(QT) - Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, huyện Đakrông đã phê duyệt danh mục 33 mô hình, dự án liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm để tìm hướng gia tăng giá trị sản phẩm theo chuỗi giá trị, lợi thế so sánh của địa phương. Đây chính là động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn, là chương trình trọng tâm góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
![]() |
Mô hình trồng cây hương nhu trắng ở Đakrông |
Trong những năm qua, sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp huyện Đakrông đạt nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế đa dạng, phù hợp hơn với đặc điểm từng vùng, định hướng phát triển các loại cây trồng, con nuôi trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2016-2018 đạt 19,25%; tổng giá trị sản xuất năm 2018 gần 850 tỉ đồng. Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trên địa bàn huyện 7.210 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 9.545 tấn; toàn huyện đã xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất tập trung theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm như các mô hình: Trồng cây dược liệu hương nhu trắng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Vân Pa; nuôi gà bản liên kết tiêu thụ sản phẩm với Khu du lịch Klu; trồng cây ngô lai liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị; trồng cây dong riềng, chăn nuôi hươu sao có liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm… Triển khai thực hiện mô hình bảo tồn và nhân rộng giống lợn bản thuộc dự án P4EM tại xã A Ngo; phối hợp với Viện rau quả xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô tại xã Mò Ó. Mặc dù các mô hình này đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đánh giá được hiệu quả nhưng đã đặt nền móng cho việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững đối với huyện miền núi.
Huyện Đakrông xác định chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp quan trọng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh của từng địa phương, huyện đã phê duyệt danh mục các mô hình, dự án bố trí nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư giai đoạn 2019-2020 có liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các xã, thị trấn, gồm: Mô hình trồng ngô lai, trồng nếp than hữu cơ, trồng dưa hấu, trồng lạc và đậu đen xanh lòng, mô hình chăn nuôi dê, gà bản... Rút kinh nghiệm các mô hình phát triển sản xuất thường manh mún, khó nhân rộng những năm trước đây, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các mô hình đảm bảo phát huy hiệu quả, nạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, nhằm tạo việc làm, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân; khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, thúc đẩy liên kết giữa các hộ sản xuất thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Từ các mô hình, dự án này tiến tới xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và định hình sản phẩm có lợi thế so sánh của địa phương, giải quyết đầu ra nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đakrông Hồ Văn Đang cho biết: “Mục tiêu của chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghề, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, toàn huyện Đakrông hiện nay mới chỉ thành lập được 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Vân Pa và Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp sản xuất kinh doanh nông nghiệp Triệu Nguyên, gắn với liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây sả, lạc, đậu đen xanh lòng ở Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên. Ở các xã còn lại, việc vận hành sản xuất theo chuỗi, tính kiên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Một số sản phẩm có lợi thế so sánh của huyện Đakrông như dệt thổ cẩm xã A Bung, rượu men lá xã Ba Nang do chưa phát triển các tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sản phẩm… nên khó khăn trong cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị. Để tạo động lực tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Đakrông đang tìm hướng gia tăng giá trị cho các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương trong huyện, có kế hoạch bố trí nguồn vốn các chương trình, dự án triển khai thực hiện trong năm 2019- 2020, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất”.
Thanh Hải