Phát huy truyền thống vẻ vang quyết tâm xây dựng Hội Nông dân Quảng Trị vững mạnh
* LÊ PHÚC THIỆN, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị   Cách đây 80 năm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Đây là tổ chức hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) ngày nay. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam.  Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, Hội đã nhiều lần đổi tên để phù hợp với ...

Phát huy truyền thống vẻ vang quyết tâm xây dựng Hội Nông dân Quảng Trị vững mạnh

* LÊ PHÚC THIỆN, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị

Cách đây 80 năm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Đây là tổ chức hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) ngày nay. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, Hội đã nhiều lần đổi tên để phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ; từ Tổng Nông hội Đông Dương đến Hội NDVN ngày nay đã lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền giai đoạn 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân đã cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, chớp thời cơ đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám (1945) là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân đối với sự nghiệp vĩ đại của dân tộc; đồng thời là một thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó sống còn giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, nông dân cả nước đã hăng hái tham gia “phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công” do Đảng và Chính phủ phát động, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, huy động mọi nguồn lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần đó, hàng vạn nông dân đã tham gia quân đội, thanh niên xung phong và phục vụ chiến đấu. Nông dân trong các vùng địch tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lên án hành động bắn phá, phá hoại hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất giấu lương thực phục vụ kháng chiến… Giai cấp nông dân đã đóng góp to lớn sức người, sức của cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân viết nên trang sử chói ngời bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Hội NDVN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai, dịch bệnh và chịu tác động của tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng mở rộng dịch vụ và ngành nghề. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đổi mới. Xoá đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường.

Được mùa lúa ở Hải Lăng. Ảnh: HỒ CẦU

Dân chủ ở cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vai trò vị trí của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức hội; tư vấn, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào do Hội Nông dân phát động, tổ chức đạt hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nông dân đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả bước đầu thiết thực. Ở tỉnh Quảng Trị, ngày 21/4/1930, BCH lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị ra đời. Nông dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh uỷ Quảng Trị đã có sự trưởng thành, từ Hội Nông dân cứu quốc phát triển thành Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị ngày nay, đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia tổ chức hội và đóng góp một phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Trị, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, vận động hội viên nông dân (HVND) tích cực thi đua, đẩy mạnh các phong trào nông dân, thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh mà trọng tâm là xây dựng hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát động các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 140 cơ sở hội, 1.169 chi hội, số hội viên đã được nâng lên 79.087 người, chiếm 78,3% so với số hộ nông nghiệp, 100% xã, phường, thị trấn và thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư có nông dân đều có tổ chức hội. Các phong trào của Hội Nông dân từng bước đi vào cuộc sống, được đông đảo HVND nhiệt tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hành động liên ngành với gần 17 ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất, đến nay có gần 20 nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp. Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng hàng năm dạy nghề ngắn hạn cho trên 3.600 lượt HVND, tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 65.000 lượt HVND. Phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để tư vấn cho các hộ nông dân SXKD giỏi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, với dư nợ 197,772 tỷ đồng, gồm 10.407 hộ vay. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay số dư đạt hơn 385 tỷ đồng cho 27.299 hộ. Vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được trên 4,142 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả, giúp trên 11.100 lượt hộ nông dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất... Về phong trào nông dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, các cấp hội cùng với UBMT và các đoàn thể tuyên truyền vận động HVND tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở nông thôn, xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 641 làng, bản, khu phố được công nhận đơn vị văn hóa, có 70.366 gia đình nông dân được công nhận gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Nhằm đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh, hàng năm, các cấp hội có chương trình phối hợp với cơ quan quân sự, công an, bộ đội biên phòng vận động HVND tham gia xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, vận động con em nông dân làm tốt nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đến nay có 1.059 chi hội và hàng chục ngàn hộ gia đình ký cam kết không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, xây dựng trên 50 câu lạc bộ bảo vệ tài sản ngoài trời, câu lạc bộ phòng chống tội phạm và ma túy. Có trên 1.000 cán bộ hội cơ sở tham gia công an viên, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải các thôn, ấp, bản làng, khu phố. Những kết quả trên phản ánh rõ vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân trong các phong trào nông dân, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho HVND, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Khối đại đoàn kết toàn dân được gắn bó chặt chẽ hơn, vị thế vai trò của tổ chức hội trong hệ thống chính trị ở nông thôn không ngừng được nâng cao. Các cấp hội tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và 6 huyện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Trung ương Hội NDVN, UBND tỉnh trao tặng 3 cờ thi đua xuất sắc và 517 tập thể, 1.010 cá nhân được Trung ương Hội NDVN, UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tặng bằng khen, giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có được những thành quả trên đây, chúng ta trân trọng biết ơn sự lãnh đạo của Trung ương Hội NDVN, BTV Tỉnh ủy và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự quan tâm tạo điều kiện của các ngành, đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, HVND trong toàn tỉnh đã đóng góp cho sự vững mạnh và trưởng thành của Hội trong những năm qua. Phát huy truyền thống 80 xây dựng, trưởng thành và phát triển Hội NDVN, trong thời gian tới các cấp hội quyết tâm thực hiện tốt những nội dung chủ yếu nhằm xây dựng Hội Nông dân Quảng Trị vững mạnh. Tích cực đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động HVND thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng mà trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu; chú trọng công tác xây dựng, củng cố chi, tổ hội yếu kém, phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của HVND, những bức xúc của cơ sở để phản ánh với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên. Thường xuyên hướng các hoạt động của Hội về cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, bảo đảm thực sự quyền làm chủ của nông dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân. Tích cực vận động HVND thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, dạy nghề cho lao động nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu, chương trình và kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Với truyền thống yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng, cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất, xây dựng quê hương, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị sẽ không ngừng lớn mạnh, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, tham gia xây dựng đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.