Chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị trong xu thế đô thị hóa
(QT) - Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã đạt được những kết quả tích cực, các vùng chuyên canh lúa, cây hoa màu, hoa, nuôi thuỷ sản từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của thành phố có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần; chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và chưa tạo dựng được uy tín, thương hiệu và sự tín nhiệm đối với người tiêu dùng… Trên cơ sở này, ...

Chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị trong xu thế đô thị hóa

(QT) - Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã đạt được những kết quả tích cực, các vùng chuyên canh lúa, cây hoa màu, hoa, nuôi thuỷ sản từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của thành phố có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần; chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và chưa tạo dựng được uy tín, thương hiệu và sự tín nhiệm đối với người tiêu dùng… Trên cơ sở này, thành phố Đông Hà xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020 theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị.

Trồng rau sạch ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà

Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, giá trị thu nhập bình quân đạt 90 triệu đồng/ha. Giảm diện tích trồng lúa còn khoảng 800 - 850 ha (hiện nay 1.093 ha); 85 - 90% diện tích canh tác giống lúa chất lượng cao; xây dựng các mô hình điểm sản xuất lúa giống tập trung và cánh đồng lớn. Phát triển diện tích trồng rau các loại đạt 170 - 180 ha, trong đó diện tích rau sạch, ứng dụng công nghệ cao đạt trên 120 ha. Diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt 10 - 12 ha; tăng quy mô, số lượng hoa chậu đạt từ 28.000 - 30.000 chậu. Diện tích nuôi thủy sản đạt 130 - 140 ha, trong đó nuôi tôm đạt 65 - 70 ha. Duy trì đàn trâu, bò 1.600 - 1.700 con, đàn lợn 8.000 - 8.500 con; đàn gia cầm 55.000 - 60.000 con. Để thực hiện các mục tiêu này, Đông Hà tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng đầu tư công tác thâm canh, khuyến nông, bảo vệ thực vật; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến; đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh vào sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa tập trung tại các phường Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương để đáp ứng nhu cầu thị trường. Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất rau tập trung ở phường Đông Thanh và Đông Giang; có phương án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa các loại. Nghiên cứu, lựa chọn đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng của thành phố. Tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân. Phát triển sản xuất hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố; nhân rộng các mô hình giống hoa mới, hoa chậu trong nhà vườn có giá trị kinh tế cao gắn với hỗ trợ công tác tiêu thụ rau, hoa thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu liên kết tiêu thụ sản phẩm...Đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng nuôi tôm tập trung hiện có ở các phường Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương; từng bước chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp ở phường Đông Giang, Đông Lương sang nuôi tôm nước lợ và ưu tiên phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt theo hướng trang trại, gia trại, bán thâm canh và thâm canh. Phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện đô thị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ở các vùng xa khu dân cư, các vùng đồi phía Tây thành phố…Cùng với những giải pháp trên, thành phố thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thiết bị; chính sách vay vốn, hỗ trợ giống; khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm; chính sách hỗ trợ khi bị thiên tai, dịch bệnh và bố trí kinh phí đầu tư thực hiện… Thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp này, thành phố Đông Hà sẽ có nền nông nghiệp được quy hoạch, tổ chức sản xuất hợp lý, khoa học trong điều kiện quỹ đất khu vực trung tâm và vùng ven ngày càng bị thu hẹp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, tươi sống và an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị mà còn tạo việc làm và thu nhập cao cho một bộ phận dân cư đô thị. Nông nghiệp đô thị sẽ loại bỏ dần việc tổ chức sản xuất theo kiểu quảng canh, truyền thống để tiếp cận, ứng dụng khoa học nghệ làm gia tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình sản xuất chuyên biệt để cung ứng rau, hoa và thực phẩm phục vụ các loại hình dịch vụ - du lịch. Nông nghiệp đô thị cũng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, an toàn sinh học; giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị; cải tạo đất, tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị, góp phần quan trọng trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Đông Hà đang trên hành trình đô thị hóa mạnh mẽ, quá trình này đã và đang tác động đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội, trong đó ảnh hưởng rõ nhất chính là sản xuất nông nghiệp địa phương. Do vậy, phát triển nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp tối ưu để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như những vấn đề liên quan khác phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố. Bài, ảnh: HUY QUÂN