Viện KSND tỉnh Quảng trị: Nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước
* Lê Xuân Đường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng trị   Cách đây 50 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát trong bộ máy nhà nước ta. Sự ra đời của Viện Kiểm sát nhân dân là một tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu xây dựng bộ máy nhà nước và yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.  Kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm hoạt động của Viện công ...

Viện KSND tỉnh Quảng trị: Nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước

* Lê Xuân Đường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng trị

Cách đây 50 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát trong bộ máy nhà nước ta. Sự ra đời của Viện Kiểm sát nhân dân là một tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu xây dựng bộ máy nhà nước và yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm hoạt động của Viện công tố trong cách mạng dân tộc, dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, 50 năm qua ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm đầu mới thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân vừa khẩn trương xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, vừa triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết 68/NQ-TƯ ngày 1/2/1963 của Bộ Chính trị, hoạt động kiểm sát tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp phần tử phản cách mạng và tội phạm, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Từ năm 1975, miền Nam nước ta được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. Đây là thời kỳ ngành Kiểm sát nhân dân có những bước phát triển mới cả về tổ chức và họat động. Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam mới được thành lập nhưng đã tích cực phục vụ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng mới giải phóng. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân đối với việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước. Từ năm 1986, quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng trong các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI,VII,VIII, IX, X và các Nghị quyết khác của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, phục vụ ngày càng có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước. Thực hiện các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2002 và các văn bản pháp luật có liên quan, quán triệt và thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết 08/NQ-TƯ ngày 2/1/2002 và Nghị quyết 49/NQ-TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, VKSND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, ma túy và các loại tội phạm có tổ chức, đồng thời chú trọng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xét xử để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan sai người vô tội, đảm bảo các hoạt động tố tụng tuân theo đúng quy định của pháp luật. Với những cống hiến của ngành đối với sự nghiệp cách mạng trong suốt 50 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1985 và 1990; 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 7 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động các hạng... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho ngành Kiểm sát nhân dân. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc, Nam và tỉnh Quảng Trị nằm trong ranh giới quân sự tạm thời, chia làm 2 khu vực: Khu vực Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 được hoàn toàn giải phóng, cùng với các tỉnh, thành phố ở miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Khu vực Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải cùng với các tỉnh, thành phố ở phía Nam vĩ tuyến 17 trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, tiếp tục làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Nghị định số 551-TTg thành lập đặc khu Vĩnh Linh. Khu vực Vĩnh Linh từ đây được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng, tương đương với 1 tỉnh. Sau gần 20 năm bị chia cắt, ngày 1/5/1972 tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Để kịp thời đáp ứng tình hình và nhiệm vụ của tỉnh vừa được giải phóng, tháng 7/1974, Viện công tố tỉnh Quảng Trị được thành lập và đi vào hoạt động, đây là một tổ chức tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị ngày nay. Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình- Quảng Trị- Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, tháng 4/1976 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, Viện công tố các huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Trị cũ đều chuyển thành Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã. Ngày 8/5/1989, Bộ Chính trị ra Quyết định số 87-QĐ/TƯ về việc chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh. Ngày 30/6/1989, tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá VIII đã thông qua Nghị quyết chia tách địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, ngày 4/7/1989, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị. Từ đây, cùng với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới.

Đồng chí Trần Quốc Vượng,Viện trưởng Viện KSND Tối cao thăm và làm việc tại Viện KSND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: N.V

Hơn 20 năm qua, kể từ ngày tái lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng nhân dân, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Uỷ ban nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp, các ngành hữu quan và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị không ngừng phấn đấu, từng bước trưởng thành trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an tòan xã hội trên địa bàn, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về quản lý hành chính - kinh tế - xã hội, Viện kiểm sát hai cấp tập trung kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua công tác này, đã kháng nghị yêu cầu bãi bỏ, sửa đổi hàng trăm văn bản có vi phạm của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Đồng thời tiến hành kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật theo kế hoạch tập trung của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế có nhiều vi phạm. Đã kháng nghị, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, xử lý bằng biện pháp hình sự nhiều cá nhân vi phạm, góp phần lập lại trật tự pháp luật trên các lĩnh vực quản lý hành chính kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động và thường xuyên tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, nhất là Công an, Toà án trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, điều tra và xét xử; đề cao trách nhiệm pháp lý của Viện kiểm sát trong việc phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, nhất là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do của công dân như bắt, tạm giữ, tạm giam; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra truy tố, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên tại phiên toà nâng lên đáng kể, được thể hiện qua việc chủ động và tích cực tham gia xét hỏi, tranh luận với những người tham gia tố tụng, nhất là người bào chữa và xác định đây là khâu đột phá trong cải cách hoạt động thực hành quyền công tố. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù cũng đã được tăng cường, góp phần bảo đảm việc quản lý và thực hiện các chế độ đối với người bị giam, giữ và thi hành án phạt tù đúng theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan liên quan trong việc xét đặc xá và giảm án tha tù trước thời hạn. Công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật có những chuyển biến tích cực; Công tác kiểm sát thi hành án được củng cố và đẩy mạnh; công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được Viện kiểm sát hai cấp quan tâm thực hiện tốt, tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí chuyển đến. Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được tăng cường. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã duy trì thường xuyên mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Savẳnnakhẹt nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và tích cực thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp với các tỉnh của nước bạn. Công tác xây dựng ngành đã có những chuyển biến tiến bộ, tổ chức bộ máy và cán bộ của Viện kiểm sát ngày càng được củng cố và kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành luôn được chú trọng thực hiện, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp lý, nghiệp vụ kiểm sát và lý luận chính trị, quản lý Nhà nước...; công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ từng bước được thực hiện tốt. Đội ngũ cán bộ nhìn chung có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy với công việc, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đến nay ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có một đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn ngành có trên 83% cán bộ, công chức là đảng viên, 84% có trình độ Đại học, 32 % cán bộ, công chức đã và đang học Cử nhân, Cao cấp và Trung cấp Lý luận chính trị. Ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang có những biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác, tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Cơ sở vật chất của ngành ngày càng được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu công tác; các trang thiết bị, phương tiện công tác ngày càng được quan tâm đầu tư, mạng lưới công nghệ thông tin được trang bị hiện đại và triển khai ứng dụng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác. Kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân trong thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt; tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020. Trước yêu cầu đó của đất nước, trong những năm tới, toàn ngành cần tập trung làm tốt các công tác sau đây: 1- Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng, bám sát các yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong từng giai đoạn. Viện kiểm sát hai cấp phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp, nhất là với Cơ quan điều tra và Toà án nhân dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh các loại tội phạm, không để xảy ra việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai. Chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm và chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền đề ra các biện pháp tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm có kết quả. Quán triệt công tác kiểm sát là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải dựa trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, căn cứ vào pháp luật, nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của đơn vị; gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế với nhiệm vụ chính trị của đất nước. 2-Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có trình độ, năng lực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. củng cố, kiện toàn bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực tiễn khẳng định, công tác cán bộ luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là yếu tố quyết định thành công của hoạt động kiểm sát. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của cải cách tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp phải phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn công tác đánh giá, quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ theo tinh thần đổi mới, tăng cường công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có sai phạm. 3- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện kiểm sát nhân dân . Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, đây là nguyên tắc Hiến định. Hoạt động của Viện kiểm sát các cấp phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp uỷ Đảng. Để xây dựng ngành Kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động, Viện kiểm sát các cấp phải quán triệt đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng để xác định phương hướng, nhiệm vụ chính trị của mình; đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không ngừng củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu qủa hoạt động của Ban cán sự Đảng, xây dựng Đảng bộ, Chi bộ ở hai cấp kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh. 4- Chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, trước hết là các cơ quan bảo vệ pháp luật và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trong quá trình thực hiện chức năng, Viện kiểm sát phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, nhất là phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan thì nơi đó Viện kiểm sát mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. 5- Tranh thủ sự giám sát và ủng hộ của nhân dân, quán triệt đầy đủ tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát các cấp phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan đoàn thể khác. Hoạt động của Viện kiểm sát phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và quan tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Viện kiểm sát hai cấp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để nắm thông tin về tội phạm và tuyên truyền pháp luật, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội để đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật. Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta là một quá trình cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Với lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân, với kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam, toàn thể cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị xin hứa trước Đảng và nhân dân tiếp tục đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.