(QT) - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ, con người Việt Nam. Chúng tôi có dịp gặp gỡ một số chiến sĩ đã tham gia chiến dịch lịch sử cách đây hơn 40 năm.
Hành quân thần tốc, phá vỡ tuyến phòng ngự từ xa của địch
Cho đến nay dù đã bước sang tuổi 87, sức khỏe yếu, khả năng nghe, nhìn hạn chế nhưng Đại tá Lê Văn Quýt, trú tại thôn An Lạc, phường Đông Giang, Đông Hà vẫn rất sôi nổi khi nhớ về những ngày tháng 4/1975. Đó là những ngày tháng hào hùng, hăm hở, sôi động trong quân ngũ không thể nào quên. Lúc đó ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ cắt đường 19 để khi giải phóng Buôn Ma Thuột không cho binh lính ngụy tập trung về Quy Nhơn, đồng thời ngăn không cho Sư đoàn 23 của ngụy ở Bình Định lên chi viện cho Buôn Ma Thuột. Làm xong nhiệm vụ ở đường 19 thì được lệnh rút về Phú Tài (Bình Định), bộ đội Trung đoàn 2 mới được nghỉ ngơi vài bữa thì có lệnh hành quân thần tốc vào Ninh Thuận, đánh vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang. Đây là phòng tuyến từ xa để bảo vệ Sài Gòn.
Ông Quýt nhớ lại lúc đó là ngày 10/4/1975, quãng đường từ Phú Tài đến Ninh Thuận dài 400 km, đơn vị của ông- một trung đoàn có tới nghìn người nhưng không có phương tiện vận tải, nhiều năm ở trên rừng, nay mới xuống đồng bằng, đã quen đi bộ. Nhưng nếu đi bộ phải mất nhiều ngày mới tới được Phan Rang, khó hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao. Các đồng chí lãnh đạo Trung đoàn hội ý và đề xuất phương án chặn đường, mượn xe của dân để chở bộ đội vào trong đó. Sau khi quán triệt nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 3, ông trực tiếp đi huy động xe cơ giới. Được cán bộ địa phương tư vấn nếu đón ở ngã ba Phú Tài sẽ có nhiều xe ra, vào. Đợi chừng 15 phút có 3 chiếc xe đò từ Quy Nhơn ra. Trên xe chở đầy người và vật dụng gia đình. Ông giơ tay ra hiệu cho xe dừng, bà con trên xe nhốn nháo, không ít người lo sợ. Ông mời các tài xế và chủ xe đến nói ý định mượn xe, không quên nói rằng đây là cơ hội để các anh đóng góp công sức cho cách mạng.
Các chủ xe nhận lời nhưng còn e ngại, vì họ đã nhận tiền của khách không thể bỏ hành khách dọc đường. Lại thêm một tình thế khó khăn, ông phải nói chuyện với mọi người rằng kẻ địch đã thua chạy nhưng vẫn còn âm mưu quay lại để củng cố lực lượng nên phải truy kích tiêu diệt. Quân Giải phóng Sư đoàn 3- Sao Vàng là con em của Bình Định, được đồng bào cưu mang hàng chục năm nay, hôm nay là cơ hội để giải phóng hoàn toàn miền Nam, mong bà con hãy ủng hộ. Xin hứa chỉ mượn xe 1 ngày, sau đó trả lại xe để bà con về quê. Nghe nói tới Sư đoàn 3-Sao Vàng bà con bàn tán sôi nổi, rồi đồng ý cho mượn xe. 30 phút sau có 5 xe từ phía Nam ra cũng được mượn để chở quân của tiểu đoàn vào Phan Rang. Lần đầu ngồi xe hành quân, anh em bộ đội rất vui mừng, háo hức. Dọc đường vết tích bại trận của quân ngụy hiện rõ với nhiều quần áo, giày mũ, quân trang, quân dụng vứt ngổn ngang.
