Đông Hà là thị xã tỉnh lỵ, là trung tâm kinh tế-văn hóa của tỉnh Quảng Trị, mọi hoạt động của 9 phường trên địa bàn thị xã Đông Hà phản chiếu tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kết quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Trong những năm qua, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Đông Hà lần thứ X đề ra phấn đấu đưa Đông Hà trở thành thành phố có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng vững mạnh, thị xã Đông Hà đã nỗ lực khai thác mọi tiềm năng, lợi thế đưa kinh tế - xã hội có những bước chuyển mình đáng kể, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001 - 2005 ở mức 14% lên trên 15% giai đoạn 2006 -2007; nguồn thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Các lĩnh vực văn hoá- xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Cơ sở hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư; quy hoạch và quản lý đô thị được chú trọng, tạo thế và lực để Đông Hà trở thành thành phố. Tuy nhiên, để Đông Hà vững bước trở thành thành phố trong giai đoạn tới, lãnh đạo thị xã, các phòng ban, các phường và đặc biệt là người dân trên địa bàn còn nhiều việc phải làm. Một trong những định hướng quan trọng cần tập trung đòi hỏi lãnh đạo thị xã Đông Hà quan tâm giải quyết là cải tạo bộ mặt hành chính của các cấp chính quyền, nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo hướng thực sự thực chất, có hiệu lực và hiệu quả cao.
Trọng tâm là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị khóa XIV về cải cách hành chính - khâu đột phá. Như vậy, lãnh đạo thị xã Đông Hà cần tiếp tục xác định 4 mục tiêu tập trung, đó là: cải cách thể chế hành chính; rà soát công tác tổ chức, bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân. Để cải cách thể chế hành chính, một mặt, UBND thị xã cần tiếp tục tiến hành rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc của Thường trực UBND thị xã; kiểm tra việc xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của UBND các xã, phường; mặt khác tiến hành xác lập cơ chế phối hợp, mối quan hệ giữa các phòng, ban cơ quan chính quyền cùng cấp và cấp cơ sở để đảm bảo thông thoáng, đúng kỷ cương.
Bên cạnh đó, UBND thị xã cần chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành, kịp thời điều chỉnh, thay đổi hoặc loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây cản trở hoạt động và quan hệ giữa chính quyền với các chủ thể pháp lý và công dân. Đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm việc triển khai hoạt động của bộ phận “một cửa” của thị xã sau 4 năm hoạt động về 5 lĩnh vực: chứng thực, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh và thương binh xã hội; kết quả hoạt động của bộ phận “một cửa” ở 9 phường sau 3 năm thực hiện về 4 lĩnh vực: đất đai, xây dựng, hộ tịch, chứng thực.
Tăng cường kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên môn cho bộ phận “một cửa” ở cả 2 cấp, cải tiến lề lối làm việc, giảm phiền hà cho dân. Phân công công việc cụ thể, xác định trách nhiệm cá nhân từng cán bộ lãnh đạo UBND và trưởng các phòng, ban chức năng của thị xã và các xã, phường; tăng cường việc chỉ đạo trực tiếp, phát huy cơ chế lấy ý kiến liên ngành trong tổ chức, thực hiện công việc. Để thực sự nâng cao hiệu lực, hiêu quả của bộ máy chính quyền các cấp, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy, biên chế theo quy định, UBND thị xã cần ban hành quyết định, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, khắc phục sự chồng chéo, lẫn lộn giữa đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với cán bộ, công dân trong quản lý, điều hành. Trong công tác cán bộ, bên cạnh việc đánh giá lại năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng cán bộ, công chức, là việc đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng.
Mặt khác, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ phù hợp với yêu cầu công tác; chú ý chính sách cán bộ phù hợp; xây dựng cơ chế, chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài; xây dựng quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, biên chế cho các cơ quan đơn vị; gắn trách nhiệm cá nhân với hiệu quả công việc của cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ; duy trì kỷ cương, kỷ luật; áp dụng chế độ thưởng phạt công minh, công khai, công băng với tất cả cán bộ, công chức. Để thiết thực đổi mới công tác tiếp dân, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân, cấp ủy, chính quyền thị xã Đông Hà cần chủ trương tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo quyền dân chủ cho người dân. Duy trì thành nền nếp lịch tiếp dân, bố trí cán bộ đủ thẩm quyền, có kiến thức quản lý Nhà nước và pháp luật phù hợp để giải quyết ngay mọi ý kiên, kiến nghị của công dân. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định về xử lý KNTC, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Công tác cải cách hành chính sẽ giúp thị xã Đông Hà cải thiện một bước quan trọng môi trường đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa thị xã nhanh chóng trở thành thành phố giàu mạnh, văn minh. Lê Thế Quảng