Cậu học trò nghèo bán xôi và cổng trường Đại học
(QT) - Tôi biết Tuấn cách đây 5 năm lúc về thẩm tra trường hợp Nga (chị gái Tuấn) được nhận học bổng ''Tiếp sức đến trường''. Rồi sau đó, ngày 2 buổi đưa đón con đến trường tôi lại thấy Tuấn thẹn thùng đứng bên bàn bán xôi ở cổng phụ Trường Tiểu học Hùng Vương- Đông Hà (Quảng Trị), tay vụng về đưa từng gói xôi cho trẻ nhỏ.  Từ đó, hình ảnh cậu học trò nghèo Nguyễn Hoàng Đức Tuấn hiện ở khu phố 8, phường I, Đông Hà cứ đeo bám lấy tôi dẫu đã không xa lạ gì về hoàn cảnh gia đình Tuấn. Tôi cứ thầm ...

Cậu học trò nghèo bán xôi và cổng trường Đại học

(QT) - Tôi biết Tuấn cách đây 5 năm lúc về thẩm tra trường hợp Nga (chị gái Tuấn) được nhận học bổng ""Tiếp sức đến trường"". Rồi sau đó, ngày 2 buổi đưa đón con đến trường tôi lại thấy Tuấn thẹn thùng đứng bên bàn bán xôi ở cổng phụ Trường Tiểu học Hùng Vương- Đông Hà (Quảng Trị), tay vụng về đưa từng gói xôi cho trẻ nhỏ. Từ đó, hình ảnh cậu học trò nghèo Nguyễn Hoàng Đức Tuấn hiện ở khu phố 8, phường I, Đông Hà cứ đeo bám lấy tôi dẫu đã không xa lạ gì về hoàn cảnh gia đình Tuấn. Tôi cứ thầm mong một ngày nào có dịp sẽ viết về cậu học trò nghèo trường PTTH Đông Hà này. Rồi dịp ấy đã trở thành hiện thực khi nghe tin Tuấn thi đỗ vào khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Huế. Tôi tìm đến nhà gặp lúc Tuấn đang vo gạo nấu cơm chiều trong gian nhà bếp chật chội và ẩm thấp. Thì ra suốt mấy tháng nay mẹ Tuấn bị bệnh phải vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Một mình Tuấn và người chị gái phải thay nhau làm lụng vừa kiếm tiền nuôi sống bản thân vừa trang trải thuốc men cho mẹ. Ngôi nhà Tuấn vẫn không thay đổi so với mấy năm về trước. Đó là gian nhà cấp 4 chật chội được cất trên phần đất mà mẹ con Tuấn xin ở nhờ bà ngoại. Tuấn là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 người con. Bố Tuấn không may bị bệnh hiểm nghèo mất lúc Tuấn mới lên 3 tuổi, kể từ đó mẹ con Tuấn phải rời bỏ quê bố ở Triệu Phước (Triệu Phong) dắt díu nhau lên Đông Hà sống nương nhờ vào bà ngoại. Mẹ Tuấn làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chị em Tuấn đã biết vượt lên hoàn cảnh, không chịu đầu hàng số phận. Người chị cả phải chịu thiệt thòi nhất khi không thể theo đuổi sự học vì phải cùng mẹ lo đàn em, còn lại 4 chị em đều chăm chỉ học tập. Nga sau khi tốt nghiệp Đại học Luật ra trường đã vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhung đang học năm 2 Cao đẳng Kế toán và Tuấn lại tiếp nối các chị bước vào cổng trường Đại học. Không có niềm hạnh phúc nào hơn đối mẹ con Tuấn lúc này. Vóc người nhỏ nhắn, ít nói và hay thẹn thùng nhưng bù lại Tuấn không ngại ngùng bất cứ làm việc gì có ích để giúp mẹ đó là nhận xét từ hàng xóm và bè bạn khi nói về Tuấn. Hình ảnh người con trai đứng bên bàn xôi mỗi sáng để kiếm hơn 20 ngàn đồng đã khiến tôi cảm phục về sự chịu khó và tính cần cù. Bà ngoại Tuấn đã khóc khi nghe tôi nhắc đến chuyện đứng bán xôi ở cổng trường của Tuấn. Và cảm động hơn khi tôi nhìn thấy Tuấn nhẹ nhàng dìu bà ngoại nay đã gần 80 tuổi đi lại. Có lẽ với chị em Tuấn, bà ngoại là chỗ nương dựa vững bền nhất suốt mấy chục năm nay. Nhưng rồi đây khi Tuấn phải xa bà, xa mẹ mãi mê theo sự học, biết còn ai dìu dắt bà ngoại mỗi ngày... Tôi nhớ nhà cơ học thiên tài Acsimet đã từng nói: ""Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên"". Nhưng với Tuấn điểm tựa lớn nhất chính là bà ngoại, là cổng phụ trường tiểu học Hùng Vương mỗi sáng...Đó chính là nguồn nhiệt năng thổi bùng khát vọng vươn lên, giúp Tuấn vượt qua khó khăn để giành lấy thành công. Hồ Nguyên Kha