Cũng cần nói rõ ở phòng tuyến Phan Rang, Ninh Thuận được Đại tướng Cao Văn Viên, Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn lập ra để bảo vệ Sài Gòn từ xa, ở đây có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đảm nhận chức Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 3; Chuẩn tướng Phan Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân là phó cho tướng Nghi, cùng với Chuẩn tướng Nhật, Tư lệnh Sư đoàn 2; Đại tá Lưỡng, Tư lệnh Lữ đoàn Dù; Đại tá Biết chỉ huy Liên đoàn Biệt động… cùng lập nên Bộ chỉ huy tiền phương. Cao Văn Viên tăng cường lực lượng phòng thủ ở đây rất mạnh.
Thế nhưng đến ngày 14/4 với khí thế tiến công và nổi dậy như vũ bão Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 của ta, cùng với lực lượng nổi dậy của địa phương đã đánh bật tuyến phòng thủ này, bắt được Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phan Ngọc Sang và một đại tá cố vấn người Mỹ. Đây là một trong những chiến công vang dội, lần đầu tiên bắt được trung tướng của địch, mở đường cho các cánh quân tiến vào Long Khánh, Biên Hòa, giải phóng Sài Gòn, Gia Định… Sau đó đơn vị ông Quýt còn tham gia đánh qua đường số 5 giải phóng Phước Tuy, Vũng Tàu… rồi trở về Quân khu 5. Trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc ông cũng luôn có mặt ở tuyến đầu chống quân xâm lược. Một thời gian sau ông xin về Tỉnh đội Bình Trị Thiên công tác cho đến ngày nghỉ hưu năm 1989. Với những chiến công vẻ vang, Đại tá Lê Văn Quýt được tặng Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Quân công hạng II, và huy hiệu 65 năm tuổi Đảng…
Gửi lại đôi mắt ở chiến trường
Ông Nguyễn Văn Minh nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, là lính bộ binh. Ông sinh năm 1953, ở xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, tham gia quân đội lúc mới 16 tuổi. Tuy chưa đến tuổi nhập ngũ nhưng ông có dáng người to cao, vạm vỡ nên tự khai sinh tăng lên 3 tuổi nhiều người vẫn tin. Ông Minh gia nhập quân đội tháng 1/1969, đơn vị là K4, thuộc Quân khu 4, sau thời gian huấn luyện được đưa vào chiến trường Quân khu 5. Ở giữa núi rừng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề lại bị muỗi đốt, ông bị sốt rét nặng nên được đưa ra miền Bắc điều trị, mãi nhiều năm sau mới trở lại chiến trường miền Nam. Tháng 4/1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh vào thị trấn Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh, nay là tỉnh Đồng Nai). Xuân Lộc có vị trí quan trọng, là khu vực phòng thủ trọng yếu của quân đội Việt Nam cộng hòa, để giữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn.
Địch bố trí ở đây nhiều trung đoàn, sư đoàn thuộc các quân binh chủng như biệt động quân, pháo binh, biệt cách dù cùng với lực lượng nghĩa quân, địa phương quân, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của 2 sư đoàn không quân từ Biên Hòa và Cần Thơ. Toàn bộ tuyến phòng ngự do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 chỉ huy. Quân ngụy muốn biến Xuân Lộc thành nơi tử thủ để bảo vệ Sài Gòn, chúng tuyên bố “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Về phía quân giải phóng miền Nam có Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), Quân đoàn 4 (gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 341), Trung đoàn tăng thiết giáp, Trung đoàn pháo binh...
