(QT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp quyết tâm cải tạo vùng cát thành vùng kinh tế xã hội trù phú, tạo ra những sản phẩm lớn về nông lâm ngư nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, cải tạo môi sinh môi trường và đã thu được những thành tựu bước đầu rất khả quan.
![]() |
Cây mướp đắng cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng/ha |
Đi dọc theo tuyến đường ven biển thuộc xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, điều dễ dàng nhận thấy là thay cho những bãi cát trắng hoang hóa như trước đây là màu xanh của những giàn mướp đắng, dưa leo, đậu đen xanh lòng… Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm, cho biết: Với đặc thù là xã vùng biển bãi ngang, đất đai nhiều nhưng đều là cát trắng hoang hóa, bạc màu, nguồn nước tưới phụ thuộc vào trời nên từ bao đời nay người dân xã Triệu Vân chỉ biết đánh bắt thủy sản, trồng các loại cây hoa màu có giá trị kinh tế thấp như khoai lang, sắn, đậu xanh… Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng cát và vùng ven biển của huyện Triệu Phong, UBND xã đã vận động bà con nông dân đưa vào sản xuất hơn 138 ha lúa vụ đông xuân, với các giống lúa có chất lượng cao và chống chịu tốt với sự biến đổi thời tiết như HT1, HN6, HC95, Thiên ưu 8, Khang dân…, năng suất bình quân qua các năm đều đạt trên 40 tạ/ha.
Duy trì giống khoai lang địa phương với diện tích hơn 50 ha, đưa vào canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như mướp đắng, dưa gang, ném kiệu…; mở rộng diện tích cây đậu đen xanh lòng lên 64,5 ha, năng suất đạt 8 tạ/ha, đây là 1 sản phẩm đặc trưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Xây dựng 25 mô hình nuôi lợn quy mô từ 50 - 300 con, 8 mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, 3 mô hình về nuôi vịt biển an toàn sinh học; toàn xã có 9 trang trại và 37 gia trại chăn nuôi tổng hợp; 41 ha nuôi tôm thẻ chân trắng… mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Năm 2019 chúng tôi phấn đấu nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích lên 145 - 150 triệu đồng/ha/năm, đưa giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp toàn xã đạt 161 tỉ đồng”, ông Lâm khẳng định.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết: Là địa phương có diện tích đất cát ven biển khá lớn với hơn 8.746 ha, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng cát, những năm qua huyện Triệu Phong đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, điện lưới, thủy lợi ra vùng cát; hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp về nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài chính sách ưu đãi vốn vay, huyện Triệu Phong còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân. Nhờ vậy, ở nhiều địa phương, các loại cây trồng, con nuôi ở vùng cát đã trở thành nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân. Như với cây ném, kiệu cho thu nhập hơn 130 triệu đồng/ha, mướp đắng từ 100 - 120 triệu đồng/ha, tôm thẻ chân trắng từ 0,5 - 1,2 tỉ đồng/ha…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 48.686 ha bao gồm 30 xã, thị trấn. Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh đã có nhiều chủ trương như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII, về phát triển KT-XH miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, các địa phương đã cải tạo thành công vùng cát ven biển, hạn chế được nạn cát bay, cát lấp bằng các mô hình nông - lâm kết hợp, biến vùng cát hoang hóa thành các vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Ngoài các cây trồng truyền thống như ném, khoai lang… Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã khảo sát, nghiên cứu để đưa các đối tượng cây trồng, con nuôi mới phù hợp với vùng đất cát vào sản xuất như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò; mô hình trồng Dứa có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm liên kết với Công ty thực phẩm Đồng Giao để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản để triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa lưới, cà chua, tỏi, măng tây... tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh; Công ty Thương mại Quảng Trị liên kết trồng và thu mua đậu xanh cho bà con nông dân. Hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa như trồng cây mướp đắng ở xã Gio Mỹ, Gio Thành, huyện Gio Linh; vùng chuyên canh ném ở xã Hải Quế, Hải Dương, huyện Hải Lăng, trồng rau chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu ở các xã miền biển huyện Triệu Phong, Hải Lăng…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Võ Văn Hưng khẳng định: Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế cho người dân vùng cát ngành Nông nghiệp đã đề ra các giải pháp cụ thể như hoàn thiện công tác quy hoạch vùng sản xuất đối với các vùng cát, trọng điểm, làm đòn bẩy thúc đẩy các vùng sản xuất nhỏ, các mặt hàng nông sản khác phát triển; xây dựng đề án sinh kế vùng biển, đề án cây con chủ lực, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các chương trình kinh tế sự nghiệp hằng năm; kết hợp với xây dựng những mô hình điểm, điển hình trong sản xuất nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong người dân, chú trọng các biện pháp sản xuất sạch, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ. “Thông qua khai thác thế mạnh vùng cát bằng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tập trung; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật để tăng hiệu quả sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích nhằm góp phần cải thiện đời sống của người dân ở vùng cát ven biển bãi ngang”, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.
Lê An