Cần có nhà công vụ cho cán bộ, công chức miền núi
(QT) - Hiện nay, tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều cán bộ, công chức xã đang gặp khó khăn vì không có nơi ở ổn định. Ai cũng mong có một ngôi nhà công vụ để yên tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Ngày mới về công tác tại địa phương, anh Trần Minh Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, huyện Đakrông và nhiều cán bộ, công chức sống xa gia đình khác đều bối rối, không biết nương nhờ ở đâu. Từ trước đến nay, xã Húc Nghì không có nhà công vụ cho cán bộ, công ...

Cần có nhà công vụ cho cán bộ, công chức miền núi

(QT) - Hiện nay, tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều cán bộ, công chức xã đang gặp khó khăn vì không có nơi ở ổn định. Ai cũng mong có một ngôi nhà công vụ để yên tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Ngày mới về công tác tại địa phương, anh Trần Minh Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, huyện Đakrông và nhiều cán bộ, công chức sống xa gia đình khác đều bối rối, không biết nương nhờ ở đâu. Từ trước đến nay, xã Húc Nghì không có nhà công vụ cho cán bộ, công chức. Thế nên, anh Huỳnh và một đồng nghiệp khác phải xin ở nhờ tại điểm bưu điện - văn hóa xã. Đến nay, 4 năm trôi qua, anh Huỳnh vẫn trong tình cảnh “sống tạm”. “Cũng như trụ sở UBND, điển bưu điện- văn hóa xã nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ cuốn, lũ ống, cần di dời khẩn cấp. Thế nên, hễ mưa to, gió lớn là mấy anh em sống ở đây đều lo lắng”, anh Huỳnh cho biết.

Xa gia đình, chị Võ Thị Nghĩa ở nhờ tại nhà một người dân tại bản Húc Nghì, xã Húc Nghì

Tuy nhiên, trong số cán bộ, công chức sống xa gia đình tại xã Húc Nghì, anh Trần Minh Huỳnh được xem là trường hợp may mắn. Sau anh, 8 đồng nghiệp vào địa phương công tác đều phải ở nhờ nhà dân. Chị Võ Thị Nghĩa, cán bộ tư pháp xã Húc Nghì chia sẻ: “Hàng ngày, tôi tự túc ăn uống và mỗi tháng gửi cho chủ nhà 300 ngàn đồng. Dẫu được bà con yêu quý, xem như con cháu nhưng tôi vẫn muốn có một không gian riêng để ở. Là phụ nữ, chị em mình vốn có những chuyện rất tế nhị mà”. Chị Nghĩa cho biết thêm, việc ở nhờ nhà dân giúp cán bộ, công chức sống xa gia đình hiểu hơn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Bên cạnh đó, anh chị em thuận lợi trong việc lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thế nhưng, khó ai có thể tránh khỏi những những mâu thuẫn nhỏ nảy sinh trong cuộc sống. Cũng chung cảnh làm việc xa gia đình, 7 cán bộ, công chức công tác tại UBND xã A Xing, huyện Hướng Hóa buộc phải chọn phương án đi, về trong ngày. Không có nơi nghỉ trưa, các anh chị phải chợp mắt ngay tại phòng làm việc hoặc ra quán ngồi uống nước, trò chuyện. “Là lãnh đạo xã, bản thân tôi mong có nhà công vụ như các giáo viên ở xã cho anh em cán bộ, công chức. Ngày nào cũng vượt đoạn đường xa ngái, vắng vẻ đến cơ quan làm, rồi lại vội vã về nhà kẻo trời tối, họ đều mệt mỏi và lo lắng. Lương cán bộ, công chức xã thì thấp mà tiền đổ xăng, sửa chữa xe lại quá nhiều”, anh Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing bày tỏ nỗi trăn trở. Trong khi đó, tại nhiều xã khác trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông như: Ba Tầng, A Túc, Ba Nang... cán bộ, công chức xã công tác xa gia đình phải sống chen chúc trong các trụ sở cũ, đã xuống cấp hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng. Do thiết kế của công trình không phải để ở nên họ gặp nhiều điều bất tiện. Thậm chí, một số trường hợp phải dựng chái tạm thời để nấu ăn, khoanh bạt làm nơi tắm giặt, nhà vệ sinh… Thực trạng cán bộ, công chức ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa và Đakrông phải đối diện cảnh “sống tạm” đã diễn ra nhiều năm nay. Vì lo lắng chuyện “ăn nhờ ở đậu” mà một số trường hợp cán bộ, công chức từ chối về cơ sở làm việc hoặc tìm cách thuyên chuyển công tác. Được biết, các cán bộ, công chức xã vùng khó đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ai cũng mong sớm được ổn định nơi ăn ở để có thể yên tâm trong cuộc sống và tập trung cao vào công việc. Bài, ảnh: TÂY LONG