Người “thắp lửa rừng đêm”
(QT) - Nằm sát biên giới Việt – Lào, ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Hồ Thanh Bình, sinh năm 1935, luôn rộng cửa đón khách. Hễ địa bàn có động tĩnh gì lạ, người dân hai bản Ka Tăng và Đensavan lại tức tốc tìm đến ông để thông báo tình hình. Bên ấm nước chè đặc, họ cùng nhau phân tích sự việc, tìm hướng giải quyết với mong muốn chung sức giúp biên giới yên vui, bản làng no ấm Làm giàu để giúp người nghèo Ông Hồ Thanh Bình năm nay 77 tuổi. Tóc bạc, da mồi nhưng trông ông vẫn tráng kiện, tinh ...

Người "thắp lửa rừng đêm"

(QT) - Nằm sát biên giới Việt – Lào, ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Hồ Thanh Bình, sinh năm 1935, luôn rộng cửa đón khách. Hễ địa bàn có động tĩnh gì lạ, người dân hai bản Ka Tăng và Đensavan lại tức tốc tìm đến ông để thông báo tình hình. Bên ấm nước chè đặc, họ cùng nhau phân tích sự việc, tìm hướng giải quyết với mong muốn chung sức giúp biên giới yên vui, bản làng no ấm Làm giàu để giúp người nghèo Ông Hồ Thanh Bình năm nay 77 tuổi. Tóc bạc, da mồi nhưng trông ông vẫn tráng kiện, tinh nhanh đến lạ. Người dân bản Ka Tăng thường ví ông Bình như một “vị tộc trưởng”, cai quản vùng đất rộng thênh thang với rẫy chuối xanh ngút tầm mắt, vườn cây sai quả, hồ nuôi cá và ba ba được xây dựng quy cũ... Nhờ mô hình trang trại tổng hợp này, cuộc sống vợ chồng ông trở nên khá giả. Tưởng chừng trong no ấm, ông Bình sẽ sớm nghĩ đến việc an hưởng tuổi già nhưng người cựu chiến binh này vẫn miệt mài lao động sản xuất.

