Phát huy quyền dân chủ của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
(QT) - Luật Doanh nghiệp (2005) ra đời có tác động rất tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Kể từ năm 2000 toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 94 tỷ đồng.  Đến nay, số doanh nghiệp dân doanh (DNDD) tăng lên 1.150 DN và 211 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 793 tỷ đồng. Bình quân hàng năm, thời kỳ 2000 - 2008 các DNDD tạo ra 730 tỷ đồng tổng sản phẩm, chiếm 40% giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh, giải quyết việc làm ...

Phát huy quyền dân chủ của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

(QT) - Luật Doanh nghiệp (2005) ra đời có tác động rất tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Kể từ năm 2000 toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 94 tỷ đồng. Đến nay, số doanh nghiệp dân doanh (DNDD) tăng lên 1.150 DN và 211 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 793 tỷ đồng. Bình quân hàng năm, thời kỳ 2000 - 2008 các DNDD tạo ra 730 tỷ đồng tổng sản phẩm, chiếm 40% giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh, giải quyết việc làm trên 4.000 lao động thường xuyên, nộp vào ngân sách địa phương trên 100 tỷ đồng. Trong sự phát triển DN, bước đầu đã có 76 DNDD có tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) hoạt động, chiếm 6,6%. Tuy số lượng CĐCS còn ít so với tổ chức DN, nhưng qua đó việc thực hiện quy chế dân chủ của người lao động trong DNDD, kể cả loại hình DN vừa và nhỏ đã có những tiến bộ nhất định. Hơn 40% số DNDD đã thực hiện ký kết thoả ước lao động tập thể với người lao động. Nhiều DN thực hiện công khai cho người lao động biết chính sách của Nhà nước liên quan đến người lao động; nội quy, quy chế, quy định của DN; quỹ khen thưởng, phúc lợi hàng năm, trích nộp BHXH, BHYT; điều lệ công ty... Việc tổ chức lấy ý kiến của người lao động tham gia xây dựng nội quy, quy chế của DN, bàn biện pháp nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hiện vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cũng được tiến hành. Thông qua hội nghị người lao động, tổ chức CĐCS để người lao động bàn giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch SXKD, đánh giá việc thực hiện thoả ước lao động tập thể và thực hiện quyền giám sát. Tuy nhiên việc thực hiện quy chế dân chủ trong DNDD vẫn còn nhiều hạn chế. 60% DN năm 2008 chưa tổ chức hội nghị người lao động. Không ít DN vi phạm quy định về chế độ công khai DN, còn áp đặt các quy định người lao động. Chỉ có 35% DN thực hiện tốt các việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động; năm 2008 số DNDD nợ tiền đóng BHXH là 1,6 tỷ đồng. Việc thực hiện quyền giám sát của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong các DN vừa và nhỏ, nhiều chủ DN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật đối với người lao động. Việc tổ chức hội nghị người lao động còn mang tính hình thức, nhiều thỏa ước lao động tập thể chưa qua quá trình thương lượng, nội dung thoả ước còn sơ sài, mang tính đối phó. Không ít DN chưa thực hiện các quy định về ATVSLĐ- PCCN; nhiều DN có việc làm ổn định lâu dài cho người lao động nhưng người sử dụng lao động vẫn ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn, thời vụ để không phải thực hiện các nghĩa vụ về BHXH, BHYT đối với người lao động hàng năm, hoặc có tổ chức thì còn hình thức; việc đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động không được DN chú trọng... Nguyên nhân của những hạn chế đó là do: Mục đích của chủ DNDD là thu được nhiều lợi nhuận. Do đó, không ít DN người sử dụng lao động đã tìm cách tiết kiệm mọi chi phí, kể cả việc vi phạm pháp luật lao động, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người lao động để trốn tránh nghĩa vụ. Đây có thể coi là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quy chế dân chủ trong DN. Công đoàn cơ sở là người trực tiếp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trước người sử dụng lao động. Nhưng trên thực tế tổ chức công đoàn ở trong các DN chưa được chú trọng, số DN chưa có tổ chức CĐCS còn quá nhiều (trên 90%). Những nơi có tổ chức CĐCS thì hoạt động còn yếu, năng lực của cán bộ còn nhiều hạn chế, nên khi thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể thiếu chủ động, còn bị lệ thuộc vào người sử dụng lao động; việc đánh giá, bổ sung sửa đổi những nội dung không còn phù hợp trong thoả ước lao động tập thể không làm thường xuyên. Cán bộ công đoàn làm kiêm nhiệm, thời gian hoạt động giành cho công đoàn rất ít, chế độ chính sách chưa khuyến khích cán bộ công đoàn tích cực hoạt động. Một số người đứng đầu CĐCS, vì lợi ích cá nhân đã đứng về phía người sử dụng lao động, hoặc không dám đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thêm vào đó, người lao động trong các DNDD, SXKD chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người lao động cũng còn nhiều hạn chế. Do đó không nắm được các quy định về quyền, lợi ích hợp pháp của mình để yêu cầu chủ DN thực hiện. Trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho người lao động thì không được DN chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn các cấp đã có biện pháp phối hợp, tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên lực lượng thanh tra của các ngành chức năng còn ít, hàng năm chỉ mới tiến hành được khoảng 10% số DN kéo dài tình trạng nợ đọng về tiền đóng BHXH của người lao động trốn tránh không thực hiện quyền, lợi hợp pháp của người lao động. Qua thực tiễn, để thực hiện phát huy quyền dân chủ trong DN ngoài nhà nước có hiệu quả, trước hết người lao động phải nhận thức được quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật các tổ chức CĐCS, chủ DN có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người lao động. Đồng thời người lao động cũng phải chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật lao động để đáp ứng được nhu cầu về phát triển sản xuất của DN, không thể thụ động, trông chờ như cơ chế bao cấp trước đây. Người lao động phải ý thức được rằng, hiểu biết pháp luật lao động là để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mới có thể tham gia thực hiện tốt quyền dân chủ trong DN. Phát triển và nâng cao vai trò của tổ chức CĐCS trong các DN, bằng cách sớm thành lập tổ chức CĐCS ở các DNDD. Công đoàn cấp trên tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công đoàn, Bộ Luật Lao động, các văn bản mới của Nhà nước cho cán bộ CĐCS; xây dựng quỹ hoạt động của CĐCS (do đoàn viên đóng góp) vì chỉ có BCH CĐCS đại diện cho người lao động mới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động có hiệu quả. Đối với người sử dụng lao động cần tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, cùng với chủ tịch công đoàn cơ sở thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể; xây dựng nội quy lao động, quy chế dân chủ trong DN, đồng thời thực hiện công khai cho tổ chức công đoàn hoạt động. Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư, SXKD thông thoáng để cho DN có điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời phối hợp với công đoàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN, xử lý, chấn chỉnh nghiêm minh đối với những DN sai phạm; biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình những DN thực hiện tốt quy chế dân chủ. Với cách làm đồng bộ đó tạo điều kiện cho người lao động thực hiện có hiệu quả quyền dân chủ trong doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, làm giàu cho DN, tạo môi trường kinh doanh năng động của kinh tế tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Quốc Thanh