Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp
(QT) - Trong những năm qua, Huyện đoàn Gio Linh (Quảng Trị) đã đẩy mạnh thực hiện chương trình “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có nghề nghiệp ổn định, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều đoàn viên, thanh niên từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương bằng chính mồ hôi, công sức của mình nhờ vào các mô hình trang trại, gia trại… góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau khi được các ...

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

(QT) - Trong những năm qua, Huyện đoàn Gio Linh (Quảng Trị) đã đẩy mạnh thực hiện chương trình “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có nghề nghiệp ổn định, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều đoàn viên, thanh niên từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương bằng chính mồ hôi, công sức của mình nhờ vào các mô hình trang trại, gia trại… góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau khi được các cán bộ, chuyên viên ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, anh Hồ Văn Quốc ở thôn Khe Me, xã Linh Thượng vay vốn mua con giống, mở trang trại nuôi lợn bản trên diện tích rừng trồng của gia đình. “Rừng keo lai của nhà tôi có diện tích gần 10ha, đã cho khai thác. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi tận dụng 3ha đất rừng để thả nuôi 12 con lợn bản. Được Huyện đoàn phối hợp với các ngành, các cấp mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên tôi nắm khá vững về kiến thức phòng, chữa bệnh trên đàn gia súc. Ngoài ra, tôi còn tìm đọc tài liệu, sách báo về kỹ thuật nuôi lợn để tăng thêm hiểu biết. Hiện tại, rừng keo lai và đàn lợn bản đem lại cho gia đình tôi thu nhập ổn định”, anh Quốc chia sẻ.

Một trang trại nuôi gà do thanh niên làm chủ cho thu nhập cao ở Gio Linh

Trang trại nuôi gà lai Bình Định của anh Trần Tấn Phát (30 tuổi) ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2014. Với số vốn ban đầu khoảng 350 triệu đồng, anh Phát xây chuồng trại nuôi gà khép kín với diện tích chuồng 750 m 2 có đầy đủ hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Mỗi năm, anh nuôi từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa nuôi 8.000 con. Sau một lứa nuôi, anh thu lãi từ 40-50 triệu đồng. Từ con giống đến nguồn thức ăn và khâu tiêu thụ đều được đảm bảo nên trang trại chăn nuôi gà của anh Phát ngày càng phát triển. Anh Phát cho biết: “Tôi đã từng học nhiều ngành và làm nhiều nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá hơn. Từ khi tham quan tìm hiểu trang trại nuôi gà của một người quen ở Thừa Thiên-Huế, tôi có ý định về quê mở trang trại nuôi gà lai Bình Định. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, tôi vay vốn xây dựng trang trại với tổng diện tích 7.300 m 2 . Đến nay, trang trại của tôi đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tôi vừa mua cặp dê giống về nuôi thử nghiệm trong trang trại, nếu thuận lợi thì sẽ nhân đàn. Tôi cũng dự định tiến hành nuôi cá rô đầu vuông, trê lai trên 1.000 m 2 diện tích mặt nước. Hiện nay, hệ thống chuồng nuôi dê và ao nuôi cá cơ bản đã hoàn thành…”. Ở xã Trung Giang, còn nhiều mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao như trang trại chăn nuôi lợn, bò của anh Trần Công Đình, anh Phan Văn Ta; nuôi tôm trên cát của anh Trần Quang Biên… “Toàn xã Trung Giang hiện có 100 đoàn viên và 410 thanh niên tại 9 chi đoàn. Thời gian qua, Xã đoàn Trung Giang đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về học nghề, lập nghiệp, giới thiệu địa chỉ, hoạt động của các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, Xã đoàn còn tuyên truyền và giới thiệu đến từng đoàn viên, thanh niên trong địa phương những phiên giao dịch việc làm lưu động để chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp”, Bí thư Xã đoàn Trung Giang Trần Quang Biên cho biết. Thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và trợ giúp vốn cho thanh niên, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều điển hình thanh niên sản xuất giỏi, có thu nhập cao. Hầu hết các địa phương đều có mô hình thanh niên như: trang trại thanh niên, mô hình trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, mô hình gắn sản xuất lương thực với chăn nuôi gia cầm, đầu tư nuôi cá, phát triển đánh bắt thuỷ hải sản, trồng hoa, cây cảnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Minh Hoàn, Bí thư Huyện đoàn Gio Linh cho biết, Huyện đoàn hiện có 21 đoàn cơ sở cấp xã, thị trấn với 4.700 đoàn viên/ 18.000 thanh niên. Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Huyện đoàn triển khai từ năm 2007. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 30 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng/năm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn viên, thanh niên cơ sở nắm bắt được thông tin việc làm cũng như đầu tư làm ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, Huyện đoàn đã thành lập Câu lạc bộ “Sản xuất kinh doanh trẻ” với hơn 30 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Huyện đoàn Gio Linh còn mở lớp tập huấn về kỹ thuật, chuyển giao khoa học- công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt cho các đoàn viên, thanh niên; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tư vấn việc làm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ”; vận động, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đảm nhận những khâu mới đòi hỏi tính sáng tạo… Ngoài mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Huyện đoàn còn tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi và định hướng nghề nghiệp” hàng năm cho các đoàn viên, thanh niên còn ngồi trên ghế nhà trường bằng các hình thức như tư vấn lưu động, tư vấn qua mạng, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tổ chức các mô hình dạy nghề tại chỗ, tìm kiếm những nguồn vốn cho đoàn viên, thanh niên vay… “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên để hỗ trợ về nguồn vốn giúp họ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Huyện đoàn sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan khảo sát để có định hướng giúp đỡ, hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm, Huyện đoàn phát triển mới 5 tổ tiết kiệm vay vốn, nâng tổng số tổ tiết kiệm vay vốn của toàn huyện lên 19 tổ với dư nợ trên 16 tỷ đồng”, anh Hoàn cho biết thêm. Bài, ảnh: TRẦN TUYỀN