Ông Hồ Thanh Bình chăm sóc ao cá giống

Khác mọi người, ông Bình bắt tay khởi nghiệp khi tóc bạc đã lấn sợi xanh. Vốn là cán bộ hưu trí, ông quen với cuộc sống “cơm ba bữa, áo đủ ấm” và chỉ xem việc rẫy nương là thú vui thường nhật. Năm 1994, ông Bình chuyển nhà lên bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Bấy giờ, thấy cuộc sống người dân nơi đây quẩn quanh trong đói nghèo, ông không khỏi xót dạ. “Chẳng thể đứng nhìn bà con chạy gạo từng bữa thế này được, phải tìm cách giúp đỡ họ. Nhưng mình cũng chỉ mới đủ ăn, đủ mặc thôi, làm sao đây?”. Trăn trở mãi, cuối cùng ông động viên vợ con bắt tay xây dựng mô hình kinh tế. Từng kinh qua bom đạn chiến tranh nhưng ông Bình không khỏi “lạnh người” khi thấy mảnh đất mình chọn để “cắm dùi” chỉ rặt lau lách và vật liệu nổ còn sót lại. Không ngại ngần trước gian khó, ông làm việc quần quật. Nhiều hôm trời tối mịt, vợ chồng ông vẫn thắp đuốc để khai hoang. Có những phút yếu lòng, bà Hồ Thị Lan, vợ ông Bình nhỏ to khuyên: “Thôi ông à, già rồi, gắng làm gì. Không hi sinh vì bom đạn chiến tranh mà chết do bom đạn thời bình thì hối cũng chẳng kịp”. Nghe thế, ông gạt đi: “Nếu không lo tháo gỡ bom mìn, khai hoang đất đai thì đời mình, đời con cháu khó mà ngóc đầu lên được”. Thế rồi với sự cần mẫn đáng kinh ngạc, người cựu chiến binh già đã khai hoang cả quả đồi sau nhà lẫn vùng bình địa rộng lớn. Ông hóm hỉnh chia sẻ: “Mình thường đùa với vợ con rằng, Thần Chết chê cái mạng già này. Chỉ khai hoang riêng ngọn đồi kia, mình đã vấp đến 12 quả bom”. Có đất lành, ông Bình bắt đầu nghĩ đến việc chọn hướng phát triển kinh tế. Từng đi nhiều, biết rộng, ông quyết định trồng sắn, chuối và keo tai tượng ở ngọn đồi cao sau nhà. Vùng bình địa rộng lớn sẽ được tận dụng để trồng lúa, cây ăn quả, nuôi các loại gia súc, gia cầm và đào ao thả cá, ba ba. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật nên rất hiếm khi ông bị mất mùa. Cứ thế, qua từng năm, trang trại của gia đình ông ngày càng phát triển, trở thành niềm mơ ước của nhiều người. Không quên tâm nguyện buổi đầu khởi nghiệp, ông Bình luôn mở rộng tấm lòng để giúp đỡ mọi người. Với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, ông hỗ trợ bà con giống cây trồng vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn không lấy lãi... Đặc biệt, nghe tin hộ dân nào gặp hoạn nạn, ông cũng thân chinh đến tận nơi để liệu phương án hỗ trợ. Hình ảnh ông lão gần 80 tuổi, ngày ngày khoác trên mình chiếc áo sờn bạc đi khắp thôn để giúp đỡ người nghèo tự bao giờ đã in sâu trong tiềm thức dân bản Ka Tăng. Kết duyên Ka Tăng - Đensavan Sáng nào, ông Bình cũng om một ấm nước chè đặc và mở rộng cửa để đón chào các vị khách. Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của ông đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với dân bản Ka Tăng và Đensavan. Không chỉ thông báo những động tĩnh lạ trên địa bàn, bà con còn đến đây để sẻ chia buồn vui. Có lẽ vì thế mà cư dân hai triền biên giới thường ví ông Bình là “lưỡng quốc già làng”. Họ biết khi đến gặp ông, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ.

Tâm huyết của các vị già làng, trưởng bản đã góp phần làm nên những lễ kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới ấm tình hữu nghị - Ảnh: TL

