Kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức
(QT) - Những ngày qua, dư luận bàn tán xôn xao về chuyện ông Trần Văn Truyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Quốc hội hai khóa X, XII. Ông làm công tác đảng rồi chuyển sang lãnh đạo cơ quan thanh tra, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhưng lại có nhiều nhà, đất từ Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội, trong đó nhiều ngôi nhà có giá trị rất lớn. Tài sản của ông Truyền bao gồm: Biệt thự xây dựng ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre do con trai ...

Kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức

(QT) - Những ngày qua, dư luận bàn tán xôn xao về chuyện ông Trần Văn Truyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Quốc hội hai khóa X, XII. Ông làm công tác đảng rồi chuyển sang lãnh đạo cơ quan thanh tra, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhưng lại có nhiều nhà, đất từ Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội, trong đó nhiều ngôi nhà có giá trị rất lớn. Tài sản của ông Truyền bao gồm: Biệt thự xây dựng ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre do con trai ông mua gom đất của 4 hộ dân với diện tích 16.567 m 2 , nghĩa là những người dân phải ra đi để cho những người có chức quyền được ở trên mảnh đất quá rộng. Về tiền xây dựng tòa biệt thự này, ông Truyền có báo cáo giải trình: 7 tỉ đồng là tiền vợ chồng ông dành dụm và 4 tỉ đồng mượn của người khác. Tòa nhà lộng lẫy này rất tương phản với cuộc sống của người dân cần lao khu vực xung quanh. Rõ ràng là nếu không có chức quyền, địa vị thì làm sao ông có được đất ở Bến Tre với diện tích thực tế 351 m 2 , ở phường Phú Khương, thành phố Bến Tre. Một căn nhà khác ở phường 1, Bến Tre ông được thuê với diện tích nhà chính, nhà phụ và khuôn viên đất hơn 200 m 2 . Năm 2003, khi chuyển ra công tác ở Hà Nội, ông có đơn xin mua căn nhà này và được UBND tỉnh Bến Tre giải quyết. Cũng trong năm 2003, ông lại có đơn đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh giải quyết cho thuê căn nhà ở phường 15, quận Phú Nhuận, để rồi sau đó đến năm 2011 ông làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và được các ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đồng ý bán cho ông ngôi nhà này nhưng lại để con gái ông đứng tên. Rồi ông được ở nhà công vụ ở Hà Nội có diện tích 95 m 2 . Mãi tới năm 2014, trước dư luận về nhà công vụ, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương nắm tình hình thì ông mới trả lại. Dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Truyền lại có tài sản lớn như vậy? Ông đã kê khai hết tài sản này cho cơ quan Đảng, Nhà nước biết chưa? Qua kiểm tra cho thấy ông thiếu trung thực, không kê khai đầy đủ tình hình về nhà, đất, là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc UBND thành phố Hồ Chí Minh bán nhà không đúng đối tượng và chính sách của nhà nước - như đánh giá, nhận định của UBKT Trung ương. Cùng với khối tài sản nhà, đất được phanh phui, thu hồi, trước đó ông Truyền còn có động thái bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ, cục trước khi nghỉ hưu làm cho cán bộ trong ngành và dư luận xã hội bất bình… Không chỉ ông Truyền, đi qua nhiều địa phương, chúng ta dễ thấy nhiều ngôi nhà, biệt thự hoành tráng, hỏi là nhà của ai thì nhận được câu trả lời là của cán bộ, công chức. Dĩ nhiên, những căn biệt thự đó không phải được xây từ tiền lương “thiếu trước hụt sau”. Một số cán bộ giàu lên nhanh chóng ai cũng biết nhưng hầu như họ không được kiểm tra, giám sát về số tài sản “ngoài luồng” này nên cứ thế mà xây dựng, phô trương, không cần phải che giấu. Chỉ khi ngành chức năng có việc cần phải điều tra mới được làm rõ, như trường