Đánh thức tiềm lực La Lay (Bài 1)
Bài 1: Từ “Con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta...” (QT) - Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2000), đồng chí Đống Ngạc, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có bài viết, nhan đề: “Ý tưởng của Anh Ba Duẩn về con đường Trường Sơn hiện đại” đăng trên báo Nhân Dân. Theo tác giả bài viết, năm 1973 sau khi Hiệp định Pa- ri về Việt Nam được ký kết, đồng chí Lê Duẩn đã đi thăm Binh đoàn Trường Sơn, giao nhiệm vụ đẩy nhanh nhịp độ xây dựng và chuẩn bị hậu cần cho giai đoạn cuối cuộc kháng chiến cứu nước. Trong sổ vàng của đơn vị, đồng chí Lê Duẩn viết: “ Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam- Bắc, thống nhất nước nhà; là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc ba nước Đông Dương. Đường Trường Sơn nhất định sẽ được kéo dài và mở rộng...Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn.. .”. Năm 1977, đi từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh bằng ô tô để khảo sát tình hình một số tỉnh miền Nam sau giải phóng, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói đến nhiệm vụ phải nâng cấp Quốc lộ 1A và trong tương lai phải xây dựng lại đường Trường Sơn thành một con đường xuyên Việt hoàn chỉnh, hiện đại, song song với Quốc lộ 1A để đảm bảo giao lưu kinh tế thông suốt từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Trong quá trình phát triển sẽ mở nhiều đường ngang, như những nấc thang nối liền các thành phố, thị xã ở đồng bằng, ven biển phía Đông với các trung tâm kinh tế, văn hóa đã và sẽ hình thành ở trung du, miền núi phía Tây. Cùng với đó là cố gắng khai thác vùng đồng bằng hiệu quả cao, chăm lo phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và ra sức mở mang kinh tế ở trung du và miền núi, tìm mọi cách thay đổi từng bước cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng đi đôi với phân bổ lại lực lượng lao động cho hợp lý đối với từng vùng.
 |
Hoạt động vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông |
Theo hồi ức của đồng chí Đống Ngạc: “Tổng Bí thư Lê Duẩn rất tha thiết với đường Trường Sơn. Trong những chuyến đi thăm miền Trung, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề nghị bố trí đi một đoạn đường Trường Sơn từ Thanh Mỹ đến Khâm Đức (thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) hoặc từ Đakrông đến A Sầu- A Lưới (thuộc tỉnh Bình Trị Thiên), nhưng hồi đó đường rất xấu và an ninh chưa thật bảo đảm nên ban lãnh đạo các tỉnh nói trên không thu xếp được. Và chúng tôi chỉ dám đưa Anh Ba Duẩn đi một đoạn ngắn khoảng 14 km đường Trường Sơn Đông từ cầu Đakrông vào phía Nam, sau đó phải quay lại đường 9 để về Huế...”. Hôm nay, chúng tôi lại đi trên con đường Hồ Chí Minh nối cầu treo Đakrông với Cửa khẩu Quốc tế La Lay vừa được nâng cấp. Gần 120 km, con đường như một dải lụa uốn lượn, men theo triền núi, mải miết vươn về phương Nam; những cung đường cứ liên tiếp hiện ra sau mỗi khúc vòng cung, tưởng như dài vô tận. Đường đã thông thoáng và êm thuận, có những đoạn phẳng lỳ mặt thảm nhựa, tưởng như đã chạm được bánh xe vào một đại lộ cao tốc nếu như không nhìn ra cửa kính, miên man màu xanh của núi rừng hút tầm mắt người. Ta có thể cảm nhận được sự khởi sắc của vùng đất này qua tốc độ lăn bánh của những chuyến xe nặng trĩu hàng hóa từ phía Tây Nam về Quốc lộ 9; qua những bản làng bình yên giữa những khu vườn rộng rãi; qua những ngôi trường mới, trạm xá mới, những cột ăng ten bưu điện vươn lên trời cao và ánh điện sáng ấm trong những căn nhà sàn mộc mạc... Và khi dừng chân ở thị tứ Tà Rụt, một cuộc sống sôi động nơi miền sơn cước khiến ai cũng cảm thấy ấm áp trong lòng. Tà Rụt trước đây chỉ là một vùng bản heo hút, khuất lấp giữa núi rừng Trường Sơn. Đường Trường Sơn công nghiệp hóa đi qua, Tà Rụt có cơ hội vươn lên để trở thành một trung tâm cụm xã của cả vùng, thành một thị tứ khá năng động. Mọi tiềm năng từ đất đai, lao động bắt đầu được đánh thức. Tà Rụt có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ trên 648 ha nhưng có đến 604,5 ha trồng cây lương thực, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cho cả vùng. Hiện nay toàn xã trồng được trên 80 ha sắn, 300 ha ngô, 320 ha chuối và tổng số đàn gia súc, gia cầm lên trên 6.000 con. Trong đó, việc đưa giống sắn KM94 vào sản xuất đại trà, cho năng suất đạt gần 15 tấn/ha là một “điểm nhấn” trong cung cách làm ăn của người dân Tà Rụt. Bên cạnh đó là cây chuối và ngô lai cũng góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhanh chóng. Đặc biệt, nhờ lợi thế từ tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, cư dân sống cạnh đường đã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện tại địa bàn xã có trên 100 hộ kinh doanh buôn bán đủ các mặt hàng, từ phục vụ cho tiêu dùng đến sản xuất, sinh hoạt, đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của người dân trong xã và một số xã lân cận. Nhờ chú trọng phát triển kinh tế nên đời sống của 907 hộ dân trong xã có nhiều cải thiện.