Chiến dịch Xuân Lộc diễn ra với những trận đánh ác liệt. Vì địch luôn cố thủ, sử dụng nhiều loại hỏa lực, gây thương vong không nhỏ cho quân giải phóng miền Nam. Lúc này ông Minh là tiểu đội trưởng, luôn gan dạ đứng ở tuyến đầu. Cuộc chiến diễn ra nhiều ngày, số lượng binh sĩ hai bên bị thương vong cả ngàn người, riêng đơn vị của ông có nhiều người hy sinh. Do đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng và sự ngoan cố của địch nên quân ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất và không hoàn thành được mục tiêu đề ra ban đầu. Đứng trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng quân Mỹ- ngụy. Từ ngày 12/4/1975, với cách đánh mới, Sư đoàn 7 đã phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của quân đội Sài Gòn. Rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của Mỹ- ngụy tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng. “Cánh cửa thép Xuân Lộc” bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Thừa thắng xong lên, đơn vị của ông Minh đánh tiếp vào Trảng Bom, Dầu Giây, Hố Nai, Biên Hòa. Không may cho ông, trong trận đánh diễn ra ngày 29/4/1975 bị địch phản kích, chúng bắn một quả M79 khiến ông bị mù cả hai mắt, trên người có nhiều thương tích. Từ đây không còn nhìn thấy ánh sáng, đôi mắt của người chiến sĩ gửi lại chiến trường, nhưng ông luôn tự hào đã cùng với đồng đội góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó ông được đưa ra miền Bắc điều trị, khi thành lập tỉnh Bình Trị Thiên ông được đưa về Trại điều dưỡng thương binh nặng ở phường 3, Đông Hà và ở đó cho mãi đến ngày nay. Cũng ở trại này, ông gặp nữ đồng đội cũng là thương binh đặc biệt, chị quê ở Thừa Thiên, tham gia quân đội bị mất một chân. Hai vợ chồng sinh được hai cô con gái nay đã lập gia đình, có công việc ổn định. Hàng ngày ông Nguyễn Văn Minh vẫn tự mình làm các công việc cá nhân. Vào những ngày cuối tháng 4 này lòng ông Nguyễn Văn Minh vẫn rạo rực nhớ về một thời trai trẻ khi cùng đơn vị hành quân thần tốc, bất chấp hiểm nguy, tất cả vì một khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ký ức về những chiến công
Một ngày tháng 4 lịch sử, trong ngôi nhà ba gian giản dị nơi chân cầu Thạch Hãn, chúng tôi gặp người chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 8 (K8), Tỉnh đội Quảng Trị từng nhiều lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. 45 năm qua, ký ức về ngày chiến thắng, về những trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù vẫn còn đó, vẹn nguyên trong trái tim cựu chiến binh Phan Văn Chạy, khu phố 1, phường 3, thị xã Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên tại xã Gio Hải (Gio Linh), vừa lên 3 tuổi, cậu bé Phan Văn Chạy đã sớm mồ côi mẹ. Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ cậu bé Chạy đã luôn ý thức lớn lên phải làm một việc gì đó để góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương.
Năm 1964, khi vừa tròn 19 tuổi, ông làm đơn tình nguyện vào miền Nam để trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tại đây, ông được biên chế vào K8. Ông Chạy bắt đầu câu chuyện trong ký ức bằng những trận chiến đấu ác liệt, những chiến thắng vẻ vang của ông và đồng đội trước kẻ thù. Đó là vào tháng 11/1965, ông cùng các đồng đội trong đơn vị K8 tham gia trận đánh đầu tiên tại đồn Bàu Căng, thôn Tân Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Tại đây, ông Chạy cùng đồng đội đã đánh 2 tiểu đoàn của địch, tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn, bắt sống tiểu đoàn trưởng. Sau trận chiến ác liệt này, ông vinh dự được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Đối với ông Chạy, kỷ niệm không thể nào quên là trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch tại thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng (Triệu Phong) vào ngày 2/6/1966, tại đây quân ta đã đánh 2 tiểu đoàn của địch, tiêu diệt 3 chiếc xe tăng. Trên đà chiến thắng, đến sáng ngày 4/6/1966, K8 tiếp tục đánh trận Phú Liêu, xã Triệu Tài (Triệu Phong). Trong trận này, lực lượng của địch khá lớn với 6 tiểu đoàn và 30 xe tăng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội, K8 đã lập chiến công lớn tiêu diệt được 500 tên địch, 15 xe tăng khiến quân địch phải khiếp sợ bỏ chạy. Cũng chính trong trận này, chiến sĩ Phan Văn Chạy lần thứ hai được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Trong một trận chiến đấu khác vào tháng 2/1967 tại chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch (Triệu Phong), đơn vị K8 cùng với Tiểu đoàn 16 đã đánh 4 tiểu đoàn của địch cùng 20 xe tăng, quân ta tiêu diệt 200 tên địch và 7 chiếc xe tăng. Trận tấn công địch của K8 tại thôn Phú Tài, xã Triệu Thuận (Triệu Phong) cũng là trận đáng nhớ đối với cựu chiến binh Phan Văn Chạy. “Trong trận này, khi địch tấn công vào trận địa của ta, mũi chiến đấu của tôi có 3 đồng chí, tuy nhiên, quá trình chiến đấu 2 đồng chí của tôi đã hy sinh, chỉ còn một mình tôi sống sót, giữa vòng vây của địch, tôi đã nép xuống hầm, chính 2 chiến sĩ hy sinh đã che chở cho tôi thoát bàn tay của kẻ thù. Đến khi trời tối, chờ địch rút hết, tôi mới tự tìm về đơn vị.
