Ở lại với rừng làm triệu phú
Đầu năm 2009, giữa thôn Lâm Trường (xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh) đầy nắng gió đã mọc lên một ngôi nhà sàn hiện đại với trị giá vài tỷ đồng mà chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hiển. Bao năm lăn lộn với rừng, của cải tích cóp được, ông không tính chuyện về xuôi mua đất làm nhà để hưởng thụ cuộc sống an nhàn nơi đô thị mà ở lại bám rừng. Ông Hiển tâm sự: “Đã 35 năm qua, tôi gắn bó với nghề rừng, có biết bao buồn vui trắc trở. Chính những năm tháng gian khổ ấy, rừng đã che chở tôi. Bây giờ đến lúc ...

Ở lại với rừng làm triệu phú

Đầu năm 2009, giữa thôn Lâm Trường (xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh) đầy nắng gió đã mọc lên một ngôi nhà sàn hiện đại với trị giá vài tỷ đồng mà chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hiển. Bao năm lăn lộn với rừng, của cải tích cóp được, ông không tính chuyện về xuôi mua đất làm nhà để hưởng thụ cuộc sống an nhàn nơi đô thị mà ở lại bám rừng. Ông Hiển tâm sự: “Đã 35 năm qua, tôi gắn bó với nghề rừng, có biết bao buồn vui trắc trở. Chính những năm tháng gian khổ ấy, rừng đã che chở tôi. Bây giờ đến lúc nghỉ hưu, tôi vẫn còn nặng nghĩa với rừng”. Ông Trần Hữu Hiển cho biết: Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), một vùng quê bên bờ sông Bến Hải. Xuất thân từ một gia đình thuần nông nên ông chỉ quen với việc cấy cày mà không thạo nghề rừng. Nhưng có lẽ do số phận sắp đặt, năm 1973 (sau 4 năm lăn lộn trên chiến trường Quảng Trị) ông được chuyển ngành về công tác ở Lâm trường Bến Hải rồi được biên chế vào đội khai thác gỗ thuộc Phân trường Bãi Hà. Từ công nhân khai thác gỗ, trồng rừng đến cán bộ quản lý đội sản xuất, ở vị trí công tác nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Lâm trường Bến Hải đã nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chuyển từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Các đội sản xuất của Lâm trường thực hiện theo phương thức giao khoán sản phẩm. Cơ chế thoáng, người lao động tự chủ với công việc của mình, chính nhờ vậy, giá trị sản phẩm sản xuất ra không chỉ đáp ứng yêu cầu mà còn làm lợi, tăng ngân sách cho nhà nước. Bên cạnh cơ chế mở, người làm nghề rừng cũng phải biết hạch toán chi tiết, quản lý tốt vật tư, nguyên liệu để giảm bớt chi phí cho việc khai thác cũng như trồng rừng. Đây là thời điểm mà ông phát huy hết năng lực của mình trong quản lý, điều hành sản xuất, tăng khối lượng sản phẩm cho nhà nước đồng thời tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Có chút vốn liếng trong tay, ông đầu tư trở lại cho rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Khi Lâm trường Bến Hải có chủ trương giao đất, giao rừng, ông đã nhanh chóng bắt nhịp với thời cuộc. Năm 1997, ông dốc vốn liếng đầu tư trồng được 10 ha cao su thuộc Dự án 327 và nhận khoán trồng 50 ha rừng thuộc Dự án 661. Thời điểm đó, cây cao su là loại cây trồng mới mẻ đối với vùng đất Bải Hà nên bên cạnh sự hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cao su của cán bộ dự án, ông còn mày mò học hỏi thêm kinh nghiệm từ công nhân Nông trường Quyết Thắng để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, vườn cao su của gia đình ông có tỷ lệ cây sống cao, cho sản lượng mủ nhiều. Ngoài việc trồng, chăm sóc tốt vườn cây cao su của gia đình, ông còn khuyến khích, động viên, hướng dẫn bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh) cùng làm theo. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông, nhiều hộ đã trồng được từ 1- 3 ha cao su, đến nay đã cho thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con dân tộc Vân Kiều. Hiện nay, 10 ha cao su của gia đình ông đã đưa vào khai thác năm thứ 4. Thời điểm cao su được giá, mỗi tháng ông có thu nhập bình quân 60 triệu đồng. Riêng 50 ha rừng nguyên liệu sắp đến kỳ khai thác cứ tính bình quân thu khoảng 40 triệu/ha thì ông có trong tay nguồn thu trên 2 tỷ đồng. Hiện tại, ông đang tập trung đầu tư chăm sóc và phân lịch khai thác rừng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh, đồng thời lập kế hoạch để chuẩn bị trồng mới trên diện tích đã khai thác xong. Bên cạnh việc trồng rừng, ông còn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đàn bò của gia đình ông lúc nào cũng có từ 30- 40 con và mỗi năm ông thu lãi từ 20-30 triệu đồng. Ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động trong vùng (có thu nhập bình quân 2 triệu/ người/ tháng). Nhờ có kế hoạch, biết mạnh dạn đầu tư sản xuất, ông Trần Hữu Hiển đã xây dựng cho gia đình mình một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Ông cho biết thêm: Thu nhập của gia đình mỗi năm cũng được 300 triệu đồng (sau khi trừ các khoản chi phí). Với ông, ở lại với rừng không chỉ vì nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng. Mà cái chính là nghĩa tình, sự gắn bó cả cuộc đời ông với rừng, với bà con dân bản. Ngôi nhà sàn mà ông đang xây dựng đã nói lên được phần nào tình cảm gắn bó của gia đình ông đối với phong tục, tập quán văn hoá của đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Hà. Phương Mai