 |
San ủi mặt bằng xây dựng hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế La Lay |
Theo lãnh đạo xã Tà Rụt, nguyên nhân khởi sắc của vùng đất này thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng của xã nhà là do 5 năm trở lại đây nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông từ huyện vào xã (tuyến đường 14) và từ trung tâm xã đến 9 thôn trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chính những con đường đã góp phần đem lại hiện thực giàu có cho người dân Tà Rụt hôm nay. Khi dừng chân ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay, một sự nhộn nhịp hiếm gặp đã làm cho những người không ít lần đến đây như chúng tôi ngỡ ngàng. Những đoàn xe chở gỗ nối đuôi nhau chờ thông quan. Rất nhiều thương gia và người dân hai nước Việt- Lào, kể cả một số khách quốc tế cũng có mặt để xuất, nhập cảnh. Phía bên kia sườn dốc, một đại công trường đang được mở ra, máy móc các loại đang san ủi mặt bằng, vỡ vạc hình hài một khu vực cửa khẩu quốc tế sang trọng và hiện đại trong tương lai gần. Ông Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, Cửa khẩu La Lay phía Việt Nam thuộc địa phận thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; phía bạn Lào thuộc địa phận huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan. Ngày 30/4/1998, Cửa khẩu La Lay được Chính phủ 2 nước Việt Nam- Lào nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia và ngày 25/6/2014 nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Cùng với đó, về phía Việt Nam, Quốc lộ 15D (nối từ Quốc lộ 14 tại ngã ba A Ngo lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay) dài 12,2 km đã được cấp tốc nâng cấp từ Tỉnh lộ 588 lên Quốc lộ 15D vào tháng 7/2013. Phía bạn Lào cũng vậy. Chục năm về trước, tuyến đường 15B về Cửa khẩu La Lay, người, xe phải vạch lá rừng mà đi trên nền một con đường cũ không thể xuống cấp hơn. Vào năm 2003, con đường chiến lược này đã được Chính phủ Lào đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với kinh phí gần 200 triệu USD, được đánh giá là một trong những con đường đẹp của đất nước Triệu Voi. Với độ dài 174 km, trải nhựa, nền rộng 9 mét, mặt đường rộng 8 mét, Quốc lộ 15B kết nối từ Cửa khẩu La Lay đến tỉnh lỵ Salavan và thành phố Pakse, tỉnh Champasak, trung tâm kinh tế- xã hội khu vực Nam Lào. Một cán bộ Hải quan Cửa khẩu La Lay cho biết, nhờ thông thoáng nên hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tăng mạnh trong giai đoạn 2010-2013 và tăng đột biến trong năm 2013 kể từ khi phía Lào đưa tuyến đường 15B vào hoạt động. Nếu năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này là 24 triệu USD thì đến năm 2013 tăng gần gấp 3 lần, với hơn 63 triệu USD và dự báo năm 2014 có thể đạt 85 triệu USD. Theo đó, con người và phương tiện qua lại cửa khẩu này cũng tăng mạnh, năm 2013 tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Từ đây, cùng với Quốc lộ 9, đường Trường Sơn, Quốc lộ 15D phía Việt Nam sẽ được nâng đồng cấp, thông thương với Quốc lộ 15B của nước bạn Lào. Sự kết nối về giao thông này có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, mở ra một tuyến đường ngắn nhất, thuận lợi nhất kết nối với các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, về Quảng Trị, khai thác hiệu quả hơn tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây. Với La Lay, với Đakrông hôm nay, “ Con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta...” như dự cảm của Tổng Bí thư Lê Duẩn hơn 40 năm trước đang hiện hữu từng ngày... (Còn nữa) Bài ảnh: ĐÀO TÂM THANH