Đưa hàng tết về vùng sâu
(QT) - Không khí lạnh tăng cường cùng những cơn mưa rừng mù mịt vẫn không ngăn được bước chân của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị đưa những chuyến hàng thiết yếu lên phục vụ đồng bào vùng cao đón tết. Năm nào cũng vậy, khi những cánh mai vàng chúm chím, những chồi non sắp bung ra khỏi nụ báo hiệu một mùa xuân đang tới là họ lại lên đường.  Đường về làng bản các xã vùng cao huyện Đakrông trơn nhẫy, lầy lội do gần một tháng trời mưa không dứt, nhưng nghe tin có ...

Đưa hàng tết về vùng sâu

(QT) - Không khí lạnh tăng cường cùng những cơn mưa rừng mù mịt vẫn không ngăn được bước chân của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị đưa những chuyến hàng thiết yếu lên phục vụ đồng bào vùng cao đón tết. Năm nào cũng vậy, khi những cánh mai vàng chúm chím, những chồi non sắp bung ra khỏi nụ báo hiệu một mùa xuân đang tới là họ lại lên đường. Đường về làng bản các xã vùng cao huyện Đakrông trơn nhẫy, lầy lội do gần một tháng trời mưa không dứt, nhưng nghe tin có doanh nghiệp đưa hàng lên phục vụ, từ sáng sớm bà con ở các nơi xa xôi đã tấp nập kéo về. Họ đến để được mua những món hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày và chuẩn bị đón một cái tết bình yên sau một năm lao động vất vả. Cũng có người đến chỉ để ngắm mấy cô nhân viên bán hàng xinh đẹp đang thoăn thoắt bên chiếc máy tính tiền lạ lùng lần đầu tiên được mang về bản.

Đưa máy đọc mã vạch vào thanh toán tại một điểm bán hàng lưu động ở Đakrông.

Theo Tổng giám đốc Hồ Xuân Hiếu, năm nay, sau khi siêu thị Co-op mark Đông Hà đi vào hoạt động, Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị có sáng kiến đưa “siêu thị” về vùng sâu vùng xa để phục vụ bà con. Hàng hóa lần này đều được công ty chọn lựa là những loại hàng Việt Nam chất lượng cao, có giá niêm yết rõ ràng, việc thanh toán cũng rất hiện đại, có máy quét mã vạch, có quầy thu ngân chẳng khác gì siêu thị. Anh Hiếu cho biết thêm, dù phải đưa hàng về tận vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ, phí vận chuyển rất lớn nhưng do được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất và một phần trích từ quỹ phúc lợi của công ty, nên giá bán cho bà con thấp hơn tại siêu thị từ 20% trở lên. Điều này đã thể hiện rất rõ khi dòng người đến mua hàng ở điểm phục vụ tại trung tâm xã A Bung ngày một đông đúc, hàng bày ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Từ những mặt hàng thiết yếu như muối ăn, bột ngọt, nước mắm, mì ăn liền, đến các mặt hàng tết như mứt, bánh kẹo, bia rượu đều rất phong phú. Nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con vùng sâu vùng xa, năm nay công ty cũng đã tổ chức bán thêm các mặt hàng thực phẩm như cá tươi, mắm, trứng gà, vịt, trứng cút, đáng mừng là những mặt hàng lần đầu tiên đem đi bày bán này lại được tiêu thụ mạnh, rõ ràng đây là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu bà con. Chị Căn Xing ở bản Cựp hồ hởi chất lên xe cho con trai hai bao tải hàng gồm muối, bột ngọt, bia, rượu, nước mắm, mứt tết, còn trong tay chị xách mấy chục trứng, mấy cân cá thu và nói rằng, không thể bỏ lẫn vào đó được vì đường vào bản trơn trượt dễ bị hư lắm. Chị cho biết, nếu không có công ty thương mại vào phục vụ thì chị phải đi gần trăm cây số, ra tận thị trấn Krông Klang hoặc về Đông Hà để sắm tết cho gia đình, vì trong này cái gì cũng đắt đỏ và thiếu thốn. Đó là chưa nói không ít đại lý lợi dụng sự kém hiểu biết của bà con đưa hàng kém chất lượng, hàng quá đát vào bán với giá cao. Năm nay, do giá nông sản lên cao, bắp, sắn đều bán được khá sớm nên bà con sắm tết rất rôm rả. Phó chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Đô cho rằng: “Nhờ địa phương tích cực chỉ đạo bà con đa dạng hóa sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên 70% người dân xã A Bung đã có thu nhập cao từ bắp, sắn cao sản, chuối và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cái khó của A Bung là vẫn còn nhiều bản ở vùng sâu giao thông chưa thuận tiện, nông sản làm ra vẫn khó tiêu thụ hoặc bị tư thương ép giá. Ở những nơi này, hàng hóa không bán được nhưng những loại hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày thì phải mua với giá cao, do đó khi công ty thương mại chủ động đặt vấn đề đưa hàng lên phục vụ bà con chuẩn bị đón tết là lãnh đạo địa phương rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Xã đã thông báo trước đến tận người dân, nên mọi người đều rất háo hức”. Không chỉ bà con vùng sâu vùng xa mà nhiều người miền xuôi lên công tác ở vùng cao cũng đến các điểm bán hàng để sắm tết. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh dạy ở Trường tiểu học Hồng Thủy cạnh đó cũng tranh thủ đến mua hàng tết cho gia đình ở dưới xuôi, vì theo cô, khi được nghỉ tết về không khéo hàng tăng giá, mà hàng ở đây giá bán cũng khá rẻ mua để dành vẫn tốt hơn vì chẳng còn mấy ngày nữa là đến tết. Sau điểm bán ở A Bung, những chuyến xe hàng lưu động này sẽ theo chân những cán bộ nhân viên của công ty thương mại lên đường đến với những bản làng xa xôi khác của miền tây như A Vao, A Ngo, Ba Nang, Húc Nghì… Anh Đào Văn Việt, cán bộ nghiệp vụ công ty thương mại là người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phục vụ thương mại miền núi nhiều năm qua cho biết, với nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu có thể phải đến những ngày cận tết họ mới trở về nhà, vì vẫn còn nhiều điểm bà con đang chờ đợi những “chuyến hàng rong không vụ lợi” này. Còn Tổng giám đốc Hồ Xuân Hiếu thì cho biết thêm, chuyến đưa hàng lên miền tây lần này là chuyến khởi đầu cho một dự án phát triển thương mại miền núi của công ty trong tương lai, theo đó công ty sẽ hợp tác với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp lớn trong cả nước để đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về vùng sâu vùng xa một cách thường xuyên theo hướng tổ chức các buổi chợ phiên cố định hàng tháng ở từng địa phương, thay bằng chi phí quảng cáo, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển để công ty đưa hàng đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất, nếu không thấp hơn cũng bằng giá bán ở các trung tâm lớn để đồng bào ở nơi xa xôi vẫn được hưởng những quyền lợi tiêu dùng công bằng như các địa bàn có điều kiện giao thông thuận lợi. Mặt khác, việc lựa chọn đưa ra thị trường những loại hàng hóa chất lượng cao, có xuất xứ, có thời hạn tiêu dùng rõ ràng là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn, nhất là các địa bàn nông thôn vùng sâu ,vùng xa. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC