Ai về Mỹ Thủy…
(QT) - Tôi đã biết Mỹ Thủy, Hải An, Hải Lăng từ trước khi đặt chân đến mảnh đất này. Có thể gọi tên đây là “Làng đỏ” giữa bời bời cát trắng Hải Lăng…Cách đây tròn 60 năm, đã có một cuộc, đúng ra là hai cuộc thảm sát kinh hoàng cách nhau chưa đầy một tháng diễn ra trên cái làng biển Quảng Trị và nó như những nhát dao chém vào ký ức quê nhà.

Ai về Mỹ Thủy…

(QT) - Tôi đã biết Mỹ Thủy, Hải An, Hải Lăng từ trước khi đặt chân đến mảnh đất này. Có thể gọi tên đây là “Làng đỏ” giữa bời bời cát trắng Hải Lăng…Cách đây tròn 60 năm, đã có một cuộc, đúng ra là hai cuộc thảm sát kinh hoàng cách nhau chưa đầy một tháng diễn ra trên cái làng biển Quảng Trị và nó như những nhát dao chém vào ký ức quê nhà.

Nhưng tại sao lại là Mỹ Thủy?

Nhiều người đồng thuận cao với ý kiến đây là vùng quê có truyền thống cách mạng kiên trung, lại có lợi thế trong giao thông thủy-bộ, tạo nên huyết mạch thông thương giữa một vùng đồng bằng có vị trí kinh tế quan trọng trong kháng chiến, một cửa ngõ từ Thừa Thiên-Huế ra Quảng Trị. Tóm lại là một cái gai nhọn trong mắt quân xâm lược hồi ấy đang muốn đánh nhanh thắng nhanh để thực hiện dã tâm nuốt gọn “Bình Trị Thiên khói lửa”. Cũng như cách đó không xa, “Trận Thanh Hương” ác liệt khi giặc Pháp hành binh từ Huế ra Quảng Trị và đã được nhà văn Nguyễn Khắc Thứ khắc họa thành công trong tác phẩm truyện ký cùng tên buổi đầu kháng chiến. Giặc ngoại bang đã nhiều lần càn quét vùng đất Hải Lăng mà không đạt được mục đích của chúng. Những cơ quan đầu não, bộ đội và dân quân du kích cùng với những làng kháng chiến vẫn bảo toàn được lực lượng chờ đợi thời cơ phản công. Chiến tranh nhân dân đã được chính nhân dân hưởng ứng hết mình đùm bọc đến cùng, được những làng quê như Mỹ Thủy quyết sống mái với loài sói lang cướp nước.

Đền tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948. Ảnh: P.V

Hủy diệt, hủy diệt một cách tàn bạo như thời Trung cổ, hủy diệt càng nhiều càng tốt, đó là âm mưu và thủ đoạn tàn độc ghê rợn đến tột cùng khi kẻ thù muốn xóa sổ một “Làng đỏ” không cam chịu lùi bước trước quân xâm lược. Và hai trận thảm sát man rợ đã cướp đi 526 mạng người Mỹ Thủy vào năm 1948, chính xác là vào ngày 19/3 và 8/4/1948.

Trên bia chứng tích hôm nay của một di tích quốc gia ở Mỹ Thủy chỉ ghi ngắn gọn hơn sáu mươi chữ về tội ác trời không dung, đất không tha để tạc vào đất trời và lòng người các thế hệ về vụ thảm sát lịch sử: “Với âm mưu dập tắt lòng yêu nước và phong trào cách mạng của nhân dân Quảng Trị, trong hai ngày 19/3 và 8/4, quân đội Pháp tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn đã càn quét và thảm sát một cách man rợ thôn Mỹ Thủy làm chết 526 thường dân vô tội, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. Vụ thảm sát năm 1948 là một trong những tội ác diệt chủng dã man nhất mà quân đội Pháp gây ra trên đất nước Việt Nam”.

Thương tiếc những người dân yêu nước, một lòng trung trinh với cách mạng và kháng chiến, nhà thơ Quảng Trị Dương Tường đã viết bài thơ “Tiếng hàng dương Mỹ Thủy” vào năm 1949. Những câu thơ thác lời cây dương làng biển thống thiết và căm hờn vang lên như những hồi chuông tưởng niệm những đồng bào đã khuất: “Ta, cây dương Mỹ Thủy/Kể lể thù năm xưa/Lời thấm vào xương tủy/Vang ngân dài muôn thu…Muôn đời sau dằng dặc/Có khuây hận thù xưa/Ta gởi trời vi vút/Thương xót đến bao giờ”.

Tôi vẫn còn nhớ đến một tác phẩm văn học về làng quê Mỹ Thủy đọc thời bao cấp đang tuổi học trò. Trong kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm được biết đến nhiều. Nhà thơ Thu Bồn chỉ ghé qua huyện Triệu Hải ít ngày mà đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết hai tập “Dưới đám mây màu cánh vạc” tái bản đến mấy lần, được dịch giả Xô viết dịch sang tiếng Nga. Cuốn sách này được nhiều người ưa thích bởi yếu tố kỳ ảo được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hợp lý, tạo nên một tác phẩm khá thành công theo ý kiến của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Ông còn cho rằng vì tác giả là con đẻ của chiến tranh nên khi gặp câu chuyện anh hùng Trần Thị Tâm, dù chỉ qua thực tế sáng tác vài ngày, Thu Bồn vẫn viết nên một cuốn tiểu thuyết khá đầy đặn về một người con gái kiên cường, bất khuất của quê hương Quảng Trị, ấy là nhờ vốn sống, kinh nghiệm sống của mình qua chiến tranh. Nhiều trường học, đường phố ở Quảng Trị mang tên người liệt nữ Mỹ Thủy như là một chứng chỉ tâm linh uống nước nhớ nguồn.

Mới đây, tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương xã Hải An để tìm hiểu và có thể tái hiện một hoạt động văn nghệ dân gian độc đáo nơi đây, đó là màn múa tập thể thường được diễn xướng vào lễ hội, nhất là mùa xuân, có tên “Thiên hạ thái bình”. Thật tuyệt vời tên gọi này khi bày tỏ khát vọng cao quý và vĩnh hằng của loài người! Thái bình, thịnh trị đời nào mà chẳng cần và ai mà chẳng muốn.

Và hôm nay khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, một khu kinh tế động lực được khởi đầu từ năm 2015 đến năm 2035 có tầm nhìn đến năm 2050 đang chuyển động. Làng quê Hải Lăng trong đó có Mỹ Thủy cũng đang đứng trước vận hội mới chuyển mình. Làng biển Mỹ Thủy, nước mắm Mỹ Thủy, truyền thống Mỹ Thủy rồi cảng Mỹ Thủy sẽ là những danh xưng đã, đang mang lại nhiều niềm tin và hy vọng cho quê nhà đang vượt khó đi lên. Tin rằng với truyền thống kiên cường, quả cảm, với tâm và lực của bao người nặng lòng với quê hương xứ sở, viễn kiến về một ngày mai Mỹ Thủy-Hải LăngQuảng Trị chắc hẳn sẽ rõ nét và được thực chứng qua từng nhịp bước thời gian.

Phạm Xuân Dũng