(TTO) - Chỉ tính riêng trong tháng năm, có đến mười bộ phim truyền hình (tổng cộng khoảng 550 tập) và một phim nhựa đang quay tại TP.HCM. Thiếu phim trường, nhiều dãy phố, ngôi nhà được “hô biến” thành phim trường cho các đoàn phim...
Ngôi nhà hiện đại sang trọng trong bộ phim Chuyện nhà tôi là một góc của phim trường Hãng phim Chánh Phương - Ảnh: H.Lê |
Long đong thuê, mượn
Số lượng khu dân cư mới mọc lên như nấm và được các nhà làm phim cập nhật liên tục nhưng thi thoảng vẫn có sự trùng lắp bối cảnh trong các bộ phim khác nhau, bởi đạo diễn hay chủ nhiệm phim không tài nào biết hết nơi nào đã “qua tay” đoàn phim nào. Vì vậy, việc sử dụng những phim trường kiểu này tưởng chừng tiện lợi, dễ dàng nhưng thực chất lại hóa phiền phức, nhiêu khê.
Giá thuê “phim trường sẵn có” rất vô chừng, tùy thuộc vào từng căn nhà và cả mối quan hệ giữa đoàn làm phim với chủ nhà. Nếu gặp chủ nhà yêu nghệ thuật, mến tài đạo diễn hay diễn viên thì chỉ lấy “giá tượng trưng”. Và dù quen biết hay không quen biết với chủ nhà thì hầu hết các đoàn hiện nay đều chọn giải pháp thuê (giá rẻ càng tốt) thay vì mượn để tránh... rắc rối về sau.
Hơn nữa, chuyện vay mượn cũng dễ gây nên “thảm cảnh”. Có gia chủ cho đoàn phim mượn nhà quay được vài hôm thì phát hiện mình “dại”. Ông còn phát hiện thêm rằng đoàn làm phim này có nhà tài trợ, nên càng kiên quyết cho thuê chứ không cho mượn nữa. Đoàn phim vì giữa chừng không thể đề xuất thêm kinh phí phát sinh nên đành... dọn sang một căn nhà khác mặc cho sai rắc-co (sự đồng nhất về bối cảnh giữa cảnh trước và cảnh sau).
Lại có chuyện một vị đạo diễn vì không biết mặt chủ nhà nên đã quát đuổi khi thấy ông này “vô cớ” đi ngang qua khung hình. Dĩ nhiên vị chủ nhà dù tốt bụng đến mấy cũng phải “nói lời chia tay” với đoàn phim.
Phim trường bị trùng lắp nhiều quá nên không phải dễ dàng để kiếm được một ngôi nhà coi được mà chưa qua sử dụng. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: “Để tìm ra ngôi nhà làm bối cảnh chính cho phim Ngôi nhà hạnh phúc, tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè làm kiến trúc sư và mất mấy tháng trời mới tìm ra được “căn nhà trong mơ” này. Sau đó là đến tiết mục năn nỉ để chủ nhà đồng ý”.
Chị Thanh Hà, nhà ở khu Tân Quy Đông (Q.7), cho biết từ trước tết đến nay khu nhà của chị bỗng trở thành “điểm hẹn” của không biết bao nhiêu đoàn làm phim, ước chừng trong ba tháng có khoảng 20 đoàn làm phim quần thảo nơi đây. Ban đầu, chị và mọi người thấy vui vui, tự hào vì khu nhà mình ở văn minh, sạch đẹp nên mới được chọn làm bối cảnh quay phim. Nhưng dần dà ai cũng ngán ngẩm vì cứ bị chặn đường khiến việc ra vào khu nhà ở gặp nhiều khó khăn.
Các đoàn lại quay bất kể ngày đêm, sáng tối: “Có lần ông xã tôi vừa mở cửa dắt xe ra đi làm thì nghe tiếng quát “vô vô vô”! Lần đó chúng tôi rất bực, không nhịn được nữa. Dù thế nào thì các đoàn làm phim cũng cần phải tôn trọng quy tắc công cộng!”.