Bản Ka Tăng và bản Đensavan (huyện Sêpôn, tỉnh Savannakhet, Lào) chỉ cách nhau vài quả đồi. Bà con nơi đây vốn có quan hệ thân tộc lâu đời. Từ khi phân chia biên giới, hai thực tế đáng trăn trở nảy sinh. Một số người mang quan niệm: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng. Người dân nước nào thì tự lo liệu chuyện nước ấy”. Thế nên, họ không còn tỏ ra thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ dân nước bạn như xưa. Trái lại, phần đông bà con vẫn ngày ngày uống chung nguồn nước, làm ăn trên cùng mảnh đất như thời chưa phân chia biên giới. Đó là điểm xuất phát làm nảy sinh nhiều vấn đề “đau đầu” như nạn xâm canh, xâm cư, không đăng kí kết hôn khác quốc tịch, khai thác lâm thổ sản trái phép... Một số thế lực thù địch còn lợi dụng mối quan hệ thân thiết để lôi kéo bà con làm những việc trái pháp luật. Trước tình hình ấy, ông Bình cùng những người già trong bản đã ngồi lại bàn cách tháo gỡ. Khi được cán bộ, chiến sĩ biên phòng giới thiệu về mô hình kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới, gương mặt các vị già làng như giãn ra. Ai cũng thở phào vì đã tìm ra phương cách hay để giải bài toán hữu nghị. Sau cuộc họp, họ cùng nhau uống rượu, ăn thề sẽ đồng lòng đẩy nhanh việc kết nghĩa bản – bản. Chỉ một lời hứa quyết tâm thì chẳng thể làm nên chuyện, nghĩ vậy, ông Bình cùng các bậc cao niên quyết định thắp đuốc lặn lội sang bản Đensavan để làm “nhà thương thuyết”. Hành trang họ mang theo là những câu chuyện về tình cảm gắn bó keo sơn Việt – Lào, câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt- Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và cả lời khẳng định của Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”... Bên bếp lửa nhà sàn, ông Bình và các vị cao niên bản Ka Tăng còn có dịp kể lại câu chuyện về cuộc chiến mình từng tham gia để góp phần giải phóng nước bạn Lào. Cứ thế, khoảng cách vô hình giữa hai dân tộc dần bị xóa bỏ. Ngày 28/4/2005, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, người dân bản Ka Tăng và Đensavan đặt bút ký vào biên bản kết nghĩa. Sau buổi lễ, bà con vui mừng tổ chức một lễ hội lớn với rượu cần, các món ăn truyền thống và những điệu múa, lời hát. Họ tự hứa với nhau sẽ chọn ngày 28/4 hàng năm là ngày “kết tóc ăn thề”... Nắm bàn tay chai sần của ông Bình, già bản Đensavan ân cần chia sẻ: “Cái bụng người dân bản Đensavan nói một là một, hai là hai. Bà con bản Ka Tăng đến với chúng tôi bằng tấm lòng nên dân bản Đensavan rất quý. Giờ dân hai bản đã là anh em một nhà, ta cùng chung sức để bảo vệ biên giới”. Sau buổi lễ kết nghĩa chất ngất niềm vui, một nỗi trăn trở khác xuất hiện trong tâm trí ông Bình: “Làm sao để tình cảm của người dân hai bản tiếp tục đơm hoa, kết trái?”. Là bậc cao niên, bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận bản Ka Tăng, ông Bình nghĩ mình cần đi đầu để làm gương cho bà con. Thế rồi, ông phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh, phối hợp ngăn chặn các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị của hai Đảng, hai Nhà nước... Tin tưởng người cựu chiến binh tâm huyết, người dân thường tìm đến ông để thông báo những sự việc xảy ra trên địa bàn. Mỗi lần như thế, ông Bình lại đến tận nơi để theo dõi, đứng ra dàn xếp hoặc ngay lập tức báo cáo với chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng đồn Cửa khẩu Lao Bảo... Chỉ trong vài năm, ông Bình và bà con hai bản Ka Tăng, Đensavan đã cung cấp hàng trăm nguồn tin giá trị cho lực lượng chức năng, qua đó góp phần phá nhiều chuyên án, bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật, buôn bán ma túy... Ông chia sẻ: “Tôi rất vui khi bà con hai bản Ka Tăng, Đensavan đều tình nguyện làm tai mắt cho lực lượng chức năng. Bản thân tôi thì mắt mờ, tai kém nhưng cũng sẽ cống hiến hết mình”. Xem dân bản Đensavan là “người một nhà”, thế nên ông Bình luôn tìm cách giúp đỡ các hộ khó khăn ở bản bạn. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần sang bản Đensavan chơi, ông đều gùi thêm giống sắn, chuối, keo tai tượng theo để tặng các hộ nghèo. Nhiều khi ông còn nhiệt tình ở lại để hướng dẫn bà con cách làm đất, trồng trọt. Không dừng lại ở đó, ông Bình còn vận động người dân bản Ka Tăng hỗ trợ giống sắn, chuối và các nhu yếu phẩm cần thiết cho dân bản Đensavan. Phong trào “chung sức nhau cùng phát triển” của hai bản nhờ thế ngày càng vững mạnh. Điều làm ông Bình và người dân bản Ka Tăng vui mừng nhất là đời sống của bà con bản Đensavan nay đã được cải thiện đáng kể. Thậm chí, diện tích đất trồng sắn, chuối của hai bản giờ đây ngang ngửa nhau. Ngày nay, đến bản Ka Tăng và Đensavan, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những rừng chuối, sắn trải dài, xanh ngút tầm mắt. Dân hai bản thường bảo đây là sắc màu của sự bình yên, no ấm, biểu hiện sinh động của tình hữu nghị Việt – Lào. Để làm nên sắc xanh ấy, ông Bình cùng rất nhiều trái tim yêu chuộng hòa bình khác đã “thắp lửa rừng đêm”, cống hiến tâm sức một cách vô điều kiện vì sự bình yên biên giới. Bài, ảnh: QUANG HIỆP