Đánh giá công tác giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2005-2015
(QT) - Ngày 12/10/2016, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị đánh giá công tác giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2005-2015. Đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
 |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân |
Từ năm 2005-2015 tỉnh Quảng Trị đã giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình là 11.262,9 ha. Trong đó giao cho cộng đồng 6.520,9 ha/56 cộng đồng, hộ gia đình 4.742 ha/820 hộ. Tổng kinh phí thực hiện giao rừng 6,4 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp kinh tế là 2,9 tỷ đồng, vốn các dự án 3,5 tỷ đồng. Về khoán bảo vệ rừng, từ năm 2005-2015 thông qua các chương trình, dự án như Chương trình 30a, Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng, Chi trả dịch vụ môi trường rừng và dự án JICA2 với diện tích khoán bảo vệ rừng là 189.307,1 lượt ha/3.933 lượt hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện khoán bảo vệ rừng là 46,3 tỷ đồng. Về thuê rừng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 100 ha rừng tự nhiên đặc dụng được cho thuê để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên. Đơn vị thuê rừng là Công ty TNHH TMDV Sông Hiền. Rừng cho thuê là rừng tự nhiên có trữ lượng 100-150 m3/ ha, giá thuê là 7,3 triệu đồng/ha/năm. Địa điểm cho thuê là rừng ở Khu Rú Lịnh thuộc 2 xã Vĩnh Hiền,Vĩnh Hòa, thời hạn thuê là 30 năm. Qua 10 năm thực hiện giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng đã có 185.000 ha rừng đã có chủ thật sự, gần 19.000 lượt ha rừng đã được kiểm soát và bảo vệ, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa. Việc giao rừng tự nhiên đã tạo được động lực phát triển kinh tế cho hộ và cộng đồng thông qua hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao vai trò trách nhiệm của mọi người trong việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Rừng được giao có chủ quản lý nên đã được bảo vệ chặt chẽ. Chính sách khoán bảo vệ rừng có vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ rừng, trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế lâm nghiệp ở nông thôn. Thông qua khoán bảo vệ rừng đã tạo việc làm ổn định cho 3.933 lượt hộ nhận khoán, nhờ đó giảm xung đột giữa các Ban quản lý với người dân do có sự hài hòa về lợi ích. Quản lý, bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên và đất lâm nghiệp, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các nguồn lực vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Thông qua hoạt động giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng đã đạt được 3 mặt cơ bản về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên việc giao rừng do kinh phí còn hạn chế nên tiến độ thực hiện còn chậm. Hầu hết diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ và cộng đồng có trữ lượng thấp, chất lượng rừng kém, lâm sản ngoài gỗ ít và nằm ở xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng và hưởng lợi. Về khoán bảo vệ rừng một số chương trình, dự án phê duyệt vốn chậm nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện của các đơn vị chủ rừng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân còn thấp, số tiền hỗ trợ chưa đủ đáp ứng nhu cầu để thực hiện công tác bảo vệ rừng. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nhà nước quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và hưởng lợi từ rừng đối với hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định hiệu quả to lớn của chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng đối với sự phát triển kinh tế và cải tạo môi trường sinh thái trên địa bàn. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nên trong thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND tỉnh ngày 17/8/2012. Đối với các sở, ngành cấp tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giao, khoán, cho thuê rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát nhu cầu, diện tích rừng để xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê và khoán bảo vệ rừng. Tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án để giúp người dân thực hiện làm giàu rừng, hưởng lợi từ rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động sau giao rừng của các hộ và cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với UBND các huyện, địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng, nhất là chính sách hưởng lợi đến người dân. Kiện toàn lại Ban chỉ đạo giao rừng, tổ công tác giao rừng để tổ chức thực hiện; rà soát đề xuất giao, cho thuê, khoán đối với các khu vực do địa phương quản lý. Đối với các chủ rừng cần chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng hiện có để tổ chức triển khai thực hiện. Tiến hành rà soát các diện tích rừng chưa giao khoán để đưa vào kế hoạch khoán bảo vệ rừng cho giai đoạn tiếp theo. Tại hội nghị, UBND tỉnh trao bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giao, khoán và bảo vệ rừng giai đoạn 2005-2015. Tin, ảnh: H.N.K