Nơi bác sĩ chăm lo cho người đã khuất
(QT) - Khoa Giải phẫu bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học để chẩn đoán, tầm soát các khối u, tế bào ung thư mà còn là nơi tiếp nhận, bảo quản, bàn giao hoặc mai táng các tử thi bệnh nhân theo phong tục tại nghĩa địa của bệnh viện…

Nơi bác sĩ chăm lo cho người đã khuất

(QT) - Khoa Giải phẫu bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học để chẩn đoán, tầm soát các khối u, tế bào ung thư mà còn là nơi tiếp nhận, bảo quản, bàn giao hoặc mai táng các tử thi bệnh nhân theo phong tục tại nghĩa địa của bệnh viện…

Các bác sĩ Khoa Giải phẫu bệnh xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: TT

Trả kết quả xét nghiệm mô trong vòng 30 phút

Trong gian phòng khám thuộc Khoa Giải phẫu bệnh, bác sĩ Nguyễn Phương cùng các đồng nghiệp tất bật khám bệnh, lấy mẫu mô bệnh học để xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất có thể cho các bệnh nhân. Tranh thủ lúc ngơi tay, bác sĩ Nguyễn Phương, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh cho hay: “Khoa Giải phẫu bệnh hiện có 5 người; trong đó có 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên và 1 nhân viên nhà đại thể. Công việc chuyên môn của khoa là xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả xét nghiệm tế bào học và mô bệnh học là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán, tầm soát ung thư. Ngoài ra, khoa còn có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và bàn giao các tử thi bệnh nhân cho thân nhân, gia đình họ”.

Hiện nay nhu cầu về xét nghiệm mô, xét nghiệm tế bào ngày càng cao. Khối lượng công việc nhiều trong khi cán bộ, nhân viên của khoa ít người nên hầu như ngày nào, các bác sĩ, nhân viên của khoa cũng phải căng mình làm việc liên tục. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 15 ca xét nghiệm tế bào và khoảng 20 ca xét nghiệm mô sau phẫu thuật. Các bác sĩ, nhân viên trong khoa luôn cố gắng để bệnh nhân có kết quả sớm nhất có thể. “Đối với xét nghiệm tế bào, khoa sẽ trả kết quả trong vòng 1 giờ đồng hồ. Còn đối với xét nghiệm mô, trước đây trong vòng 4 ngày mới có kết quả, nhưng từ giữa tháng 2/2020, bệnh viện nhập về một máy sinh thiết lạnh nên việc trả kết quả mô bệnh học tiến tới chỉ mất chưa đầy 30 phút. Từ đó, các bác sĩ có cơ sở chính xác để triển khai phương pháp phẫu thuật tiếp theo cho bệnh nhân. Đây là một trong những nỗ lực của bệnh viện để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn”, bác sĩ Phương nói.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị L. (54 tuổi), ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đang tái khám tại Khoa Giải phẫu bệnh. Trước đây, chị L. được xét nghiệm tế bào và mô bệnh học chẩn đoán ung thư vú. Cách đây gần 5 năm, chị được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật, điều trị hóa trị bổ trợ. Nay sức khỏe của chị đã ổn định và thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tái khám và theo dõi định kỳ. “Nhiều năm về trước, chúng tôi hay lo lắng mỗi khi đến bệnh viện tỉnh để khám chữa bệnh. Nếu bệnh nặng thì thường xin chuyển viện đi tuyến trên. Nhưng những năm gần đây, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện chăm sóc bệnh nhân chúng tôi rất tận tình. Các máy móc, thiết bị y tế cũng hiện đại. Tôi cứ nghĩ bệnh của mình sẽ khó mà chữa khỏi được. Nhưng nhờ có các y bác sĩ Khoa Giải phẫu bệnh nói riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung mà nay, sức khỏe của tôi đã ổn định hơn. Từ đó, chúng tôi tin tưởng hơn vào bệnh viện của tỉnh mình. Nay mỗi tháng, tôi đến đây để tái khám và theo dõi định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân”, chị L. tâm sự.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”

Ngoài công việc chuyên môn, Khoa Giải phẫu bệnh còn tiếp nhận và bảo quản tử thi các bệnh nhân. Sau khi tiếp nhận, các tử thi sẽ được đặt tại nhà đại thể của bệnh viện do một nhân viên phụ trách. Tùy theo từng “hoàn cảnh” của tử thi mà khoa sẽ có cách giải quyết khác nhau. Các tử thi cần được cơ quan chức năng làm rõ thì sẽ được khoa tiếp nhận rồi mời cơ quan pháp y, các cơ quan liên quan đến giải phẫu, kiểm tra, điều tra làm rõ. Đối với các tử thi là người nước ngoài, bệnh viện sẽ thông tin đến các sở, ban, ngành liên quan để làm các thủ tục cần thiết. Khi đã hoàn thiện xong các thủ tục, khoa sẽ bàn giao thi thể cho người nhà bệnh nhân hoặc đại sứ quán của các nước. Riêng trong năm 2019, khoa tiếp nhận 4 ca là người nước ngoài. Các tử thi người nước ngoài thường mất thời gian khá dài để hoàn thiện các thủ tục bàn giao nên trong thời gian đó, nhân viên nhà đại thể phải bảo quản bằng tủ lạnh trên 10 ngày.

Đặc biệt, đối với các tử thi không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không đến nhận thì sẽ được mai táng tại nghĩa địa của bệnh viện theo phong tục. Ông Phùng Văn Thùy, nhân viên nhà đại thể với kinh nghiệm 41 năm trong nghề là người trực tiếp tiếp nhận, bảo quản, khâm liệm các tử thi. Ông Thùy nói: “Mặc dù tôi làm giờ hành chính nhưng hễ khi nào có điện thoại từ bệnh viện thì dù sáng sớm hay tối muộn, tôi lập tức có mặt để tiếp nhận và bảo quản tử thi. Nếu là tử thi có người thân đến nhận thì sau khi tiếp nhận, sẽ được bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 24 giờ đồng hồ. Quá thời gian này thì phải bảo quản bằng tủ đông với nhiệt độ thấp. Còn đối với tử thi không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng họ không nhận về thì chúng tôi sẽ báo cáo lên bệnh viện để mai táng đàng hoàng theo phong tục. Trung bình mỗi năm, chúng tôi mai táng cho khoảng 10 bệnh nhân. Nghĩa tử là nghĩa tận mà”. Ông Thùy cũng là người trực tiếp coi sóc, dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho các phần mộ của bệnh nhân tại nghĩa địa của bệnh viện.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đối với các bệnh nhân được mai táng tại nghĩa địa của bệnh viện thì đích thân ban giám đốc, lãnh đạo các phòng, khoa và các bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên của bệnh viện cùng tham dự lễ viếng, tiễn đưa bệnh nhân về nơi an nghỉ. Không chỉ dừng lại ở đó, đều đặn ngày rằm, những ngày 30, mùng 1 âm lịch hằng tháng hoặc mỗi dịp lễ tết, các cán bộ, nhân viên bệnh viện không quên đến nghĩa trang để thắp những nén hương thơm và đặt hoa, trái cây lên từng ngôi mộ. Toàn bộ kinh phí mai táng, chăm lo hương khói cho các bệnh nhân đều được bệnh viện chi trả”.

Trần Tuyền