hợp của ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Vinalines tham ô tài sản, mua cho bồ nhí 2 căn hộ cao cấp ở Hà Nội, giá mỗi căn từ 3-5 tỉ đồng; rồi Dương Tự Trọng, đại tá, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng cũng mua cho bồ nhí một căn nhà nguy nga, bề thế tại Hà Nội…Nhà cửa, biệt thự của các vị này không phải là cơ quan, tổ chức đảng cùng đơn vị không biết, nhưng người ta không dám đấu tranh! Mà đây mới chỉ là những cán bộ “bị lộ”, còn rất nhiều người khác có tài sản lớn hơn nhưng chưa bị đụng tới hoặc họ biết che giấu kín đáo. Qua vụ việc của ông Trần Văn Truyền cũng cho thấy những sai phạm là nghiêm trọng nhưng chỉ khi dư luận “nóng lên” ngành chức năng mới vào cuộc, điều đó cho thấy các ngành chức năng thiếu chủ động trong đấu tranh chống tiêu cực. Vụ việc cũng bộc lộ nhiều sơ hở trong công tác quản lý, giới thiệu, đề bạt cán bộ, ngay cả cán bộ cấp cao việc đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cũng không được thực hiện nghiêm túc khiến cho họ có điều kiện để làm những việc trái với “Ý Đảng, lòng dân”. Để đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thì vấn đề minh bạch, công khai về tài sản rất quan trọng. Hiện nay ở nước ta, rất ít cơ quan nhà nước quản lý được tài sản của cán bộ, công chức. Cán bộ có bao nhiêu nhà, đất, tài sản nổi, chìm, đã kê khai chưa, kê khai như thế nào, hầu như vẫn còn bỏ ngõ. Nhiều nước trên thế giới đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả là nhờ họ có công cụ, biện pháp để minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ. Tài sản nào phát sinh mà không lý giải được thì tịch thu. Trong lúc đó ở nước ta hồ sơ, tài liệu về kê khai tài sản, thu nhập, theo quy định vẫn chỉ được sử dụng mang tính nội bộ. Người dân gặp rất nhiều khó khăn khi thực thi quyền giám sát. Theo Điều 12, Nghị định 37/2007/CP “Về minh bạch tài sản, thu nhập” thì ai muốn khai thác, sử dụng bản kê tài sản, thu nhập của công chức thì “phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu, trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ, mục đích sử dụng”. Điều 14 của Nghị định 37/CP quy định thêm: “Người nào làm sai lệch, mất mát, hư hỏng hoặc làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do khó tiếp cận như thế nên người dân không thể biết được người mình định tố cáo tham nhũng, kê khai tài sản có gian dối hay không? Thời gian gần đây, chúng ta cũng đã thực hiện việc kê khai tài sản với các đối tượng từ chức vụ trưởng, phó phòng trở lên và cán bộ làm ở các ngành nhạy cảm. Song việc làm này còn hình thức, chưa gắn kê khai với công khai tài sản một cách minh bạch, hiệu quả, mới chỉ công khai ở mức độ hẹp, trong phạm vi của cơ quan, đơn vị và nhiều trường hợp khác cán bộ chỉ viết vào tờ giấy kê khai, chứ ngay tại cơ quan công tác cũng chưa được công khai cho mọi người biết. Vừa qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước về kê khai tài sản, ở Quảng Trị có 6.928 đối tượng phải kê khai, nhưng mới có hơn 6.600 người đã thực hiện kê khai. Song cũng như tình hình chung của cả nước, chúng ta chưa gắn việc kê khai với công khai tài sản một cách minh bạch, dễ nhận diện nhất nên việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của cán bộ, đảng viên kê khai không trung thực, không kê khai hết tài sản, hoặc chuyển tài sản sở hữu từ người này sang người khác. Cần phải công khai tài sản của các đối tượng phải kê khai bằng một hình thức thích hợp để các ngành chức năng như thanh tra, kiểm tra; các đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQVN, các đoàn thể, người dân, cơ quan báo chí biết để giám sát. Bởi chỉ có việc giám sát chặt chẽ mới góp phần đấu tranh chống tiêu cực có hiệu quả. HOÀNG NAM BẰNG