lực lượng dân quân, du kích Vĩnh Linh thực hiện phương thức hoạt động “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, vượt sông Bến Hải, phối hợp với lực lượng của trên và lực lượng tại chỗ tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ tiến công địch và cùng quân dân địa phương giữ đất, giành dân, đánh địch phản kích, giữ vững và mở rộng quyền làm chủ. Trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực liên tục tiến công, vây hãm Khe Sanh, chặn đánh quyết liệt lực lượng tiếp viện bằng đường bộ, đường không của địch.

Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị

Có thể thấy, trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968, LLVT tỉnh Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đánh địch trên cả 3 mặt trận và 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị), góp phần giải phóng các vùng sau lưng địch tạo ra thế chiến lược có lợi cho ta, tạo thời cơ, bàn đạp cho bộ đội chủ lực tác chiến tập trung tiêu diệt lớn quân địch, buộc địch phải rút khỏi Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa với hơn 1 vạn dân.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2: Ba kinh nghiệm của người cán bộ chỉ huy

Trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968, tôi được tham gia từ đầu đến khi kết thúc. Bước vào chiến dịch, tôi giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Vào khoảng thời gian giữa của chiến dịch, tôi được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 9. Qua quá trình tham gia chiến dịch, tôi xin nêu mấy kinh nghiệm sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ. Khe Sanh là mặt trận phối hợp với toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Yêu cầu đặt ra là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch chủ yếu là quân Mỹ; nghi binh kéo được nhiều lực lượng Mỹ, giam chân càng lâu càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác chiến đấu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2

Trên thực tế, Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã thực hiện được nhiệm vụ kéo và giam chân được hai sư đoàn mạnh nhất của Mỹ là sư đoàn thủy quân lục chiến và sư đoàn kỵ binh không vận. Thời gian giam chân hai sư đoàn Mỹ lên đến 7 tháng. Kết quả chiến dịch, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 11.000 quân địch (chủ yếu là quân Mỹ), giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa và một phần đất phía tây của tỉnh Quảng Trị.

Hai là, hiểu rõ, nắm chắc địch, vận dụng cách đánh phù hợp sáng tạo. Địch ở chiến trường Khe Sanh rất mạnh, có quân đông, hỏa lực, pháo binh, không quân rất mạnh; công sự trận địa kiên cố, vững chắc. Nếu ta dùng lực lượng đông tiến công vào cụm tập đoàn cứ điểm phòng thủ Tà Cơn sẽ bị hỏa lực pháo binh, không quân Mỹ gây sát thương; thương vong của ta sẽ lớn và ta sẽ thất bại.

Ở đây, chúng ta dùng chiến thuật vây lấn, tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài; dùng lực lượng thích hợp vây ép các lõi của tập đoàn cứ điểm, buộc địch phải đưa lực lượng cơ động đến giải tỏa; ta có điều kiện tiêu diệt quân địch ngoài công sự; có thể đây cũng là chiến thuật “vây điểm, diệt viện”.

Ba là, động viên cán bộ, chiến sĩ luôn có tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm. Trong chiến dịch, ta đã phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phát huy được sức mạnh của ba thứ quân, sức mạnh của toàn dân nên đã giành được thắng lợi. Bộ đội ta luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên quyết trụ bám trận địa, liên tục tiến công đánh bại nỗ lực giải tỏa Khe Sanh của hai sư đoàn cơ động quân Mỹ và lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn, buộc địch phải rút bỏ Khe Sanh.

Thiếu tướng, TS Đặng Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng: Vận dụng bài học về tác chiến chiến lược vào điều kiện hiện nay

Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh 1968 đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một chiến dịch thông thường. Kết quả của chiến dịch có ý nghĩa to lớn về nghệ thuật tổ chức điều hành tác chiến chiến lược của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Những giá trị lịch sử ấy đã khẳng định vai trò của hoạt động quân sự trong chiến tranh giải phóng dân tộc và cần tiếp tục nghiên cứu, khám phá, bổ sung những kinh nghiệm, vận dụng, phát triển vào hệ thống lý luận quân sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Vì vậy, ở phạm vi chiến lược trước khi đưa ra một quyết định cần có đánh giá tình hình một cách khách quan, toàn diện, biện chứng; một tầm nhìn sâu rộng, logic, khoa học để đưa ra những quyết định đúng, sáng suốt, kịp thời, mang tính toàn cục sâu sắc cho hiện tại và tương lai.

Thiếu tướng, TS Đặng Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Vấn đề kết hợp sức mạnh của lực lượng quân sự trong tổng thể sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến trung ương để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương. Kết hợp sức mạnh ưu thế của lực lượng tại chỗ trên các địa bàn xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố); sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ địa bàn trên các khu vực phòng thủ ngay từ thời bình cũng đang là vấn đề nóng bỏng, đặt ra cần được nghiên cứu thỏa đáng.

Những giá trị tổng thể, cụ thể của lịch sử, của Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968 mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược trên tất cả các lĩnh vực đã trở thành những bài học quý giá. Tuy nhiên, những kỳ tích đó vẫn đang tiềm ẩn trong những sự kiện lịch sử, các thế hệ chúng ta ngày nay cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng, phát triển khi hoạch định các chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là xây dựng, phát triển chiến lược quốc phòng toàn dân, một trong những chiến lược cốt lõi, nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới. Trong điều kiện thế giới ngày nay vừa có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức, tầm nhìn của những người hoạch định kế hoạch chiến lược ở phạm vi quốc phòng, an ninh cần có sự nghiên cứu tổng thể cả lịch sử, hiện tại, tương lai và sự vận động phát triển một cách khách quan, toàn diện để làm tham mưu đúng trong quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những điều kiện mới.

Báo QĐND