Trong trận này, K8 đã tiêu diệt trên 100 lính Mỹ, tôi vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” lần thứ ba”, ông Chạy nhớ lại. Trong một trận khác vào tháng 8/1968, tiểu đoàn của ông Chạy đã chiến đấu quyết liệt với 2 tiểu đoàn lính Mỹ tại thị trấn Cửa Việt (Gio Linh), ở trận này ta tiêu diệt được trên 50 tên địch và bắn hạ 1 máy bay trực thăng. Trước tinh thần chiến đấu quả cảm, làm cho kẻ địch phải khiếp sợ của chiến sĩ Phan Văn Chạy cùng đồng đội, một lần nữa ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tiểu đoàn 8 của ông Chạy tiếp tục chiến đấu anh dũng, tiêu biểu như trận đối đầu tại thôn Hà My, xã Triệu Hòa (Triệu Phong), ông Chạy cùng đồng đội đã tiêu diệt trên 200 tên địch và bắn hạ 5 xe tăng... Chiến công nối tiếp chiến công, chính những trận chiến đấu anh dũng, quả cảm của ông Chạy cùng đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, tạo bàn đạp để tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong những tháng ngày tham gia cách mạng, tình đồng chí đã vun vén cho tình yêu của người chiến sĩ Phan Văn Chạy và cô y tá xinh đẹp Võ Thị Thủy.
Khi đất nước thống nhất, gánh trên vai trách nhiệm của người trụ cột gia đình, ông Chạy tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống giặc đói và giặc dốt, vất vả mưu sinh để nuôi dạy các con khôn lớn thành người. Như thấu hiểu được nỗi vất vả của cha và để xứng đáng với những gì mà cha mình đã làm, các con của ông luôn nỗ lực học tập và trở thành người có ích cho xã hội. Vừa xây dựng tổ ấm riêng cho mình nhưng chưa một ngày ông Chạy quên những đồng đội đã ngã xuống. Đó chính là động lực thôi thúc ông cùng gia đình quyết tâm đi tìm đồng đội. “Hơn ai hết, những cựu chiến binh như chúng tôi phải có trách nhiệm đi tìm đồng đội. Cùng sống, chiến đấu và thấu hiểu được sự hy sinh của các anh, các anh vì Tổ quốc, vì đồng bào, trong đó có chúng tôi, nên việc tham gia cùng đi tìm anh em đồng chí là trách nhiệm của người còn sống”, ông Chạy cho biết thêm. Với quyết tâm đó, trên chiếc xe đạp cũ, người cựu chiến binh này đã lần lượt qua 43 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh, nơi đâu có thông tin về đồng đội, ông Chạy không ngần ngại lên đường.
Đến nay, ông đã tìm và đưa 4 đồng đội về an táng tại quê hương là các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An trong niềm xúc động của họ hàng, gia đình các liệt sĩ. Hiện nay, vẫn còn 35 đồng đội của ông đang nằm rải rác ở các nghĩa trang, ước mơ lớn nhất của người cựu chiến binh này là có đủ sức khỏe để tiếp tục tìm kiếm, đưa các anh về với gia đình, quê hương.
Phước An-Lệ Như