Gặp Trung đội trưởng du kích hai lần nhận danh hiệu Dũng sĩ
(QT) - Một sáng đầu đông, tôi tìm về gặp một trong những người con ưu tú trên quê hương Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Chim ở thôn Xuân An, một vùng quê nằm bên bờ Bắc sông Thạch Hãn. Trong những năm 1972, 1973, khi chiến tranh ở địa bàn Quảng Trị diễn ra khốc liệt nhất, ông là Trung đội trưởng du kích xã Triệu Thượng, từng băng mình giữa đạn bom chỉ huy lực lượng phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực giáng cho quân thù những đòn chí mạng, góp phần vào thắng ...

Gặp Trung đội trưởng du kích hai lần nhận danh hiệu Dũng sĩ

(QT) - Một sáng đầu đông, tôi tìm về gặp một trong những người con ưu tú trên quê hương Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Chim ở thôn Xuân An, một vùng quê nằm bên bờ Bắc sông Thạch Hãn. Trong những năm 1972, 1973, khi chiến tranh ở địa bàn Quảng Trị diễn ra khốc liệt nhất, ông là Trung đội trưởng du kích xã Triệu Thượng, từng băng mình giữa đạn bom chỉ huy lực lượng phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực giáng cho quân thù những đòn chí mạng, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và chiến đấu giải phóng quê hương.

Triển khai phương án chiến đấu trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh - Ảnh: QB

Ông Nguyễn Chim kể: “Vào tháng 5/1972, lúc đó mới hai mươi tuổi, tôi đã được trên bổ nhiệm làm Trung đội trưởng du kích của xã. Từ đó đến ngày 30/4/1975, với cương vị được giao, tôi đã chỉ huy đơn vị cùng với các trung đội du kích của xã, phối hợp với các lực lượng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thu được nhiều thắng lợi lớn”. Kể lại những tháng năm oanh liệt, ông nhớ nhất là thời gian từ ngày 28/6/1972, sau khi địch mất địa bàn Quảng Trị, chúng sử dụng một lực lượng lớn, có sự yểm trợ tối đa của hải, lục, không quân Mỹ để tái chiếm. Nhằm tránh thương vong, nhân dân xã Triệu Thượng được sơ tán khỏi địa bàn, phần lớn ra khu vực Vĩnh Linh, chỉ riêng lực lượng du kích ở lại bám trụ sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu chống trả sự phản công của địch. Lúc này, lực lượng du kích xã Triệu Thượng có ba trung đội, gồm Trung đội Nhan Biều, Trung đội Xuân An và một trung đội tập trung của xã. Trung đội Xuân An do ông làm Trung đội trưởng, chốt giữ chiến đấu ở tuyến trước. Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, ông Nguyễn Chim đã chỉ huy trung đội du kích cùng lực lượng chủ lực kiên cường giữ vững trận địa, đẩy lùi mọi đợt phản kích, tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch. Không chỉ trực tiếp chiến đấu, Trung đội trưởng Nguyễn Chim còn chỉ huy lực lượng hoàn thành nhiệm vụ tải thương, cứu chữa thương binh, dẫn đường cho bộ đội vượt sông vào Thành Cổ... Lực lượng du kích xã có lúc còn đảm nhiệm chiến đấu ở vị trí tiền tiêu của tuyến phòng ngự phía Bắc sông Thạch Hãn, chặn đứng nhiều đợt phản công của địch. “Trong quá trình chiến đấu, có nhiều tấm gương nổi bật như chiến sĩ du kích Nguyễn Trọng, người đã sử dụng súng B41 tiêu diệt hơn 60 tên thủy quân lục chiến ngụy; hay đồng chí Từ Đình Siêu, chỉ với một cây súng trong tay đã tiêu diệt trên 60 tên địch”- ông Nguyễn Chim tự hào nói về những đồng đội của mình. Sau khi Hiệp định Pari được kí kết, ông lại được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng hành quân về xã Triệu Tài để chống sự phá hoại hiệp định của địch. “Trong thời gian này, vào ngày 14/3/1973, trung đội tôi đã cùng với lực lượng bộ đội huyện Triệu Phong chiến đấu tiêu diệt một trung đội địa phương quân ngụy”, ông nói. Và chính trong “Đợt hoạt động 28/2-15/3/1973” này, ông đã được Quân khu Trị Thiên, Quân Giải phóng Miền Nam tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Trong quá trình chiến đấu, ông đã 2 lần bị thương. Có một lần ông bị thương cả ở ngực và chân do trúng mảnh bom, đạn địch. Nhưng cả hai lần, ngay sau khi điều trị, ông đều nhanh chóng quay lại bám trụ trận địa chỉ huy lực lượng chiến đấu, công tác. Không những hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ, chiến đấu bảo vệ địa bàn, hoạt động chống địch “cắm cờ, lấn đất”, đến cuối tháng 2/1975, ông còn nhận lệnh chỉ huy lực lượng cơ động chiến đấu đánh đuổi quân thù. “Từ cuối tháng 2/1975, đồng chí Phan Ngọc Kiều, Chính trị viên xã đội làm mũi trưởng, tôi là trung đội trưởng chỉ huy đơn vị vượt sông cùng phối hợp với lực lượng của Tỉnh đội đánh qua thị xã Quảng Trị, rồi tấn công Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến ngụy đóng ở cầu Dài huyện Hải Lăng, giành thắng lợi. Sau đó, tiến đánh vào Tiểu khu Quảng Trị ngụy đóng ở Cồn Dê, thị trấn Hải Lăng hiện nay và tiếp tục đánh vào cầu Mỹ Chánh, chiếm kho quân lương của ngụy ở thôn Mỵ thuộc xã Hải Trường...”, ông kể. Trong những tháng năm chỉ huy lực lượng chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, Trung đội trưởng Nguyễn Chim được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại và hai lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy. Những chiến công của lực lượng vũ trang xã Triệu Thượng trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của Trung đội trưởng du kích Nguyễn Chim đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Triệu Phong. VIẾT LINH