(QT) - Trước sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm tiện ích, rồi hình thức mua bán online qua điện thoại, máy tính kết nối internet… khiến hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ Đông Hà bớt nhộn nhịp so với trước. Để cạnh tranh với các xu hướng kinh doanh hiện đại, một số tiểu thương buôn bán ở chợ Đông Hà đã tìm cách đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao tiện ích và đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của người tiêu dùng.
![]() |
Nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà đã chuyển sang đầu mối cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống trong tỉnh |
Vừa tờ mờ sáng, quầy hàng rau củ của chị Nguyễn Thị Luận, chợ Đông Hà đã tấp nập người vào ra. Là quầy hàng bán sỉ nên hàng hóa rất nhiều, các mặt hàng rất phong phú, từ su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, hành, tỏi, các loại rau xanh… đủ các vùng miền đổ về. Những thùng hàng lớn vừa được dỡ xuống khỏi xe đẩy, nhân viên bán hàng vội vàng kiểm tra, ghi chép để quyết định chuyển vào sạp hay bốc ngược lên xe chở đi cho bạn hàng. Hiện chị Luận là đầu mối cung cấp sản phẩm rau củ cho tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố Đông Hà và một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thường thì tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố có mặt từ rất sớm để chọn hàng, còn người buôn bán ở chợ huyện thì chỉ cần điện thoại đặt hàng từ tối hôm trước, sáng sớm là nhân viên của chị sẽ chọn hàng, đóng thùng để xe thồ chở đi giao sớm. Chị Luận cho hay: “Do đặc thù kinh doanh mặt hàng tươi sống nên để kịp chợ sáng của bạn hàng, khoảng 4 giờ sáng chúng tôi đã làm việc. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng trên 5 tấn hàng hóa. Thời gian đầu mới chuyển qua bán sỉ, công việc gặp nhiều khó khăn do áp lực về thời gian, số lượng hàng hóa lớn và cần nguồn vốn lớn để nhập hàng. Tuy nhiên, bây giờ thì đã ổn định vì bạn hàng đã duy trì thường xuyên. Áp lực nhất là buổi sáng sớm vì giao, nhận hàng cho kịp buổi chợ của bạn hàng, còn cả ngày thì công việc nhẹ nhàng hơn. Lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể”.
Bây giờ tư thương đến chợ Đông Hà mà ngồi bán lẻ từng mớ rau, con cá vừa mất thời gian, vừa lời lãi không được là bao vì trên địa bàn thành phố có rất nhiều chợ xép nằm ở vị trí thuận lợi, người tiêu dùng có thể tranh thủ ghé chợ bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc chuyển hướng kinh doanh sang mô hình đầu mối cung cấp, phân phối hàng hóa cho các chợ truyền thống khác đang được nhiều tiểu thương chợ Đông Hà lựa chọn. Hiện không chỉ có mặt hàng tươi sống như rau, củ quả, thịt, cá… mà các ngành hàng khác như thực phẩm khô, áo quần may sẵn… cũng có thêm nhiều quầy hàng chuyển sang mô hình bán sỉ. Đây là một trong những sự lựa chọn tất yếu của tiểu thương chợ Đông Hà để tồn tại trong thời buổi cạnh tranh của thị trường.
Có thể thấy, mặc dù trong xu hướng phát triển đa dạng của hệ thống phân phối hàng hóa hiện nay, thì chợ truyền thống cũng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn. Vì vậy, chợ Đông Hà có đầy đủ yếu tố thuận lợi để trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa cho hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chuyển sang hoạt động đầu mối cung cấp hàng hóa ở chợ Đông Hà chỉ một bộ phận tiểu thương đủ điều kiện đáp ứng vì mô hình đòi hỏi vốn lớn, kinh nghiệm và mối quan hệ bạn hàng nhiều…
Vì vậy, trong xu thế hội nhập, chợ Đông Hà cần có những đổi mới mạnh mẽ về văn hoá kinh doanh theo hướng văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Chợ Đông Hà là trung tâm thương mại lớn của tỉnh, nơi thu hút đông đảo khách hàng, nhất là khách du lịch...Với quy mô công trình và năng lực kinh doanh hàng hoá như hiện nay, chợ Đông Hà cần hướng tới kinh doanh gắn với hoạt động thương mại, du lịch. Có thể thấy, dù có nhiều cố gắng nhưng hoạt động kinh doanh ở chợ Đông Hà vẫn còn tồn tại những bất cập như: công tác quản lý lỏng lẻo, chưa kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đảm bảo mỹ quan đô thị… Vậy nên duy trì nét văn hóa của chợ truyền thống nói chung, đặc trưng văn hóa chợ Đông Hà, phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh của chợ Đông Hà.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Đức Phụ, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà cho hay: “Trước mắt, cần nâng cấp, sửa chữa một số công trình hạ tầng đã xuống cấp, hư hỏng ở chợ bảo đảm sự đi lại thông thoáng, mua bán thuận tiện. Bên cạnh đó, cần nâng cao nghiệp vụ bán hàng, văn hóa kinh doanh cho tiểu thương. Để tồn tại, các tiểu thương ở chợ cần đổi mới từ khâu sắp xếp lại quầy hàng, món hàng kinh doanh và cả hình thức tiếp cận với khách hàng bằng cách bán hàng đúng giá, có niêm yết giá rõ ràng và đảm bảo về chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý trật tự kinh doanh đảm bảo đúng quy hoạch. Đẩy mạnh việc chỉnh trang không gian và mỹ quan công trình chợ nhằm thiết lập môi trường kinh doanh an toàn, ổn định và phát triển.
Chú trọng công tác hướng dẫn khách hàng, nhất là đối với khách tham quan du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo nên những chuyển biến rõ rệt về văn minh thương mại trong tổ chức kinh doanh như: hướng dẫn hộ kinh doanh tổ chức kinh doanh đúng pháp luật, xây dựng phong cách bán hàng thân thiện, lịch sự với khách hàng để góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu chợ Đông Hà. Xây dựng các mô hình “Quầy bán hàng văn minh thương mại”, “Quầy bán hàng đúng giá”, phát động phong trào “Sạch quầy - đẹp chợ”, “Quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp”… tạo cho khách hàng cảm giác thân thiện, yên tâm và tin tưởng khi mua hàng tại chợ.
Lâm Thanh