Ngôi nhà ở khu Phú Mỹ Hưng được thuê làm bối cảnh chính trong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc. Công viên ngay trước nhà cũng được tận dụng để quay phim - Ảnh: H.Lê |
Các đạo diễn đều đồng tình rằng với những phân cảnh có các bối cảnh đặc biệt, mang biểu tượng của TP như chợ Bến Thành, Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà... thì họ mới thật sự muốn dùng đến những phim trường đời thường, còn lại thì chẳng ai muốn sử dụng phim trường có sẵn như vậy.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khẳng định: “Chỉ với phim trường chuyên nghiệp, đạo diễn mới thực hiện được hết các ý đồ của mình”. Và anh đưa ra ví dụ bối cảnh nhà cô Trúc trong bộ phim Bỗng dưng muốn khóc được dựng trong phim trường. Hãng phim đã đầu tư khoảng 125 triệu, sau đó chỉ một chiếc xe ủi là tất cả trở thành cát bụi. Nghe có vẻ quá phí phạm nhưng thật ra là... quá hời vì đoàn phim không tốn tiền thuê nhà, giảm chi phí vì tận dụng tối đa thời gian quay và đặc biệt là có được những cảnh quay cực kỳ ấn tượng.
Vậy nên xu hướng xây dựng phim trường cho riêng mình của các hãng phim là tất yếu. Thế nhưng, cho đến nay ở TP.HCM chỉ có khoảng bốn phim trường là tạm coi được và đang hoạt động hết công suất. Phim trường của Hãng BHD (Q.9) đang quay phim Thiên thần áo trắng . Phim trường Gia Đình Việt (Q.9) quay Gia đình ảo thuật . Phim trường của Hãng Chánh Phương (Q.12) quay phim Chuyện nhà tôi ...
Tuy nhiên đây cũng chỉ là những phim trường bán chuyên nghiệp. Như phim trường của Hãng Chánh Phương thì không có cách âm. Vì vậy mỗi lần có máy bay bay ngang qua là đoàn phim phải ngừng quay vì quá ồn. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn cũng là một vấn đề của phim trường này.
Trong một phân cảnh của Chuyện nhà tôi , diễn viên đang nhập vai thì mưa kéo đến. Chẳng biết phải chờ mưa tạnh đến bao giờ nên đạo diễn đề nghị các diễn viên tiếp tục thực hiện các cảnh quay, chỉ bổ sung thoại cho bà mẹ trong phim: “Sao tự nhiên trời mưa gió quá vậy nè!” để câu chuyện được tự nhiên...
Trong số những phim trường đã và đang hình thành, phim trường của Đài truyền hình TP.HCM được coi là quy mô nhất với diện tích lên đến 50ha tại Củ Chi. Nhưng thời gian qua phim trường này mới chỉ dừng lại ở việc khai thác vài dự án nho nhỏ nằm trong phạm vi sản xuất phim của TFS. Hầu hết những cảnh quay có đề tài về chiến tranh, những cảnh cháy nổ trong các phim như Vó ngựa trời Nam, Trái tim son trẻ hay Lục Vân Tiên ... được quay ở đây. Hiện nay HTV đang tìm đối tác để xây dựng hoàn thiện phim trường này. Giấc mơ về phim trường thật sự dường như vẫn còn xa vời...
Những “phim trường” đắt sô Những “phim trường có sẵn” thường xuyên được chọn hiện nay có thể kể đến những khu vực như Phú Mỹ Hưng (Q.7), Tân Quy Đông (Q.7), Trường Sơn (Bình Chánh), Tên Lửa (Bình Tân), Phan Xích Long (Phú Nhuận), khu biệt thự Q.2, Q.9, Củ Chi... Các đạo diễn thống nhất rằng khu Phú Mỹ Hưng đang là một trong những phim trường đắt sô nhất trong thời gian qua. Thậm chí trong bộ phim nhựa Chuyện tình xa xứ , vì hoàn cảnh khách quan nên có cảnh đạo diễn đã biến khu Phú Mỹ Hưng thành... đường phố Mỹ. Theo thông tin từ Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng, trong năm tháng đầu năm nay có khoảng 15 đoàn phim và năm đoàn chụp hình quảng cáo đã đến Phú Mỹ Hưng để quay phim chụp hình. Chị Lê Ngọc Hường - chủ nhiệm ban đối ngoại của công ty - cho biết: “Thủ tục để được quay ở Phú Mỹ Hưng khá đơn giản và chúng tôi không thu phí với bất cứ đoàn phim nào. Tuy nhiên, trong công văn gửi đến các đoàn phim luôn có nội quy buộc đoàn phim không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan, vệ sinh môi trường và sinh hoạt cư dân nơi đây”. |
H.LÊ - Q.NGUYỄN